Hài nhảm tra tấn khán giả

Có thể nói, đây là thời trăm thứ hài đang nở rộ trên các show truyền hình. Chỉ cần bật ti vi, các “danh hài” nhảy bật ra, văng tục hay chớt nhả, hay biến thành “trai cong” õng ẹo. Hài thực tế ăn khách đến độ, các danh hài chạy show mệt nghỉ, hết chương trình này sang chương trình khác, mà vẫn… mang bộ mặt như cũ. Và tiếng cười vì thế cũng dễ dãi, biến tướng, dung tục, vô duyên. Giá trị giải trí thì chẳng tới đâu, song tác hại là nhãn tiền.

 

Hài nhảm tra tấn khán giả - 1

 

Dụng chiêu cười nhảm

Không phải ngẫu nhiên mà ở bất cứ đài truyền hình lớn nhỏ nào, hài thực tế cũng được ưu tiên. Là bởi, sau khi no xôi chán chè với các chương trình truyền hình thực tế ca nhạc, đến lượt hài kịch là món ăn khoái khẩu của người xem. Công bằng mà nói, nhờ không ít chương trình hài, tiết mục hài trong một chuỗi chương trình, mà người ta được giải khuây, cười hết cỡ. Nhưng đó là của hiếm, khi để tìm mọi cách gây cười, nghệ sĩ đã phải dụng hết chiêu, kể cả cười nhảm.

Nếu kể ra thì có cả trên 50 chương trình hài trên các kênh truyền hình. Nhưng nhiều chương trình đã từ từ đi vào “tuyệt chủng”, do thọc lét mà không ai cười nổi. Còn lại, những chương trình khá “nóng” với tỉ lệ người xem tăng vọt hiện nay là “Ơn giời, cậu đây rồi”, “Thách thức danh hài”, “Người bí ẩn”, “Hội ngộ danh hài”, “Chết cười”… Tuy câu khách, song sau một thời gian dài, khán giả bắt đầu phản ứng vì bị “tra tấn”: Hài tình huống thay dần bằng hài thoại lấp lửng, thô tục, kiểu ai hiểu gì thì hiểu. Như “Chết cười” thích “khiêu khích” kiểu: “Cong quá gãy thì sao?”; “Xóc đi, xóc mà không ra là có chuyện”; “Cái gì càng chơi càng ra nước?”, hay “Cái gì càng to càng nhỏ?”… “Ơn giời, cậu đây rồi” có màn tẩm quất của Việt Hương - bà Ba và Anh Đức - Chí Phèo quá tỉ mẩn khiến người ta đỏ mặt. Hay Phi Thanh Vân xuất hiện với nhiều lời nói mơn trớn, hành động khêu gợi... Đặc biệt, các màn giả gái dày đặc, phản cảm ở hầu hết các chương trình khiến khán giả lo sợ ảnh hưởng đến giới tính của con em mình.

Diễn hài riết cũng chán, người ta mời cả khán giả tham gia show hài. Nghệ sĩ hài Thúy Nga đã có màn massage “độc đáo” khi leo thẳng lên người khán giả, hoặc cùng với Thu Trang trét lấy trét để bánh kem lên mặt một khán giả được chọn làm bạn diễn, mà vẫn không lấy được tiếng cười.

Hết chuyện chọc cười, lại là sân khấu nghiêng, để mọi người ôm nhau ngả ngớn, la hét, với những cú đụng chạm và những câu nói ỡm ờ. Đến nước này thì các danh hài từ bắc chí nam cũng đều “chào thua”, cho dù cái tên của họ là bảo chứng của chương trình. Từ Hoài Linh, Việt Hương, Trấn Thành, Chí Tài, Trường Giang… đến Đức Hải, Chí Trung, Thanh Tùng, Lê Nam, Dũng Nhí cùng hàng loạt diễn viên, ca sĩ khách mời khác. Riết rồi các danh hài cũng… bí, và vì tham gia quá nhiều chương trình hài thực tế, nên không còn đủ sự tinh tế để làm nên sự khác biệt. Sự xuất hiện của họ bắt đầu nhàm chán, thiếu cái mới và lặp lại chính mình.

Kịch chết mòn vì hài thực tế

Hài miễn phí dâng tận tay (điện thoại di động), dâng tận mắt (ti vi), nên khán giả thích gì có nấy. Diễn viên nghệ sĩ cũng nhận được cátsê khủng, được săn mời riết róng, thế nên dại gì mà không sử dụng cơ hội kiếm tiền. Và như thế, sân khấu kịch trơ khấc vì không còn nghệ sĩ... lên sàn diễn.

Trong khi truyền hình hút các danh hài, thì ở sân khấu kịch nói, khó khăn chồng chất khiến không ít điểm diễn phải đóng cửa. Không chỉ Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ phải tạm ngưng một thời gian, mà nhiều sân khấu một thời ăn nên làm ra cũng vắng vẻ tiêu điều, không ít lần phải trả lại tiền vé.

“Lâu nay các sân khấu phải cầm cự bằng cách diễn hài, để có khán giả. Để tồn tại, sân khấu phải chạy theo thị hiếu khán giả, chứ không phải nâng cao chất lượng tác phẩm. Thành ra hết kịch hài, đến kịch ma, kịch đồng tính… quanh đi quẩn lại, nội dung không có gì mới. Rồi các diễn viên tên tuổi chạy show đóng phim, tham gia các chương trình hài thực tế…, lơ là tập vở, dẫn đến mất khán giả. Mà xem tivi thì đủ thứ chương trình hầm bà lằng, lại không phải mất tiền, thành ra không mấy ai còn tha thiết đi xem kịch nữa”- đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, nhìn nhận.

Thế cho nên, theo ông Giàu, sẽ đến lúc hết thời xem kịch nhảm, người ta lại quay về với sân khấu kịch nói, nên phải đầu tư vào những vở có chất lượng mới thu hút người xem. Thay vì Nhà nước bỏ ra 5-6 tỉ đồng nuôi nhà hát kịch mà chỉ đủ trả lương cho nghệ sĩ, diễn viên, nên dùng tiền tỉ đó để trao giải cho những sân khấu, đơn vị nào có những tác phẩm chất lượng cao, khuyến khích người ta làm mới, sáng tạo hơn nữa, đầu tư vào kịch bản và diễn xuất của nghệ sĩ. Có như vậy mới hy vọng vực được sân khấu kịch nói đang tiêu điều, đi xuống vì “cơn bão” hài thực tế trên truyền hình.

Theo Minh Thi

Lao Động