Iran sẽ làm phim đáp trả lại “Argo” của Mỹ
(Dân trí) - Iran vừa tuyên bố sẽ sản xuất một phim điện ảnh về những con tin Mỹ kẹt lại tại Iran hồi năm 1979 khi nước này xảy ra cuộc Cách mạng Hồi giáo. Hành động này được cho là đáp trả lại bộ phim “bóp méo sự thật” - “Argo” vừa đoạt Quả Cầu Vàng.
“Argo” vừa rinh về những giải cao nhất tại Quả Cầu Vàng và sắp tới cũng có nhiều khả năng được vinh danh tại Oscar vì phim có tới 7 đề cử.
Nhà sản xuất phim kiêm diễn viên điện ảnh người Iran – Ataollah Salmanian đã khẳng định rằng bộ phim của Iran đã sẵn sàng khởi quay, kịch bản đã được hoàn tất: “Kịch bản cho phim ‘Setad Moshtarak’ (Bộ tham mưu) đã được cục nghệ thuật của Iran thông qua và chỉ còn chờ kinh phí rót xuống để bắt đầu bấm máy.”
“Phim kể về 20 con tin người Mỹ được trao trả cho đại sứ quán Mỹ bởi những người tham gia cuộc cách mạng tại Iran năm đó. Hành động này được thực hiện ngay từ đầu cuộc Cách mạng Hồi giáo và phim sẽ là một câu trả lời thỏa đáng trước truyện phim bóp méo sự thật của ‘Argo’.”
Vào ngày 4/11/1979, những học sinh, sinh viên theo đạo Hồi tại Iran đã xông vào đại sứ quán Mỹ tại Tehran và giữ các nhà ngoại giao Mỹ làm con tin trong… 444 ngày. Hành động này đã gây rạn nứt trong mối quan hệ ngoại giao giữa Washington và Tehran khi đó.
Bộ phim “Argo” đã khắc họa lại sự kiện năm xưa với đạo diễn kiêm diễn viên chính của phim – Ben Affleck vào vai một điệp viên CIA tới giải cứu 6 nhà ngoại giao Mỹ đang lưu trú tại nơi ở của ngài đại sứ Canada tại Tehran.
Phim nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình nhưng cũng có một số nhà sử học cho rằng “Argo” đã quá đà khi sử dụng nhiều chi tiết tưởng tượng để đưa vào một bộ phim mang tính lịch sử, đáng kể nhất là việc “Argo” đã phóng đại vai trò của CIA trong việc giải cứu các nhà ngoại giao Mỹ.
Phim giành được giải Quả Cầu Vàng cho Phim chính kịch và Đạo diễn xuất sắc nhất nhưng “Argo” bị cấm chiếu tại Iran đồng thời truyền thông Iran không công nhận thành công của phim. Họ chỉ trích hội đồng trao giải của Quả Cầu Vàng là có ý đồ biến một sân chơi điện ảnh trở thành “diễn đàn chính trị”.
Tờ tin tức hàng ngày 7Sobh của Iran nhận định: “Argo tái hiện lại hình ảnh của thủ đô Tehran hồi năm 1980, trong khi bộ phim khiến người Iran thấy khó chịu và nực cười thì nó lại làm giới phê bình phim của Mỹ hào hứng”.
Pi Uy
Theo Channel News Asia