Hát bả trạo - lời cầu an trên biển ngày xuân
(Dân trí) - Gắn liền với lễ hội cầu ngư của cư dân vùng duyên hải miền Trung trong những ngày đầu xuân, hát bả trạo từ một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian đã trở thành một nghi thức tâm linh trong lễ hội. Đây cũng là một trong những di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận.
Hát bả trạo còn gọi là chèo bả trạo, hò hầu linh, hát bạn chèo đưa linh. Các vị cao niên ở các làng biển miền Trung giải thích bả nghĩa là nắm chắc, trạo nghĩa là mái chèo. Nắm chắc mái chèo giữa biển khơi là tâm nguyện của cư dân miền biển.
Nghệ thuật diễn xướng dân gian này gắn liền với tín ngưỡng thờ cá Ông của người dân ở các làng chài vùng duyên hải Trung bộ. Trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây, cá Ông quan trọng như một vị thần phù hộ, đem lại may mắn cho ngư dân đi biển được mưa thuận gió hoà, được mùa chài lưới. Trong những ngày đầu xuân, ngư dân tề tựu về lăng cá Ông tổ chức lễ hội cầu ngư trước chuyến biển đầu năm, cầu mong “Ông đem mồi dẫn cá sớm trưa, giúp người chài lưới dư thừa ấm no” (lời bài hát trạo của người dân biển ở Quảng Nam).
Một đội hát bả trạo có từ 12 - 18 con trạo chia làm hai bên, ở giữa đội hình là 3 người quan trọng: tổng mũi (tổng tiền) là người hát chính với cặp sanh (sinh) trên tay, mặc trang phục gần giống với diễn viên hát tuồng; tổng khoang (hay tổng thương, tổng khậu) là người lo việc hậu cần trên thuyền khi ra biển, có trang phục sặc sỡ, tay cầm cần câu và gàu tát nước, thường hát những câu hài hước, dí dỏm khi con trạo nghỉ ngơi; tổng lái đứng hàng giữa cuối cùng, tay cầm dầm chèo như các con trạo. Đội hát bả trạo vừa hát hò, vừa làm các động tác như chèo thuyền, tát nước nên gọi là diễn xướng.
Tuỳ từng địa phương có những lời bài hát bả trạo khác nhau, và được truyền miệng từ đời này sang đời khác từ cách đây ít nhất 200 năm nên không tránh khỏi “tam sao thất bản”. Lời bài hát thường do những người giỏi chữ xưa kia soạn thảo nên có những bản nhiều từ Hán Nôm; chẳng hạn như lời tán dương công đức cá Ông: “Lúc sinh tiền Ngài trú ngụ đại dương/ Khi tử hận ký thân nơi lục địa/ Người ngư nghiệp đền ơn đáp nghĩa/ Lúc hành thuyền, Ngài cải tử hoàn sinh”
Nội dung hát bả trạo như đã nói trên, gắn liền với tín ngưỡng thờ cá Ông, nên hướng đến ca ngợi công đức cá Ông; nguyện cầu một năm mưa thuận gió hoà, trời yên biển lặng, thuyền bè đầy ắp cá, tôm. Đồng thời, đội hát bả trạo diễn xướng mô phỏng đời sống sinh hoạt lao động của ngư dân những khi thong thả tay chèo cũng như khi sóng to gió lớn, sự tương trợ lẫn nhau của những người bạn thuyền. Lời bài hát bả trạo, nhất là lời của tổng khoang lúc con trạo nghỉ tay chèo thể hiện tinh thần lạc quan của ngư dân miền biển dù cuộc mưu sinh trên nhiều khó khăn, vất vả. Hình thức diễn xướng có cả hát nam, hát khách, tán, nói lối tương tự các loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống ở miền Trung như hát tuồng, hát bội. Giọng điệu hát bả trạo thể hiện được cái chất “ ăn sóng nói gió” to rõ, chất phác của những người quanh năm ở biển cả.
Trải bao vật đổi sao dời, hát bả trạo - truyền thống dân gian miền biển - cũng từng có lúc tưởng chừng đã mai một. Song những năm gần đây, nhất là từ sau khi Bộ Văn háo - Thể thao và Du lịch chính thức công nhận loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian này là di sản văn hoá phi vật thể của quốc gia, hát bả trạo được bồi đắp thêm một mạch ngầm phục hồi mạnh mẽ hơn trong đời sống sinh hoạt, văn hoá của người dân miền biển từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, đến Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà. Hát bả trạo qua đó góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, gắn kết cộng đồng trong việc cùng nhau lưu giữ, dưỡng nuôi nét đẹp văn hoá truyền thống bản địa.
Tâm An