Hé lộ chân dung các nhân vật lịch sử có thật trong tiểu thuyết Kim Dung (2)
Các tác phẩm của Kim Dung không đơn thuần chỉ là kiếm hiệp mà nó còn mang cả tính lịch sử, tái hiện rất nhiều sự kiện xuyên suốt chiều dài phát triển của phong kiến Trung Quốc. Hãy cùng tiếp tục khám phá những nhân vật lịch sử có thật từng xuất hiện trong các tác phẩm của Kim Dung.
Đoàn Trí Hưng
Giống với nguyên tác trong truyện, Đoàn Trí Hưng là Hoàng đế nước Đại Lý, trị vì từ năm 1172 - 1200. Ông còn được người đời đặt cho biệt danh là Nhất Đăng Đại Sư. Và cũng như nhiều vị vua khác của Đại Lý, Đoàn Trí Hưng là người cực kỳ tôn sùng đạo Phật, đó cũng là lý do khiến ông ít quan tâm tới quốc sự, chủ yếu lo đại tu chùa chiền, xây mới hơn 60 tự viện, cũng như truyền bá Phật giáo khắp đất nước.
Nhưng không giống như những gì Kim Dung mô tả, thực tế, sau khi nhường ngôi cho con trai mình là Đoàn Trí Liêm, ông không vào chùa tu mà chỉ trở thành một cư sĩ tại gia.
Tiêu Phong
Theo các ghi chép lịch sử, Tiêu Phong là một đại thần người Khiết Đan. Khi Gia Luật Hồng Cơ lên ngôi, ông được phong làm Thái bảo. Năm 1048, Tiêu Phong tiêu diệt được bộ tộc Trở Bốc, rồi năm sau đó tiếp tục đại phá tộc Địch Liệt.
Khác với trong truyện, thực tế thì Tiêu Phong chưa bao giờ tới Trung Nguyên để trở thành huyền thoại võ lâm nơi đây.
Tiêu Phong từng lập công khi phát hiện và mật tấu âm mưu tạo phản của cha con Gia Luật Trùng Nguyên - hoàng thân quốc thích của nhà vua lúc bấy giờ. Cũng chính ông là người cầm quân dẹp cuộc nổi loạn, nhờ vậy mà ông được Gia Luật Hồng Cơ phong làm Nam Viện đại vương và được nhà vua cực kỳ ân sủng, trọng vọng. Năm 1065, Tiêu Phong bị bệnh chết, nhà vua thương nhớ, phong ông làm Liêu Tây quận vương.
Chu Nguyên Chương
Phần lớn tình tiết về hoàng đế đầu tiên của nhà Minh trong Ỷ thiên đồ long ký là hư cấu. Trong tiểu thuyết, ông là một giáo đồ Minh giáo, nhờ cầm quân thắng trận nên gây dựng thanh thế.
Ở cuối truyện, Chu Nguyên Chương lập mưu khiến Trương Vô Kỵ tưởng lầm là các tướng muốn làm phản và đành bỏ đi cùng Triệu Mẫn. Chu Nguyên Chương sau đó khống chế Minh giáo, đánh bại người Mông Cổ. Trong một số phiên bản, Chu Nguyên Chương bị Trương Vô Kỵ ép phải thề không được hãm hại giáo chúng Minh giáo. Cái tên “nhà Minh” cũng là từ chữ “Minh giáo”.
Ngô Tam Quế
Ngô Tam Quế nguyên là đại tướng nhà Minh, là người mở cửa Sơn Hải Quan dẫn quân Thanh vào biên ải, sau làm tướng nhà Thanh ở Vân Nam. Về sau ông lại làm phản nhà Thanh và bị Khang Hy diệt trừ.
Trong Lộc đỉnh ký, Ngô Tam Quế là nhân vật bị mọi người khinh ghét vì tội bán nước. Nguyên con trai ông là Ngô Ứng Hùng có hôn ước với công chúa Kiến Ninh nhưng nàng bị Vi Tiểu Bảo đoạt mất.
Lý Tự Thành
Trong tác phẩm của Kim Dung, Lý Tự Thành (1606-1645) nguyên là một lãnh tụ vĩ đại của khởi nghĩa nông dân thời Minh mạt. Ông lật đổ được nhà Minh nhưng sau đó bị người Mãn Châu đánh bại.
Trong Bích huyết kiếm, ông được nhân vật chính Viên Thừa Chí phò trợ, nhưng cuối cùng chàng bỏ ra hải ngoại vì nhận ra Lý Tự Thành không phải là minh chủ. Tới Lộc đỉnh ký, ông đi tu và còn sống tới đời Khang Hy và là cha của A Kha (vợ Vi Tiểu Bảo). Bộ Tuyết sơn phi hồ lại kể về mối thù hận trăm năm của bốn gia tộc nguyên là vệ sĩ của ông.
Càn Long
Càn Long trong tiểu thuyết của Kim Dung là người Hán, con của Trần Thế Quan bị Ung Chính đánh tráo làm con. Thật trớ trêu khi ông chính là anh ruột của Trần Gia Lạc, tổng đà chủ Hồng Hoa hội với lý tưởng phản Thanh phục Minh.
Sau khi biết thân thế của mình, Càn Long ước hẹn với Trần Gia Lạc việc phục Hán. Thế nhưng ông bội ước và giăng bẫy định tiêu diệt Hồng Hoa hội. Chỉ nhờ có Hương Hương công chúa liều chết báo tin nên Trần Gia Lạc mới thoát nạn.
Theo Chi Lê
An Ninh Thủ Đô