Hóa thạch voi ma mút 42.000 năm tuổi hoàn hảo nhất thế giới
(Dân trí) - Hóa thạch voi ma mút được tự nhiên bảo quản hoàn hảo nhất thế giới sắp được đem trưng bày.
Hóa thạch một chú voi con có niên đại 42.000 năm tuổi đã được tìm thấy tại Siberia hồi năm 2007. Sắp tới, hóa thạch này sẽ được đem trưng bày tại Viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở thành phố London, Anh. Đây là lần đầu tiên hóa thạch này được đem trưng bày tại Tây Âu.
Hóa thạch chú voi ma mút này chỉ lớn hơn một chú chó to. Các nhà khoa học tin rằng chú voi con đã chết khi mới được một tháng tuổi.
Hóa thạch được đặt tên là Lyuba. Đây là hóa thạch được tự nhiên bảo quản hoàn hảo nhất mà người ta từng tìm thấy.
Hóa thạch của voi Lyuba được tìm thấy tình cờ bởi một người chuyên chăn nuôi tuần lộc có tên Yuri Kudi và những cậu con trai của ông khi họ đang đi kiếm củi bên suối. Hóa thạch voi Lyuba thuộc sở hữu của Viện bảo tàng Shemanovsky ở thị trấn Salekhard, Nga.
Xác của chú voi đã bị chìm xuống bùn và sau đó đóng băng, ở điều kiện bảo quản lý tưởng này, nó đã bị chôn sâu trong suốt 42.000 năm.
Xác voi Lyuba được tìm thấy bên bờ sông Yuribei, Siberia. Sau đó, nhiều nhà khoa học đã tới đây và tìm thêm được một số hóa thạch voi ma mút khác.
Xác voi Lyuba được tìm thấy từ năm 2007. Nó đã gây hứng thú lớn cho cộng đồng khoa học bởi sự hoàn hảo hiếm có của một hóa thạch 42.000 năm tuổi.
Ông Yuri Khudi - người đã tìm thấy hóa thạch voi Lyuba - chụp bức ảnh này khi mới tìm thấy hóa thạch và đưa về nhà.
Xác voi ma mút Lyuba dài 1m30.
Sau khi được phát hiện, hóa thạch voi Lyuba đã được các nhà khoa học nghiên cứu để hiểu hơn về đời sống của các loài động vật trong thời kỳ băng hà.
Lyuba trước đây đã từng được đem trưng bày tại các viện bảo tàng của Nga, Hồng Kông, và Mỹ. Đây là lần đầu tiên nó được đem trưng bày tại khu vực Tây Âu.
Bích Ngọc
Theo DM