Hơn 3.000 diễn viên, người dân tập luyện chuẩn bị Lễ vinh danh xòe Thái
(Dân trí) - Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cho biết, gần một tháng nay, Yên Bái đã trở thành một sàn tập khổng lồ với 3.000 diễn viên là nghệ sĩ, nghệ nhân và bà con dân tộc Thái.
Vào đêm 24/9 sẽ diễn ra chương trình "Xòe Thái - tinh hoa miền di sản" trong khuôn khổ Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh nghệ thuật xòe Thái vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai mạc Lễ hội Văn hóa du lịch Mường Lò, khám phá danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2022".
Chương trình được thực hiện tại sân vận động Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, do UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo thực hiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái tổ chức.
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cho biết, gần một tháng nay, Yên Bái đã trở thành một sàn diễn khổng lồ với 3.000 diễn viên là nghệ sĩ, nghệ nhân, và bà con dân tộc Thái, trong đó có 500 em học sinh PTTH tại địa bàn... tập luyện bất kể ngày đêm để chuẩn bị chương trình.
"Mặc dù thời tiết nắng mưa thất thường, oi bức, rất vất vả nhưng người dân không hề kêu mệt mà vô cùng háo hức, chờ đợi ngày đại lễ vinh danh xòe Thái. Ai cũng cảm thấy vinh dự vì được đóng góp trong sự kiện trọng đại này nên tập luyện hăng say lắm.
Nhiều người phải đi bộ từ rất xa, hàng chục km. Điều đó khiến chúng tôi vô cùng cảm động. Tôi kỳ vọng, Lễ đón nhận cũng có thể trở thành một di sản…", Tổng đạo diễn Lê Hải Yến chia sẻ.
Một đại ngàn thu nhỏ trên sân vận động Nghĩa Lộ với nhiều lớp lang văn hóa như một pho sử thi của người Thái (Việt Nam) đã dần hiện diện.
Chương trình sẽ gồm 3 chương, như một vở đại vũ kịch hoành tráng kể về lịch sử và những nét đặc trưng trong văn hóa Thái, chủ sở hữu của xòe Thái - di sản phi vật thể nhân loại.
Cuối cùng, chương trình sẽ kết thúc bằng một vòng đại xòe đáng mong chờ với 2.022 người.
Cũng theo đạo diễn Lê Hải Yến, chương trình phần lớn có sự tham dự của diễn viên là bà con, nghệ nhân, người dân tộc Thái, người dân Tây Bắc… để kể câu chuyện về cộng đồng của họ, từ cội nguồn nào, thực tế đời sống ra sao... Và qua đó, khán giả sẽ cảm nhận được sự sống động của di sản trong chính cái nôi hình thành.
90% nội dung diễn xướng trong chương trình sẽ được thể hiện bằng tiếng dân tộc Thái và dùng phụ đề tiếng Việt.
Không chỉ có 3.000 diễn viên, người dân miệt mài tập luyện, Ban Tổ chức còn huy động hàng nghìn tình nguyện viên, kỹ thuật viên, nhân viên… gấp rút chuẩn bị.