Hình ảnh về sự va chạm giữa con người với con người
(Dân trí) - Cuộc sống hiện đại với những nguy cơ tội phạm, nguy cơ tấn công, "cú sốc văn hóa"... tiềm ẩn trong từng mối quan hệ đã vô tình đẩy khoảng cách giữa con người với con người ngày càng ra xa hơn.
Để tìm hiểu sâu kỹ hơn về hiện tượng tâm lý đặc biệt này, nhiếp ảnh gia người Mỹ Joy McKinney đã thực hiện một dự án có tên “The Guardian” (Người bảo vệ). Trong đó, nhiếp ảnh gia sẽ “chọc thủng phòng tuyến an toàn” của những người xa lạ mà cô muốn ghi lại hình ảnh.
Với mục đích “tìm hiểu phản ứng văn hóa và xã hội của những người xa lạ đối với vấn đề giới tính và chủng tộc”, McKinney đã đề nghị 74 người xa lạ cho phép cô được chạm vào khuôn mặt của họ.
Kết quả đạt được là những bức hình ghi lại khoảnh khắc hai người xa lạ kết nối với nhau. Đó là một khoảnh khắc không dễ dàng khi mà những người xa lạ đã chấp nhận để McKinney vượt qua giới hạn an toàn cá nhân để chạm vào khuôn mặt họ.

Nhiếp ảnh gia McKinney chia sẻ: “Vấn đề về sự riêng tư cũng như khoảng cách an toàn cá nhân đang ngày càng trở thành một hành vi văn hóa quan trọng trong xã hội hiện đại. Từ thời xa xưa, những con người cổ đại đã đặt ra những quy tắc ứng xử trong đó quy định về khoảng cách giữa người với người để phòng tránh những nguy hiểm tiềm tàng”.

“Từ trong tiềm thức của chúng ta, chỉ những người thân thiết mới khiến ta cảm thấy an toàn khi lại gần và chạm vào cơ thể mình để thể hiện sự yêu mến, thân mật. Giao tiếp bằng xúc giác, hay cụ thể hơn là những cái đụng chạm là một thứ ngôn ngữ giao tiếp không lời rất đặc biệt của con người”.

“Tuy vậy, xã hội càng hiện đại, khoảng cách thực giữa con người với con người ngày càng xa nhau. Mọi người nghi ngại khi tiếp xúc ở khoảng cách gần với những người xa lạ. Họ lo sợ về những nguy hiểm tiềm tàng có thể xảy ra”.

Ở một số nước phương Tây, trước khi bạn muốn lại gần một ai đó không quen biết, bạn cần ướm hỏi ý của đối phương trước khi tiến vào “vùng không gian an toàn” của họ. Nếu bạn vô tư lại gần một người lạ, rất có thể, họ sẽ có những phản ứng tiêu cực bất ngờ xảy ra mà bạn không thể lường tới. Đó là một trong những “cú sốc văn hóa” khi ra nước ngoài.

Tác giả McKinney đã từng chứng kiến một cô gái Châu Á tốt bụng, thấy một bà cụ người Mỹ xách trong tay một giỏ cam nặng qua đường, cô gái vừa nói vừa sáp lại gần bà cụ: “Để cháu xách giúp bà giỏ cam!” Nhưng với tác phong quá nhanh, bà cụ chưa kịp phản ứng, đúng hơn là chưa kịp “tư duy” trước lời đề nghị bất ngờ của cô gái lạ thì cô đã sáp lại gần và dìu bà, đỡ lấy giỏ cam.

Bà cụ đã hét ầm lên trên phố như thể bị tấn công khiến cô gái ngỡ ngàng. Cả cô gái và bà cụ đều hoảng hốt sợ hãi. Điều này cho thấy vấn đề khoảng cách an toàn cá nhân còn là một tiêu chí quan trọng trong giao tiếp, đặc biệt giữa bối cảnh tấn công bạo lực đang ngày càng phổ biến tại một số quốc gia.








