Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt
(Dân trí) - Ngày 7/1, tin từ Trung tâm bảo tồn di tích và danh thắng tỉnh Quảng Trị, cho biết, Chính phủ vừa ban hành quyết định nâng hạng di tích địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh thành di tích Quốc gia đặc biệt.
Đây là công trình thứ 3, cùng với Khu di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải và Thành cổ Quảng Trị được công nhận là Di tích đặc biệt Quốc gia.
Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh mang nhiều nét khác biệt, là biểu tượng cho tinh thần chiến đấu gan dạ, và lòng quả cảm của nhân dân ta. Bởi đây không chỉ là làng hầm chiến đấu đơn thuần mà còn là không gian sống ngầm của bộ đội và người dân địa phương trong những năm kháng chiến.
Trong số đó, làng hầm địa đạo Vịnh Mốc là công trình tiêu biểu nhất được bảo tồn gần như nguyên vẹn đến ngày nay, trở thành điểm tham quan du lịch lý thú cho du khách thập phương. Toàn bộ đường hầm địa đạo Vịnh Mốc được chia thành 3 tầng và được nối thông với nhau qua trục chính dài 870 m. Chiều dài tổng thể của làng hầm là 1.701 m, gồm có 13 cửa ra vào địa đạo (trong đó có 6 cửa được thông lên đồi, 7 cửa thông ra hướng biển) và 3 giếng thông hơi.
Trong những năm 1965-1968, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, nhất là vùng đất địa đầu giới tuyến như Vĩnh Linh, người dân nơi đây đã sáng tạo nên hệ thống 114 địa đạo, làng hầm khắp 15 xã, thị trấn vùng biển. Tuy nhiên, phần lớn địa đạo ở Vĩnh Linh đã bị bom, đạn đánh phá.
Năm 1976, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch) đã đặc cách công nhận di tích địa đạo Vịnh Mốc là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia. Kể từ đó, công trình này được bảo tồn nguyên vẹn và thường xuyên được trùng tu, tôn tạo một số hạng mục trong khuôn viên di tích nhằm phát huy tác dụng trong việc khai thác du lịch góp phần phát triển kinh tế.
Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh (Quảng Trị), cùng với 13 di tích khác trên cả nước vừa được Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, gồm: khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), khu đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), địa điểm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), nhà tù Sơn La (TP Sơn La, tỉnh Sơn La), trại giam Phú Quốc (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), khu di tích Bà Triệu (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội), chùa Phật Tích (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), khu di tích Phố Hiến (thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên), đền Sóc (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội), và di tích khảo cổ Cát Tiên (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng).
Quyết định đồng thời giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Đăng Đức