Họa sĩ đứng sau loạt tranh chế “đi đâu đấy - sao về rồi” là ai?
(Dân trí) - Những ngày qua, cộng đồng mạng Việt Nam chứng kiến cơn sốt “chế tranh” hài hước với loạt câu thoại đã trở thành quen thuộc - “đi đâu đấy - sao về rồi”. Đằng sau những bức vẽ đơn giản mà ngộ nghĩnh, ý tưởng ngắn gọn mà thú vị ấy là một họa sĩ chuyên nghiệp.
Ý tưởng hoạt họa gây sốt với cộng đồng mạng Việt Nam những ngày qua xoay quanh cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con, trong đó, người mẹ hỏi con đi đâu, lát sau lại lại hỏi tại sao con đã về rồi. Bằng cách thay đổi câu trả lời của người con, cư dân mạng có thể tạo ra vô số những màn đối đáp hài hước.
Nguyên gốc của loạt tranh chế này là một bức vẽ do họa sĩ người Mỹ bản địa có tên Ricardo Cate thực hiện. Trong bức vẽ của ông, cuộc đối thoại giữa hai mẹ con diễn ra như sau: người mẹ hỏi con đã học được gì ở trường trong ngày hôm đó, người con hồn nhiên trả lời: “Học chưa xong mẹ ạ, người ta bảo con vẫn phải tới trường vào ngày mai học tiếp!”.
Họa sĩ Ricardo Cate là một nhân vật có tiếng trong giới những người vẽ tranh hoạt họa tại Mỹ. Ông đã từng tổ chức nhiều triển lãm giới thiệu tác phẩm của mình, từng ra sách tranh. Tác phẩm của ông thoạt tiên toát lên sự hài hước, nhưng lại chứa đựng những điều khơi gợi nghĩ suy sâu sắc nếu công chúng chịu dừng lại và dành thời gian ngẫm nghĩ trước tác phẩm của ông.
Như với bức tranh gây sốt với cộng đồng mạng Việt Nam, có lẽ chính hoàn cảnh “vội vã ra đi, lật đật trở về” mà không đạt được thành quả nào như ý là hoàn cảnh đã từng xảy ra trong cuộc sống của nhiều người. Chính nét tâm lý này đã khiến nhiều người cảm thấy thích thú để tạo nên những tình huống bi hài tréo ngoe khi “chế tranh” và từ đó càng khiến cơn sốt lan truyền thú vị hơn.
Dù ý tưởng mới của loạt tranh chế đã có phần xa rời hình vẽ nguyên gốc, nhưng việc tìm ra được tác giả tạo nên hai nhân vật gây bão trên mạng xã hội Việt Nam những ngày qua vẫn là một phát hiện thú vị.
Tại Mỹ, ông Cate vốn được yêu thích với cuốn sách hoạt họa “Without Reservations: The Cartoons of Ricardo Cate”, trong đó, những hình vẽ hoạt họa hài hước chủ yếu xoay quanh đời sống, cách suy nghĩ, sự hóm hỉnh của người da đỏ bản địa tại Mỹ.
Ông Carte cũng đều đặn cung cấp 6 hình hoạt họa mỗi tuần cho tờ tin tức Santa Fe New Mexican (Mỹ) trong suốt hơn một thập kỷ qua, nội dung các hình hoạt họa này cũng vẫn xoay quanh đời sống của người da đỏ bản địa tại Mỹ, với mục đích giúp công chúng gần gũi hơn với cuộc sống của người da đỏ bản địa.
Khởi nguồn cảm hứng cho sự nghiệp họa sĩ hoạt họa của ông Ricardo Cate bắt đầu từ năm lớp 7, khi người bạn thân của ông phải chuyển lớp. Hai người bạn đã thống nhất sẽ vẽ hoạt họa về những gì diễn ra trong lớp học của họ rồi trao nhau những hình vẽ biết kể chuyện đó vào giờ ra chơi.
Ý tưởng này dần trở nên nghiêm túc, khi ông Ricardo vẫn tiếp tục vẽ hoạt họa trong những năm tháng trung học, đại học và ngay cả khi nhập ngũ.
Đối với ông Ricardo Cate, hoạt họa là một cách truyền đạt những điều muốn nói nhanh nhất khi không tìm ra ngôn từ đủ mạnh. Đối với ông, một hình vẽ đáng giá bằng ngàn ngôn từ. Tiêu chí vẽ hoạt họa của ông Ricardo Cate là phải đưa vào thật ít ngôn từ, chữ nghĩa, tranh của ông chỉ sử dụng rất ít lời thoại và ông nhận thấy tranh hoạt họa càng đơn giản càng tạo hiệu ứng mạnh.
Bí quyết để ông có thể bền bỉ với hoạt động vẽ tranh hoạt họa, đồng thời hợp tác đều đặn với các tờ tin tức mà không bao giờ lỡ hẹn suốt hơn một thập kỷ qua, chính là luôn quan sát kỹ cuộc sống xung quanh, lưu lại những ý tưởng và rồi để đến... phút chót mới hoàn thành trước áp lực thời gian, khi ấy, ông sẽ vẽ thật nhanh những ý tưởng đã được nảy ra từ trước.
Bích Ngọc
Theo Forbes/Santa Fe New Mexican