Hầu đồng, một di sản văn hóa độc đáo

Gần đây, đệ tử đạo thờ mẫu với nghi lễ hầu đồng đang hoan hỉ vì được xã hội công nhận như một nét văn hóa của Việt Nam. Thế giới hầu đồng từ khép kín khi bị gán ghép đủ điều tiêu cực đã mở lòng giãi bày những điều khó tin của “kiếp số” hầu đồng.

Căn nguyên của hầu đồng

Trước đây, bàn về nguyên nhân ra hầu đồng đã có nhiều thông tin sai lệch cho rằng phần lớn người tham gia hầu đồng do sự lôi kéo, xúi giục có biểu hiện lừa đảo trục lợi của một số kẻ lợi dụng tín ngưỡng cò mồi. Trong thực tế, hầu đồng có nhiều người ham mê, thậm chí cuồng tín với hầu đồng, nguyên nhân thường gọi chung là có căn (cốt), có quả. Vậy thế nào là căn quả của người hầu đồng?

Qua tìm hiểu từ những người trong cuộc, chúng tôi được biết để xác định là người có căn (cốt) hầu đồng phải hội tụ 3 yếu tố như: Khi đến các đền, phủ có cảm giác khác lạ, thay đổi trong người; Trong cuộc sống có nhiều lần gặp sự vất vả, bất trắc mà không phải nguyên nhân tự thân gây ra, không thể giải thích được; Họ thường mơ thấy các vị trong thế giới thần linh...

Từ kinh nghiệm bản thân, thanh đồng (người hầu đồng lâu năm) Trần TL, người có thâm niên hầu đồng gần 30 năm chia sẻ, mỗi người có lý do riêng để ra hầu đồng. Có nhiều người hầu đồng là truyền thống gia đình, một nhà có 3-5 thế hệ “hầu” thánh. Một số người thì cầu mong sự bình an cho những người thân, kinh doanh buôn bán được thuận lợi, giải tai nạn, tai vạ, độ tai ách… Đặc biệt, phần lớn là muốn cân bằng những đau đớn, buồn tủi và mất mát không thể bù đắp như mất người thân, tổn thương tình cảm vợ chồng…”.

Hầu đồng, một di sản văn hóa độc đáo


Giới hầu đồng cho rằng, một số trường hợp người có căn đồng nhưng “phạm” không ra hầu nên bị “hành”. Mà bị “hành” ở đây là mất cân bằng trong cuộc sống, làm những điều mà người bình thường không bao giờ làm vì cho là “hành xác”, nhục thân… Bản chất người Việt đều có tín tâm bởi ai cũng thờ cúng ông bà, tổ tiên. Khi gặp những vấn đề trắc trở trong cuộc sống không thể vượt qua cần có tín niệm để dựa vào, khi đó hầu đồng sẽ là một cứu cánh.

Trường hợp của anh Phương nhà ở Xuân Đỉnh mới gia nhập hội đồng đền Thanh Hà là một điển hình. Chỉ một lần vô tình tham gia lễ hầu đồng, lần đầu tiên nghe hát văn nhưng tự nhiên thấy hay, vỗ đùi cười khanh khách. Trong giá hầu cô Chín (cô Bé) nhập vào múa dẻo hơn cả thanh đồng. Từ đó anh Phương làm gì cũng thấy tâm thần không yên, bỏ bê vợ con, cơm không muốn ăn, đêm không ngủ, vật vờ hết ngày này sang ngày khác. Sau thời gian dài như vậy, vợ anh mới tá hỏa đưa đi khám bệnh, xét nghiệm nhưng không tìm ra nguyên nhân hay bệnh tật gì. Sau đấy nghe người mách, vợ anh phải biện lễ ra đền cô Chín xin khất ra hầu mới trở lại bình thường…

Một số người hầu đồng lâu năm cho rằng, để giải nghiệp là cả một quá trình chứ không phải dựa vào trình đồng mở phủ. Nếu thực sự có căn quả và phải trả nợ nghiệp chướng đã gây ra thì khó tránh khỏi được vì đó là luật nhân quả. Tốt nhất trước khi quyết định việc trình đồng hay mở phủ nên tự bản thân mình sám hối trước các Thánh. Không gì bằng mình tự kêu cầu như làm một lễ đơn giản có quả cau lá trầu xin các Thánh tha lỗi. Tiếp đến nên làm nhiều việc tốt như giúp đỡ người nghèo khó, sống có đạo đức, có điều kiện thì góp công, của để tô tượng, đúc chuông, sửa đền, miếu... Nếu có thể tụng kinh, hướng công đức của những việc mình làm tới các Thánh sẽ tốt hơn việc phung phí tiền vào vàng mã, lễ lạt...

Di sản quý

Nhà tôi vốn sống trên đất đền Thanh Hà gần chợ Bắc Qua, Hà Nội nên từ nhỏ tiếng hát văn, những giá hầu đồng đã trở nên quá quen thuộc. Mỗi khi có người hầu đồng là lũ trẻ háo hức chờ những màn phát lộc, được ăn oản, bánh từ nhà đền. Chính vì vậy, khi tìm hiểu về hầu đồng tôi được những thanh đồng có thâm niên sẵn sàng cung cấp những trải nghiệm chính bản thân họ khi hầu đồng.

Mỗi thanh đồng hằng năm đều xin hầu từ một đến hai vấn. Sự chuẩn bị trước khi hầu rất quan trọng và có ý nghĩa nhất. Mọi việc như chuẩn bị đồ lễ, mời cung văn, gọi tay quỳnh tay quế (người phụ lên khăn, mặc áo cho thanh đồng), đặt tiệc tại Đền đến kêu gọi thân bằng quyến thuộc đều được một tay thanh đồng tỉ mỉ thực hiện. Trước 3 ngày ra hầu, thanh đồng phải tắm gội, chay tịnh, giữ thân trong sạch. Ngày lên hầu, thanh đồng khi nhập phủ phải tĩnh tâm, lắng đọng quên hết mọi tục niệm quanh thân, bỏ qua hết những đau khổ, hiềm khích để vào hầu Thánh. Nếu không làm được những điều này, thanh đồng sẽ không thể có vấn hầu thành công cũng không thể tìm được sự giải thoát cho tâm linh cũng như tìm đến nguồn cội tín niệm vào thánh Mẫu mà bản thân mình theo đuổi.

Thanh đồng TT. Hường chia sẻ, trong quá trình hầu đồng, thanh đồng thực hiện những nghi thức, hành động diễn tả lại các điển tích, công trạng của các Mẫu, đức Thánh. Bên cạnh đó là thưởng thức trà, rượu, thuốc, tranh, nhạc, thơ phú, hát xướng, lời khen nịnh của con nhang đệ tử, thân bằng quyến thuộc. Trong cái không gian đầy màu sắc tâm linh đó, người hầu đồng được trở lại với bản tính của con người, được hưởng thụ một không gian tràn ngập vui vẻ, ấm áp.

Trong mỗi vấn hầu đồng, thanh đồng nếu hợp căn hợp cốt với vị Thánh nào thì đến giá của Thánh đó sẽ thường được thánh nhập (phủ). Bà TT. Hường, thanh đồng đền Thanh Hà cho biết, mẹ của bà khi lên đồng thường được ông Hoàng Mười nhập. Khi ấy hai người, bốn người đỡ cũng không đứng lên được. Mắt bà nhắm nghiền, hai bàn tay kẹp 6 cái đuốc múa xoay tròn liên tục. Lửa cháy đùng đùng xém cả tay mà không thấy bà nhăn mày. Vào thời điểm này, vấn đồng sẽ rất sôi nổi với những màn xin khéo thánh để cầu sức khỏe, tài lộc và may mắn của các đệ tử, thân bằng quyến thuộc của thanh đồng.

Các thanh đồng có thâm niên cho biết, khi được “thánh” nhập phần lớn vẫn nhận biết được xung quanh như khi tỉnh táo nhưng lại không thể điều khiển hành vi của mình. Sau một vấn hầu, thanh đồng thường chịu ảnh hưởng của Thánh nhập trong một thời gian, ngắn thì một hai ngày, dài thì cả tuần lễ. Những cử chỉ, hành động, suy nghĩ, cách giao tiếp rất giống với vị thánh mà thanh đồng hợp căn hợp cốt mà không ai giải thích được nguyên nhân. Nói chung, thực hiện một vấn hầu tựa như một hành trình tìm lại bản ngã, thụ hưởng và mong muốn tìm đến những giá trị của đời người (tài, lộc, sức khỏe).

Hiện nay, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã công nhận hầu đồng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đang cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định chuẩn bị hồ sơ để trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Chúng ta đang cố gắng giữ gìn sự trong sáng của Đạo Mẫu và nghi lễ hầu đồng. Đạo Mẫu vẫn chưa chính thức công khai, có văn bản thể hiện giáo lý, kinh sách. Nên chăng đã đến lúc cần công nhận, tổ chức Đạo Mẫu, nghi lễ hầu đồng để khẳng định và phát triển một tín ngưỡng lành mạnh, một chỗ dựa tâm linh của người Việt.

 
Theo Thành Công
Petrotimes