Hoa hậu Thiên Nga: “Chồng mất, mẹ con tôi như trên mây rơi xuống vực thẳm”
(Dân trí) - “Khi chồng mất, mẹ con tôi như từ trên mây rơi xuống vực thẳm. Nhưng tôi nghĩ, mình là mẹ, lớn tuổi hơn con, hiểu biết hơn con… mình phải đỡ cho con mình”, Hoa hậu Việt Nam 1996 xúc động khi kể lại quãng thời gian khó khăn trong cuộc đời.
Con trai là "khuôn đúc" của chồng quá cố
Trong đêm gala 30 năm Hoa hậu Việt Nam mới đây chị thể hiện ca khúc “Còn tuổi nào cho em” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng chất giọng khá u buồn. Phải chăng lời bài hát cũng là tâm sự của chị?
Tôi rất thích bài hát này vì tôi thuộc nó khi mới 12 tuổi nên đã chọn để thể hiện trong đêm gala 30 năm Hoa hậu Việt Nam. Bài hát cho người ta suy nghĩ về cả một cuộc đời bởi vậy lúc tập để hát bài này cho chương trình tôi cũng không kìm được cảm xúc.
Tuy nhiên, dù giai điệu của bài hát có vẻ hơi man mác, hơi buồn và trầm lắng… nhưng tôi nghĩ nó cũng khá ý nghĩa bởi dù sao Hoa hậu Việt Nam cũng đã đi qua chặng đường 30 năm.
Thời điểm khi chồng chị mới qua đời, chị có tìm đến âm nhạc để vơi bớt nỗi buồn phiền?
Từ nhỏ tôi đã rất mê nhạc nhưng tôi không có duyên với âm nhạc nên không thể trở thành ca sĩ nổi tiếng. Những bài nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tôi đã thuộc làu từ bé. Vì thế, khi được cầm míc hát trên sân khấu Hoa hậu Việt Nam lần này tôi có cảm giác như định mệnh đã kết nối lại giấc mơ thời trẻ của mình.
Còn thời điểm ông xã mới mất đúng là tôi đã rất sốc nhưng vì đã sống ở Mỹ một thời gian nên tôi hiểu cuộc sống của mỗi người luôn những vấn đề phải giải quyết ở mỗi giai đoạn. Bởi vậy, tôi buộc phải tiếp cận những nguồn năng lượng tích cực.
Kỳ này về nước để tham dự sự kiện 30 năm Hoa hậu Việt Nam. Chị đã phải sắp xếp chuyện gia đình và công việc như thế nào?
Thời điểm này đang là kỳ nghỉ hè của con trai nên tôi cho bé về Việt Nam cùng mình. Bé năm nay đã 13 tuổi và sẽ lên lớp 8 vào năm học tới. Ở bên Mỹ, mỗi khi trẻ em nghỉ hè, bố mẹ đều phải đưa các con đi nghỉ hè những nơi các con thích.
Năm đi nơi này, năm đi nơi kia. Năm nay bé nhà tôi thích về Việt Nam nên hai mẹ con cùng về. Sẵn tiện tôi cũng tham gia dịp kỷ niệm mấy chục năm thành lập trường tiểu học Trần Hưng Đạo – TP.HCM và tham gia gala 30 năm Hoa hậu Việt Nam.
Con trai cảm thấy thế nào khi được mẹ đưa về Việt Nam?
Mặc dù sinh ra và lớn lên bên Mỹ nhưng khi được về Việt Nam con rất thích. Con rất thích đồ ăn Việt Nam, thích được sống giữa sự quan tâm của người thân trong gia đình và mỗi khi bước chân ra đường con cảm thấy rất hào hứng vì mọi thứ ở đây khác biệt với bên Mỹ.
Có những đứa trẻ, nếu sinh ra và lớn lên ở Mỹ, khi về Việt Nam sẽ không thích đâu vì có sự khác biệt quá lớn. Mà trẻ con bên Mỹ rất độc lập, nếu con đã không thích thì không ai có thể thuyết phục được.
May mắn là con trai tôi rất thích cuộc sống ở đây nên khi dẫn con về, tôi cũng cảm thấy vui và yên tâm giao con cho người thân để giải quyết công việc của mình. Mặc dù về đây con bị nóng và thường xuyên bị muỗi đốt nhưng con không hề tỏ ra khó chịu gì cả.
Con trai có điểm gì giống bố và mẹ?
Tôi thấy con trai giống như một khuôn đúc ra của chồng tôi vậy. Ngoại hình giống và tính cách cũng giống. Nổi trội nhất đó là con rất kiên định và mạnh mẽ. Một khi đã quyết định sẽ theo đuổi một điều gì đó là con sẽ theo cho tới cùng dù có khó khăn tới đâu.
Con cũng là một người sống rất tình cảm. Tôi thấy ở Việt Nam mình hồi xưa, mỗi khi buồn hoặc có tâm sự gì đó, trẻ con rất ít được biểu lộ cảm xúc ra bên ngoài hoặc nói chuyện gì đó khiến người khác buồn bực theo nhưng ở Mỹ họ khuyến khích điều đó nên con trai biểu lộ cảm xúc với mẹ rất thường xuyên.
Nói thật, nhìn con là tôi thấy chồng tôi ở đó bởi nó thực sự như một bản sao nhờ thế mà tôi cũng cảm thấy nguôi ngoai khi không còn ông xã bên cạnh.
Như rơi xuống vực thẳm khi ông xã qua đời
Nhìn lại những sóng gió trong cuộc đời, có bao giờ chị cảm thấy tiếc nuối vì đã sang Mỹ học tập rồi định cư ở đây? Biết đâu chị ở lại Việt Nam thì cuộc đời đã bình yên hơn?
Tôi nghĩ chuyện bất hạnh trong cuộc đời thì không ai có thể tránh khỏi, chỉ khác là người kiểu này, người kiểu kia. Có ai mà được trơn tru và hạnh phúc từ đầu đến cuối được đâu.
Tôi nghĩ những gì đến với tôi là định mệnh đã an bài rồi. Quan trọng là mình đối diện và vượt qua nó như thế nào. Tôi không bao giờ cảm thất hối tiếc bởi mình đã quyết định sang nước ngoài học tập rồi định cư.
Việc nuôi con một mình có làm cho chị đôi khi cảm thấy mỏi mệt, muốn buông xuôi?
Chuyện nuôi con một mình đương nhiên là đôi khi cũng mệt mỏi vì gia đình đầy đủ vợ chồng còn mệt huống chi một mình. Nhưng điều tôi thấy thiệt thòi và thương con hơn cả là nếu gia đình đầy đủ con mình sẽ được nâng đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần của bố mẹ.
Thật sự tôi không muốn lâm vào hoàn cảnh như hiện tại nhưng đã bị “dội” xuống rồi tôi buộc lòng phải mạnh mẽ lên thôi. Nếu một phút giây nào đó mình yếu đuối, buông xuôi… sẽ rất tội con.
Với lại, tôi thuộc tuýp người sống trách nhiệm với bản thân nên chưa bao giờ cảm thấy “Ôi sao mình khổ quá” hoặc “Mình có nên buông tay không”. Tôi nghĩ, bất kỳ ai khi không may lâm vào nỗi bất hạnh cứ bĩnh tĩnh mà đối diện và tìm cách xoay chuyển nó theo hướng tốt nhất.
Chị từng chia sẻ khi chồng mất chị đã rất sốc và mất một thời gian dài khủng hoảng. Vậy điều gì giúp chị vượt qua được khó khăn đó?
Khi chồng mất, mẹ con tôi như từ trên mây rơi xuống vực thẳm. Nhưng tôi nghĩ, mình là mẹ, lớn tuổi hơn con, hiểu biết hơn con… mình phải đỡ cho con mình. Vì thế, tôi luôn đặt cuộc sống của con lên trên cuộc sống của mình. Nếu mình không làm thế thì trong trạng thái tinh thần buồn bã con sẽ có những suy nghĩ rất tiêu cực.
Bình thường, con luôn nghĩ ba mẹ là người thương yêu mình nhất nhưng một người mất đi con dễ suy nghĩ mình không còn ai yêu thương mình nữa. Và vì dồn mọi tâm trí để lo cho con nên tôi cũng quên dần đi nỗi đau riêng của mình.
Chị đã có những dự tính gì cho tương lai, chẳng hạn chuyện xây dựng hạnh phúc với một người đàn ông yêu muốn chia sẻ cuộc sống hiện tại với mình?
Người ta thường nói, hạnh phúc nhất là khi có đôi có cặp, mình cũng đã từng như vậy nên sẽ luôn muốn như vậy. Nhưng đôi khi những bất trắc đổ xuống khiến mình lâm vào những tình cảnh phải làm người phụ nữ góa bụa.
Tuy nhiên, con trai mới 13 tuổi vẫn còn quá bé nên tôi phải nghĩ nhiều đến tương lai của con hơn tương lai của mình. Ở thời điểm hiện tại, tôi xem con trai là thứ quan trọng nhất trên đời nên những chuyện khác tôi chưa nghĩ tới. Vả lại, tôi là người thích mọi thứ vận hành theo tự nhiên nên cũng không tới mức mong chờ điều gì đến sớm quá.
Đã bao giờ con trai mong muốn mẹ tìm kiếm được tình yêu của mình?
Con trai tôi dù mới 13 tuổi nhưng đã có những suy nghĩ lớn trước tuổi. Nhiều khi tôi với con như hai người bạn vậy bởi mỗi lần nói chuyện con có những nhận xét rất sâu sắc.
Thời điểm con học mẫu giáo, tôi có dạy con tiếng Việt nhưng khi vào lớp 1 con bị quên mất. Sau này, tôi vẫn đăng ký cho con học tiếng Việt mỗi tuần.
Thỉnh thoảng mẹ con vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt hoặc có điều kiện tôi lại dẫn con đến những lễ hội mang tính bảo tồn bản sắc văn hóa của người Việt để con cảm được nét văn hóa đó mà gần gũi hơn khi chia sẻ cuộc sống với mẹ.
Là người từng hai lần đăng quang hoa hậu, vậy chị có bao giờ phải gồng mình lên để giữ hình ảnh của mình?
Ồ không, tôi thuộc dạng thích gì làm nấy, thích đi chỗ này là đi, thích ở chỗ kia là ở. Tôi không thể tạo ra một vỏ bọc để che giấu con người thật của mình. Sống cuộc sống như thế sẽ rất mệt mỏi và không được bền lâu. Với lại, tôi sống ở bên Mỹ nên lại càng không cần phải gồng mình lên gì hết.
Tôi cứ sống thoải mái, an nhiên và tự tại với những gì là con người thật của mình. Ở bên Mỹ, mỗi khi tôi đến những sự kiện cộng đồng của người Việt, mọi người đều nhận ra tôi là Hoa hậu Thiên Nga.
Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long