Hẹ nước, đặc sản trời ban cho miền Tây sông nước

Nguyên An

(Dân trí) - Hẹ nước gắn liền với cuộc sống giản dị của người dân miền Tây. Hương vị chẳng cầu kỳ, đặc sắc nhưng khiến mỗi người con miền Tây nhớ về lại thấy bồi hồi đến lạ.

Hẹ nước như món "đặc sản trời ban" cho người dân miền tây sông nước. Thức đặc sản không thấy nó có bông, có trái mà hễ mưa xuống là có hẹ nước lên theo chẳng cần mất cần gieo trồng hay chăm sóc. Bất cứ ai có dịp ghé thăm vùng Đồng Tháp Mười cũng sẽ đều mong muốn một lần thưởng thức món "rau dại" dân dã tự nhiên này.

Hẹ nước, đặc sản trời ban cho miền Tây sông nước - 1

Hẹ nước sau khi thu hoạch (Ảnh minh họa: VinLove). 

Hễ vào mùa nước lũ từ tháng 6-8 âm lịch ở ruộng nước, kênh mương, đầm nước vùng đất phèn lênh láng biển nước, người dân miền Tây lại ngóng chờ một mùa hẹ nước.

Những cây hẹ nước bắt đầu đâm tược, những cọng hẹ mọc dài chừng năm, sáu tấc, mặt lá rộng cỡ bề ngang một ngón tay. Đó cũng là lúc bọn trẻ con bắt đầu đi "thu hoạch" loại rau đặc sản này.

Thu hoạch hẹ nước không phải công việc nhàn hạ và dễ làm. Người dân miền Tây muốn hái hẹ nước phải lội xuống ruộng, trầm mình dưới nước, thò tay tìm cái gốc hẹ mà lắc lắc vài cái cho đất nhão ra rồi nhổ lên cả bụi lẫn gốc rễ. Đằm mình nhiều giờ trong nước để thu hoạch loại rau đặc sản.  

Hễ cứ nơi nào nước sâu, chảy mạnh và nhiều thì lá hẹ nước có màu xanh đậm và to bản hơn, xốp hơn, giòn hơn và thơm hơn là hẹ mọc ở đáy mương. Ở môi trường nước cạn và ngầu đục thì thân cây hẹ nước ngắn lại, lá dày và có vị đắng, lại không giòn, thơm, mường tượng giống như cây cải sà lách bị "áp nắng", già cõi, mất ngon. 

Những cọng lá hẹ xanh non, sau khi hái xong được giũ bùn sạch sẽ rồi đem về cho vô thau lớn đổ nước sạch vô ngâm khoảng một giờ đồng hồ cho dễ rửa. Lúc nào ăn người ta xếp hẹ lên đĩa bàn lớn. Ðể nguyên gốc rễ ăn vẫn được nhưng nếu muốn nhìn thấy đẹp mắt thì lấy kéo cắt bỏ phần rễ đi.

Hẹ nước phần càng gần gốc trắng càng ngon. Lá hẹ nước có hương thơm rất đặc trưng, cọng dài và ẻo lả giống cọng dây. Hẹ nước được dùng ăn sống như một loại rau, chấm với nước cá kho, thịt kho hoặc nấu canh chua… Nhưng ngon nhất là chấm với mắm kho.

Cứ thế, hẹ nước gắn liền với cuộc sống người dân miền Tây, chẳng phải sơn hào hải vị hiếm có, khó tìm chỉ có cái ngọt, cái bùi của hẹ nước đã thắm tình, nặng nghĩa phù sa sông nước Cửu Long.