Hữu Ước ở Đại hội Nhà văn VIII!

(Dân trí)- Tôi đã định viết bài này từ lâu nhưng cứ chần chừ, đắn đo mãi. Đắn đo, chần chừ là bởi với Hữu Ước, ngoài cái danh nhà văn, anh còn là một quan chức nhà nước, phụ trách cả một hệ thống báo chí lớn của ngành công an…

Giờ thì anh đã về hưu, có khen hay chê, khỏi bị coi là kẻ phù thịnh, thấy “người sang bắt quàng làm họ” hay có vụ lợi gì đó.

Cho đến giờ phút này, sau lần gặp thứ ba ở Đại hội Nhà văn lần thứ VIII (6/8/2013), tôi gặp Hữu Ước đúng ba lần.

Lần thứ nhất cách đây gần 20 năm. Khi đó, anh đang cùng với đạo diễn Doãn Hoàng Giang dàn dựng vở kịch nói hình như là “Vòng đời”, lâu quá rồi, tôi không nhớ chính xác.

Nhà báo Mỹ Giang khi đó là thư ký tòa soạn báo Nhà báo & Công luận đề xuất tôi viết bài về vở diễn này. Có lẽ, ý của chị Mỹ Giang là để tôi cổ vũ cho vở diễn vì chị là bạn của anh Hữu Ước (tôi gọi là anh chị vì các bác hơn tôi 4-5 tuổi).

Tôi đến gặp Hữu Ước, anh cho vé đi xem.

Thành thật với tôi, đó là một vở kịch dở. Tôi về viết một bài chê tơi tả.
 
Sau đó khoảng hai năm (1999), tôi gặp Hữu Ước lần thứ 2.

Sau đó khoảng hai năm (1999), tôi gặp Hữu Ước lần thứ 2.

Ngày đó, Nhà văn Lê Lựu rủ tôi viết báo tết. Một trong những tờ báo Lê Lựu nhắm đến đầu tiên là An ninh Thế giới. Lý do là báo này trả nhuận bút rất cao. Nhất là với Lê Lựu, một người anh cùng quê của TBT Hữu Ước thì cái sự nhuận bút hẳn là hào phóng.

Hôm đến nộp bản thảo, Nhà văn Hữu Ước mời vào phòng, mở rượu Tây. Lê Lựu nâng chén nói bằng giọng vô cùng thiểu não: "Ước cho anh gửi một bài báo tết nhé". "Vâng, thế thì tốt quá, bác đưa ngay cho em nhé” - Nhà văn Hữu Ước hớn hở.

Lê Lựu lục trong chiếc túi dã chiến ra một tờ giấy A4 nhàu nát, cỡ 600 chữ đánh máy, giọng còn nhàu... hơn cả bản thảo: "Anh bây giờ viết lách khó khăn lắm. Chữ nghĩa nó chạy đâu sạch cả. Mà bài này có được... 3-4 triệu không Ước nhỉ?". Nhà văn Hữu Ước cười phá lên: "Bác định cho em bán nhà đấy à? Nhưng mà ông anh cứ yên tâm, em sẽ trả bác bằng 3 bài khác".

Chuyện trò một lát, Hữu Ước quay lại bài báo tôi viết năm nào. Tất nhiên, anh không hài lòng về bài báo đó và nói đại để trách tôi là kẻ không biết sống…

Tôi biết mình có lỗi bởi đến xin vé người ta về xem, dù hay dở thì cũng phải ghi nhận ở tấm lòng nên im lặng, không nói gì.

Chắc đọc được ý nghĩ của tôi, Hữu Ước bảo, thôi chuyện đã qua, không để ý nữa.
 
Lần thứ 3 tôi gặp Hữu Ước là tại Hội nghị Nhà văn Việt Nam vừa qua.

Lần thứ 3 tôi gặp Hữu Ước là tại Hội nghị Nhà văn Việt Nam vừa qua.

Trước đại hội, có nhiều dư luận Hữu Ước “chạy” vào Ban chấp hành. Đã có tiếng xì xầm bàn tán, “ghé tai nói nhỏ”… không bỏ phiếu cho Hữu Ước.

Dư luận Hữu Ước “chạy” chấp hành nặng nề đến mức trong phát biểu phê bình khá gay gắt của tôi về các cơ quan truyền thông của Hội tại Hội nghị các nhà văn Hà Nội họp trước Đại hội, một ông anh ngoại đạo đã hỏi tôi rằng hay chú… đánh thuê cho Hữu Ước!?

Có lẽ phải nghe quá nhiều lời không hay về Hữu Ước nên tôi… nghi ngờ những lời đàm tiếu ấy.

Với riêng tôi, thấy Hữu Ước còn khá trẻ, đang là người có vị thế, cá tính lại mạnh mẽ nên có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển của Hội Nhà văn nên tôi chủ tâm sẽ bỏ phiếu cho anh.

Thế nhưng thật ngạc nhiên cho tôi và chắc chắn ngạc nhiên hơn tôi là những người vận động không ủng hộ Hữu Ước. Anh đã đứng lên xin rút.

Chợt bật cười vì bao nhiêu lời xì xầm, vận động giờ đây hóa vô nghĩa, vớ vẩn…

Câu chuyện chỉ dừng ở đây thì không thể nói là tôi gặp Hữu Ước ba lần nếu như không có chuyện trục trặc trong khâu bầu cử hôm đó.

Chả là buổi sáng, khi biểu quyết số lượng, cả Hội trường đã giơ tay nhất trí bỏ phiếu cho tất cả những ai được giới thiệu. Sau đó chọn 30 người có số phiếu cao nhất để bầu ra 15 vị vào Ban chấp hành.

Thế nhưng khi công bố 30 người có số phiếu cao nhất để bầu vòng 2 thì có hơn một chục người (hình như là 12 người) xin rút và con số chỉ còn lại 18 người.

Đây là sự thiếu kinh nghiệm của khâu tổ chức bởi có thể họ nghĩ đơn giản, ai cũng hào hứng vào Ban chấp hành cả!? Đáng lý lấy số dư khoảng 50 hay 60 người thì sự thể không đến mức bầu 18 lấy 15, tức là gần như bầu một người cho một vị trí.

Và hội trường tranh luận như… vỡ chợ. Để 18 bầu 15 hay lấy bổ sung cho đủ 30 người rồi bầu lấy 15 người như đã biểu quyết?

Sau một hồi tranh cãi khá căng thẳng, cuối cùng Chủ tịch Đoàn lấy ý kiến Hội nghị và thống nhất để nguyên con số 18, không bổ sung thêm.

Trên Đoàn chủ tịch, Hữu Ước mặt đỏ gay gắt. Anh dứng lên nói điều gì đó phản đối nhưng đám đông ầm ĩ gạt đi.

Việc Hữu Ước phản đối theo tôi là đúng bởi chỉ mới buổi sáng, cũng tại hội trường này, cũng những cánh tay đó giơ lên biểu quyết chọn 30 người bầu lấy 15 người. Thế mà chỉ sau một buổi trưa, tất cả đã quay ngoắt lại, thay đổi.

Về mặt nguyên tắc, việc biểu quyết buổi sáng phải được coi như là nghị quyết của Đại hội. Và đã là nghị quyết thì cứ thế mà làm, không được phép “Sáng nắng, chiều mưa, trưa… thay đổi”.

Hữu Ước không chịu được cái lối đó bởi anh là người lính. Với người lính, đã là điều lệnh thì không thể khác. Vả lại về cá nhân, với vị trí của một thủ trưởng cơ quan lực lượng vũ trang, không bao giờ anh để điều này xảy ra nên Hữu Ước không chịu được. Mắt anh đỏ nhừ, mắt vằn lên vì thấy mình đúng mà đành bất lực.

Sau buổi đó, Hữu Ước buồn thơ thẩn ra sân. Nhà thơ Trần Quang Quý và tôi ghé đến, mấy anh em rủ nhau ra quán nước chè, hút thuốc lào.

Mới đó mà đã 3 năm, giờ anh đã nghỉ hưu.

Cách đây ít bữa, trả lời báo chí, Hữu Ước tâm sự: “Giờ tôi bắt tay ngồi vẽ, ngồi làm thơ, ngồi viết tiểu thuyết...Tôi vẽ, thấy chán thì chuyển sang làm thơ, làm thơ không được thì ngồi viết văn, viết văn không được thì ngồi viết kịch, không ổn thì viết truyện ngắn, truyện ngắn không ổn thì viết tiểu thuyết. Bất lực trước ngòi bút của mình thì nó lại nảy ra cái khác. Chỉ có bia cỏ, thuốc lào là không bao giờ bỏ được”.

Xin được nâng cốc bia cỏ chúc mừng anh đã hoàn thành sứ mệnh “người đi cày” như anh tâm sự: “Tôi là người đi cày, cày hết thửa ruộng này đến thửa ruộng khác. Tôi là người không bao giờ ngoảnh nhìn lại những gì mình đã làm. Mà làm xong là không bao giờ gặm nhấm quá khứ, không bao giờ gặm nhấm hào quang”.

 
Bùi Hoàng Tám

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm