Hình ảnh trái đất được tạo thành từ 36.000 bức ảnh “tự sướng”
(Dân trí) - Mới đây, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa giới thiệu một bức hình trái đất khổng lồ được tạo thành từ hơn 36.000 bức ảnh “tự sướng”.
Hoạt động này được thực hiện để kỷ niệm Ngày Trái đất (22/4). Bức ảnh được tạo ra có dung lượng cực lớn và có thể phóng to đến mức chiêm ngưỡng được cận cảnh từng bức ảnh “tự sướng” mà NASA đã sử dụng để tạo nên bức hình minh họa trái đất.
Dự án kỳ công này được thực hiện với tổng cộng 36.422 bức hình “tự sướng” của các cá nhân đăng tải trên mạng xã hội với từ khóa “#globalselfie” (tạm dịch: “tự sướng” vì trái đất) nhân dịp Ngày Trái đất 22/4 năm nay.
36.422 bức ảnh “tự sướng” này bao gồm người dân đến từ khắp các châu lục, với 113 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hình ảnh minh họa trái đất đã được tạo ra sau nhiều tuần thực hiện cắt ghép, chọn lọc từ hơn 50.000 bức ảnh “tự sướng” có sử dụng từ khóa “#globalselfie” được đăng tải trên mạng xã hội.
Dự án này được thực hiện để kỷ niệm Ngày Trái đất, NASA đã đặt câu hỏi chủ đề cho người dân trên khắp thế giới: “Bạn đang ở đâu trên trái đất này?”. Người dùng mạng xã hội sẽ trả lời câu hỏi đó bằng cách đăng tải một tấm hình “tự sướng” có từ khóa đặc biệt để sau đó NASA có thể tập hợp và sử dụng một cách dễ dàng.
Trong bức ảnh minh họa trái đất của NASA, mỗi bức ảnh “tự sướng” tương đương với 1 pixel trong bức hình khổng lồ mang tên “Tự sướng hoàn cầu” - một hình ảnh cắt ghép kỳ công mà khi nhìn bao quát tổng thể rất giống với hình ảnh trái đất nhìn từ ngoài vũ trụ.
Trong ngày 22/5 vừa qua, NASA đã cho ra mắt bức hình đặc biệt này.
Hình ảnh trái đất được tạo thành từ hơn 36.000 bức ảnh “tự sướng”.
Bức hình có dung lượng khổng lồ đến mức người xem có thể “zoom” lại gần hết cỡ, từ một chấm nhỏ li ti sẽ hiện ra những bức hình tự sướng của hơn 36.000 người trên khắp thế giới.
Hình ảnh trái đất “cắt ghép” ở trên được thực hiện dựa trên hình ảnh chụp hai nửa bán cầu đúng vào Ngày Trái đất 22/4 năm nay.
Theo Dailymail