Hoàn thành công tác khai quật đoạn đường cổ ở Thánh địa Mỹ Sơn

(Dân trí) - Sau một thời gian làm việc tỉ mỉ và tích cực, đến ngày 30/5, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã hoàn thành công việc khai quật đoạn đường cổ chìm trong lòng đất ở Thánh địa Mỹ Sơn, phục dựng đoạn đầu của tuyến đường cổ này và gia cố chống đổ ngã cho tháp K.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Văn Minh (Trưởng phòng bảo tồn bảo tàng, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn) cho biết, nhóm chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam tiến hành khai quật nhóm tháp K, H và A từ ngày 27/2 đến 30/5 đã hoàn thành công việc.

Khu tháp K đã được khai quật để trùng tu
Khu tháp K đã được khai quật để trùng tu

Tại nhóm tháp H, các chuyên gia đã khai quật trên diện tích 200m2 và chuyển lớp đất đã bị bồi lắng ra bên ngoài. Tại đây, các chuyển gia đã phát hiện gần 100 hiện vật bằng gạch, đá và đã được đưa về kho để bảo quản.

Khi khai quật tháp H cũng làm lộ ra toàn bộ tường bao quanh khu tháp này. “Với những thành phần tháp có nguy cơ sụp đổ cao thì dùng gỗ, ván chống đỡ để chuẩn bị cho đợt trùng tu thứ 2”, ông Minh nói.

Đoạn đường cổ và hai bờ tường dẫn vào chân tháp K đã được trùng tu
Đoạn đường cổ và hai bờ tường dẫn vào chân tháp K đã được trùng tu

Còn tại khu tháp K, các chuyên gia cũng đã khai quật trên diện tích 200m2 đã làm lộ ra con đường cổ và 2 đoạn tường dẫn vào khu di tích. Căn cứ vào những hiện vật và vết tích của 2 tường bao trên đường dẫn, các chuyên gia Ấn Độ kết luận ban đầu đây là con đường hành lễ dành cho tầng lớp Hoàng gia Chămpa.

Tại khu tháp này, các chuyên gia đã phát hiện trên 100 hiện vật và đã được trưng bày tại chỗ phục vụ du khách, còn một số hiện vật khác được đưa về kho để phục vụ cho công tác nghiên cứu.

Đoạn bờ tường của tuyến đường cổ đã được tạm lấp lại để bảo quản
Đoạn bờ tường của tuyến đường cổ đã được tạm lấp lại để bảo quản

Ông Minh cho hay, ngôi tháp chính được dùng ván và gỗ để chống đỡ, dùng dây cáp neo lại để tháp khỏi xê lệch. Hiện khu tháp K này cũng đã được trùng tu các bậc tam cấp phía Đông và 2 đoạn bờ tường dẫn vào chân tháp. Hiện bờ tường dẫn của tuyến đường cổ còn lại đã được tạm lấp để bảo quản cho công tác trùng tu tiếp theo.

Đối với tuyến đường cổ vừa mới phát lộ, các chuyên gia đã sử dụng hơn 4.000 viên gạch được khai quật từ con đường cổ bị vùi lấp trong lòng đất và một phần gạch mới được đặt sản xuất thủ công để thi công hai bờ tường dẫn. Hai bờ tường dẫn của đoạn đầu đường cổ ở chân tháp K cách nhau khoảng hơn 6m, rộng mỗi bên 0,6m, dài 15m.

Ông Lê Văn Minh trao đổi với PV Dân trí

Như Dân trí đã phản ảnh, trong đợt trùng tu các nhóm tháp K, H và A ở Di tích Mỹ Sơn từ tháng 4/2017, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã phát hiện một con đường cổ và bờ tường dẫn chìm trong lòng đất tại khu tháp K. Tuyến đường cổ vừa phát lộ có điểm đầu tại chân tháp K hay còn gọi là tháp Cổng. Còn chiều dài của cả tuyến đường cổ bao nhiêu và điểm cuối ở đâu thì hiện nay vẫn chưa xác định được.

Theo Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn cho biết, công tác trùng tu tháp K và các hạng mục khác sẽ được các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam tiếp tục thực hiện vào đầu năm 2018.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm