Hà Tĩnh: Phát hiện mộ thuyền của người Việt cổ khi làm mương
(Dân trí) - Lãnh đạo phòng Văn hoá - Thông tin huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết, trong quá trình thi công công trình hệ thống kênh mương đập thuỷ điện Ngàn Trươi, tại xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, nhóm công nhân đã phát hiện mộ thuyền cổ nằm ở độ sâu trên 3m.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Bảo tàng Hà Tĩnh đã cử cán bộ chuyên môn về tại hiện trường để tìm hiểu sự việc. Khảo sát bước đầu cho thấy, mộ cổ được phát hiện tại cánh đồng Bàu Dài, thuộc thôn Thanh Phúc (xã Đức Đồng), cách núi Dầu (di chỉ khảo cổ học thời đại đá mới) khoảng 1km theo hướng Đông - Nam và cách đường sắt Bắc - Nam 200m về hướng Đông.
Mộ cổ nói trên là một thân cây to bằng gỗ dâu khoét rỗng, có kích thước chiều dài 1.9m, chiều rộng 40-50cm. Phía trong mộ là các hợp chất màu đen nhuyễn, đồ tuỳ táng gồm một chiếc bát và đồng tiền cổ.
Qua nghiên cứu bước đầu cho thấy, mộ cổ có niên đại thời Trần, là loại hình mộ táng theo kiểu thức mộ thuyền mang phong cách truyền thống Đông Sơn của người Việt cổ.
Được biết, loại hình mộ thuyền cổ này đã được các nhà khảo cổ học phát hiện trước đó ở địa bàn đồng bằng tập trung dày đặc ở Thiên Lộc (Can Lộc) và rải rác ở Cẩm Huy, Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên), Thịnh Lộc (Lộc Hà)… Tất cả ngôi mộ này đều có chung niên đại thời Trần và thời Lê (thế kỷ XIII - XIV).
Đây là lần đầu tiên mộ cổ được phát hiện ở địa bàn miền núi Hà Tĩnh, điều đó cho thấy địa bàn phân bố loại hình mộ thuyền cổ bao gồm cả đồng bằng và vùng núi, là địa bàn cư trú của người Việt cổ trên vùng đất Hà Tĩnh trong quá trình phát triển lịch sử của dân tộc.
Hà Tùng Long