“Hát cho người còn sống” sau 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

Làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn để xứng đáng với cái giá của chiến tranh có lẽ là lời nhắn nhủ của những người đã hóa thành thành lũy bất tử cho tổ quốc.

 

Nhiều ca khúc ra đời trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc năm 1979 vẫn còn sức lan tỏa đến tận bây giờ, vẫn khiến lòng người sục sôi tình yêu nước. Những người may mắn được sống trong hòa bình, ấm no đã hát rất nhiều về những anh hùng đã hy sinh thân mình để bảo vệ tổ quốc.

Nhưng không nhiều những ca khúc nói lên những nhắn nhủ của người đã khuất với hiện tại và tương lai như “Hát cho người còn sống” của nhạc sỹ Trương Quý Hải, người nổi tiếng với những ca khúc lãng mạn như "Khoảnh khắc", "Hà Nội mùa này vắng những con mưa", nhưng cũng là một người lính từng trải qua những khốc liệt của chiến trường Vị Xuyên năm xưa.

“Hát cho người còn sống” sau 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc - 1

 

Người chép sử bằng nhạc?

Có người từng ca ngợi Trương Quý Hải là người chép sử chiến tranh biên giới ở Vị Xuyên bằng âm nhạc nhưng anh từ chối nhận những tán dương đó. Đối với anh, đơn giản chỉ là khi lịch sử được nhìn qua lăng kính nghệ thuật sẽ không chỉ chân thành mà còn giàu cảm xúc hơn.

Khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới 1979 nổ ra, Trương Quý Hải mới 15 tuổi, đang học lớp 8, nhưng anh và bạn bè cùng trang lứa đã sục sôi khí thế xin nhập ngũ dù chưa đủ tuổi. Mãi đến năm 1982, khi đã hoàn thành bậc học phổ thông, đứng trước cánh cổng trường đại học rộng mở, Trương Quý Hải vẫn bảo lưu kết quả học tập để nhập ngũ. Thế hệ đồng trang lứa với Trương Quý Hải đã có không biết bao nhiêu người xếp bút nghiên lại để lên đường nhập ngũ vào mùa tựu trường năm 1982 ấy.

“Thời điểm tôi đi bộ đội là sau năm 1979. Năm 1981, giặc đánh ở biên giới Lạng Sơn, Hà Giang, dù lẻ tẻ, không phải quy mô lớn nhưng tương đối khốc liệt” – Trương Quý Hải nhớ lại bối cảnh lúc nhập ngũ, khi ấy anh biết rõ những gì sẽ phải đối đầu. “Nhưng chúng tôi khi ấy còn trẻ lắm, nói chung là chẳng sợ gì cả”.

Đầy nhuệ khí hờn căm nhưng cùng đầy lạc quan và hy vọng, thế hệ của Trương Quý Hải thuộc nằm lòng những câu hát hào hùng như “Chiến đấu vì độc lập tự do” (Phạm Tuyên), lẫn những bài hát mang âm hưởng lãng mạn đan xen giữa tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương đất nước như “Gửi em ở cuối sông Hồng” (Thuận Yến) hay “Chiều biên giới” (Trần Chung).

“Với chúng tôi, những âm thanh tươi sáng ấy như đôi cánh để chúng ta bay lên, không còn thấy vất vả hay khổ cực mà chỉ thấy yêu đời” – nhạc sỹ Trương Quý Hải chia sẻ.

Trương Quý Hải ban đầu làm lính tuyên văn nhưng anh thổ lộ rằng lúc ấy mình chẳng viết được bài hát nào. Khi vào chiến dịch, đội tuyên văn tạm thời giải thể nên anh được phân công nhiệm vụ vác đạn pháo, chăm sóc thương binh và làm công tác tử sỹ, đặc biệt là sau trận đánh cao điểm 772 ngày 12/7/1984. Lúc ấy, chính sự khốc liệt của chiến tranh đã vĩnh viễn thay đổi cuộc đời và sự nghiệp của của Trương Quý Hải sau này.

“Có thể đó là do bài hát tôi viết cho đồng đội ở trên chiến trường. Đó là bài ‘Thư về với mẹ’. Sau này nghĩ lại mới thấy đó có lẽ là bước ngoặt để mình đi theo con đường âm nhạc” – Trương Quý Hải chia sẻ.

Nói thay người đã khuất

“Thư về với mẹ” được Trương Quý Hải sáng tác sau một lần chôn cất đồng đội và tình cờ phát hiện một lá thư thấm đẫm máu chưa kịp viết, chỉ vỏn vẹn 3 chữ “mẹ kính yêu”.

“Lúc ấy, tôi sực nhớ tới mẹ của mình và nghĩ về mẹ của đồng đội, rằng ít nhất mẹ mình còn có thể gặp lại mình nhưng mẹ của đồng đội thì vĩnh viễn không bao giờ gặp lại con nữa” – Trương Quý Hải xúc động nhớ lại.

Đêm đó, nằm giữa những nấm mộ mới đắp cho anh em, Trương Quý Hải mông lung nghĩ về việc viết tiếp bức thư đó, viết cho mình và cho những đồng đội hy sinh.

“Tôi viết bằng những câu hát, nghĩ được câu nào hát câu đó cho đồng đội nghe, chẳng có bút chép, cũng chẳng có đàn” – nhạc sỹ nhớ lại. Sau này, Trương Quý Hải mới có điều kiện chép lại và hát cho những đồng đội khác nghe. Bài hát ban đầu có tên “Thư gửi mẹ” nhưng chính các đồng đội đã góp ý để anh sửa thành “Thư về với mẹ”, với hàm ý rằng thư về nhưng các anh có thể không về.

Từ “Thư về với mẹ” ngày ấy đến “Hát cho người còn sống” gần đây, Trương Quý Hải như đã nói được thay cho đồng đội đã khuất của mình những nhắn nhủ cho hiện tại và tương lai.

Hát cho người còn sống

Sau chiến tranh, sư đoàn của NS Trương Quý Hải cũng như nhiều sư đoàn khác giải thế. Đến bây giờ nhắc lại chuyện đó, Trương Quý Hải vẫn bâng khuâng, xúc động, không kìm được nước mắt bởi cảm giác “không còn nơi chốn để về”.

Nhưng anh cũng tự an ủi bản thân và đồng đội còn sống rằng, những người hy sinh là “nơi” để các anh về, là những người “gọi” các anh về để hội quân, để giỗ trận, để gọi "về đây đồng đội ơi".

“Có những người đã được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên nhưng còn hơn 2000 anh em vẫn còn đang bám vị trí chiến đấu lúc hy sinh. Mà mỗi người có khi không chỉ hy sinh 1 lần, có thể là hàng chục, hàng trăm lần bởi đạn pháo cứ bằm đi bằm lại như thế” – Nhạc sỹ Trương Quý Hải nghẹn ngào nói.

Gần như năm nào Trương Quý Hải cũng phải trở lại chiến trường xưa đôi ba lần để thăm đồng đội, những người mà anh tin rằng đã hóa thành bất tử và sống ở miền ký ức. Lần nào chia tay đồng đội để về Hà Nội, Trương Quý Hải cũng không khỏi lưu luyến và trăn trở về những gì mà họ muốn nhắn nhủ với anh, về cuộc sống hiện tại làm làm sao cho xứng với những hy sinh của anh em.

“Đồng đội tôi nói với tôi rằng, Hải ơi, anh em mình được sống đời mình bằng phần đời còn lại mà những anh em hy sinh đã trao tặng” – Trương Quý Hải chia sẻ. “Tôi và những người còn sống đều nghĩ rằng mình cũng chỉ đóng góp chút ít tuổi thanh xuân vào công cuộc bảo vệ tổ quốc thôi, còn chính những người hy sinh mới là những anh hùng, là linh hồn của đất Việt, xác họ trở thành thành lũy biên cương còn hồn họ trở thành hồn đất nước.”

“Hòa bình của chúng ta hôm nay được đánh đổi bằng cái giá rất đắt, không chỉ là xương máu mà còn hơn cả xương máu” - Trương Quý Hải xúc động nói. “Chúng ta phải làm cho cuộc sống ngày hôm nay tươi đẹp hơn để xứng đáng với cái giá của chiến tranh”.

Theo Hạnh Lê-Sao Chi

VOV.VN