Học cách làm phân cá giàu đạm giúp cây phát triển xanh tốt

Nguyên An

(Dân trí) - Phân cá hữu cơ được chị Bùi Thương tự ủ để bổ sung chất đạm tự nhiên cho rau phát triển, cùng tìm hiểu cách ủ phân cá đơn giản tại nhà nhé.

Khi trồng rau sạch tại nhà nhiều người thường ưu tiên lựa chọn những loại phân bón hữu cơ để giúp cây phát triển tốt lại đảm bảo an toàn chất lượng dinh dưỡng cho rau xanh.

Học cách làm phân cá giàu đạm giúp cây phát triển xanh tốt - 1

Giàn bầu trĩu quả nhờ tưới phân cá hữu cơ (Ảnh: NVCC). 

Phân cá cũng là một trong những công cụ đắc lực được nhiều người lựa chọn để giúp cho vườn cây xanh tốt. Với những gia đình ở thành thị trồng rau trên sân thượng, phân cá là lựa chọn hợp lý vừa thân thiện với môi trường và đem lại những lợi ích tuyệt vời cho vườn rau.

Học cách làm phân cá giàu đạm giúp cây phát triển xanh tốt - 2

Thành quả thu hoạch trên vườn rau sân thượng của chị Thương (Ảnh: NVCC). 

Chị Bùi Thương (TPHCM) chia sẻ: "Phân cá chứa nhiều đạm rất tốt cho sự phát triển của cây. Thay vì mua đạm hóa học, tôi lựa chọn giải pháp thân thiện với môi trường và sức khỏe đó là ủ phân cá. Thời gian từ khi làm đến khi sử dụng khoảng 20 ngày.

Học cách làm phân cá giàu đạm giúp cây phát triển xanh tốt - 3

Vườn sân thượng giúp gia đình chị Thương tự cung tự cấp được nguồn rau xanh (Ảnh: NVCC). 

Nguyên liệu cần có cho công thức và liều lượng cho 3kg cá gồm có:

Đầu cá, vi cá, ruột cá, mang cá... Sử dụng cá nước ngọt là tuyệt vời nhất vì cá nước biển có muối sẽ mặn gây sự phát triển kém của cây. Các bạn có thể xin hoặc mua chỗ bán cá vì đây là những bộ phận hầu như bỏ đi của con cá.

Chế phẩm sinh học E.M (Tác dụng thủy phân thịt cá)

Rỉ mật giúp làm tăng lượng vi sinh (Có thể thay thế bằng đường vàng như hiệu quả ngâm phân cá sẽ không tốt bằng)

2 viên neopeptin (Có thể thay thế bằng nhựa đu đủ)

2 gói men tiêu hóa

Vỏ dứa và cùi dứa giúp phân hủy đạm và tăng mùi thơm của phân.

Học cách làm phân cá giàu đạm giúp cây phát triển xanh tốt - 4

Chị Bùi Thương vui vẻ chụp ảnh cũng thành phẩm do chị tự tay trồng và chăm sóc (Ảnh: NVCC). 

Cách ủ phân cá:

Bước 1: Đầu cá ruột cá bỏ vào thùng nước suối. Cá chỉ cho vào 2/3 thùng, dự trù trống 1/3 thể tích để chứa hơi và sự trương nở. Ruột cá sau khi ủ có thể bị căng phồng nguy cơ nổ cao nên ta cần lấy kéo cắt ra từng đoạn.

Bước 2: Cho 50ml rỉ mật, cho 50ml chế phẩm sinh học E.M và sau đó lắc đều cho E.M và rỉ mật thấm đều với cá.

Học cách làm phân cá giàu đạm giúp cây phát triển xanh tốt - 5

Rau xanh phát triển tốt nhờ phân cá hữu cơ (Ảnh: NVCC). 

Bước 3: Khoét một lỗ nhỏ trên nắp bình ngâm khi phơi nắng tránh nổ, lấy bao xốp đen trùm kín bình phơi nắng 5 ngày. Hơi ủ làm chai căng phồng, giai đoạn này cá đang trong giai đoạn phân hủy có thể tăng thể tích gấp rưỡi.

Bước 4: Xay hoặc dã vỏ, cùi dứa để có một chén nước cốt. Lưu ý, không sử dụng nước lã, chỉ giữ nguyên nước cốt vỏ, cùi dứa.

Bước 5: Cắt nhựa đu đủ cho vào thùng ủ phân cá

Bước 6: Bạn có thể cho thêm 2 viên neopeptin, 2 gói men tiêu hóa giúp phân hủy đạm cho cây dễ hấp thụ. Tất cả trộn vào thùng cá phơi nắng đợi 2 tuần. Nếu thời tiết mưa ẩm có thể tăng thời gian phơi trong khoảng 3 hoặc 4 tuần.

Học cách làm phân cá giàu đạm giúp cây phát triển xanh tốt - 6

Ớt chuông nhà trồng chất lượng và cho thu hoạch liên tục (Ảnh: NVCC). 

Cách lọc phân cá:

Hớt bỏ phần lớp váng mỡ nổi phía trên thùng phân cá. Vì là phân hữu cơ nên chắc chắn sẽ hơi có mùi hôi khó chịu một chút. Lấy khăn sạch lọc bỏ xác cá, sau đó lấy rây lọc lại đổ phần váng mỡ còn sót lại. Cho phân cá đã lọc vào bình đậy kín bảo quản nơi mát tránh ánh nắng trực tiếp.

Học cách làm phân cá giàu đạm giúp cây phát triển xanh tốt - 7

Liều lượng tưới phân cá cho rau:

Mỗi lần tưới pha phân cá với liều lượng là 5ml với 1lit nước sạch tưới cho rau ăn lá, 10ml cho cây ăn trái.

Chị Bùi Thương chia sẻ thêm, khi ủ phân cá cần phải đậy kín không cho ruồi bay vào, phân cá phải có mùi y như mắm cá lóc và mắm nêm. Nếu có mùi tanh, thối lạ thì tức là phân cá đã hỏng không thể sử dụng.

Tất cả loại phân sau khi tưới xong cần phải xịt rửa lại lá. Tránh tưới vào tối vì thời điểm này tạo điều kiện phát triển cho sâu bệnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm