Hà Nội tổ chức Lễ gắn biển tên phố Thâm Tâm

Hà Thanh

(Dân trí) - Sáng 20/1, UBND Quận Cầu Giấy chính thức tổ chức buổi lễ gắn biển tên phố Thâm Tâm.

Phố Thâm Tâm dài 595m; rộng 13,5m; lòng đường 7,5m, vỉa hè mỗi bên 3m; kéo dài từ ngã ba giao cắt phố Trung Kính đối diện số nhà 89, cạnh Trường THCS Trung Hòa đến ngã ba giao cắt tại TDP22 - Phường Yên Hòa (cạnh trạm BA Trung Hòa 31).

Đường có vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng, thuộc địa bàn phường Trung Hòa, đi qua Công viên số 1, 2 của phường, Trường mầm non Trăng Đỏ, Trường Tiểu học Trung Hòa, Trường THCS Trung Hòa. Dân cư ổn định với 66 hộ, 114 nhân khẩu.

Hà Nội tổ chức Lễ gắn biển tên phố Thâm Tâm - 1

Phố Thâm Tâm tại Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Việt Đức).

Phố Thâm Tâm nằm cạnh các phố Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Bá Khoản, Tú Mỡ… là các văn nghệ sĩ nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho văn học nghệ thuật nước nhà.

Phát biểu tại buổi lễ diễn ra sáng 20/1, ông Nguyễn Tuấn Khoa, con trai duy nhất của nhà thơ Thâm Tâm, cho biết: "Để vinh danh những cống hiến cho sự nghiệp văn học nghệ thuật và đóng góp hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, năm 2004, Hải Dương, quê hương, nơi Thâm Tâm sinh ra và lớn lên, đã đặt tên phố Nguyễn Tuấn Trình (Thâm Tâm).

Năm ngoái, Cao Bằng, nơi Thâm Tâm hy sinh trong chiến dịch Biên giới năm 1950, đã đưa tên Thâm Tâm vào ngân hàng tên phố. Còn Hà Nội là nơi Thâm Tâm trưởng thành, bắt đầu các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, cũng là nơi Thâm Tâm tham gia Văn hóa Cứu quốc, Cách mạng tháng Tám và kháng chiến, là nơi cả dòng họ đã về sinh sống từ đầu những năm 30 thế kỷ trước.

Việc đặt tên phố Thâm Tâm ở Hà Nội ngày hôm nay đã ghi nhận sự vinh danh Thâm Tâm đối với thủ đô, với đất nước. Đây là niềm tự hào của gia đình, của dòng họ chúng tôi...".

Hà Nội tổ chức Lễ gắn biển tên phố Thâm Tâm - 2

Ông Nguyễn Tuấn Khoa, con trai duy nhất của nhà thơ Thâm Tâm, phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Nguyễn Việt Đức).

Ông Nguyễn Tuấn Khoa cũng trân trọng cảm ơn chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đặt tên Thâm Tâm cho một con phố ở Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, cũng là nơi gia đình ông đang sinh sống.

Các thế hệ độc giả yêu văn học từng biết tới Thâm Tâm với bài thơ Tống biệt hành và câu chuyện huyền thoại Hai sắc hoa Ti gôn. Trong vài năm gần đây, với sự nỗ lực của gia đình và các nhà nghiên cứu, yêu thích thơ ca Thâm Tâm, một di sản văn chương to lớn của tác giả Tống biệt hành đã được xuất bản và giới thiệu đến đông đảo công chúng...

Tháng 5/2023, nhân kỷ niệm 106 năm ngày sinh của nhà thơ Thâm Tâm, Hội Nhà văn Việt Nam và gia đình đã tổ chức giới thiệu đến công chúng các tác phẩm văn xuôi của Thâm Tâm sau một thời gian sưu tầm, tuyển chọn.

Hà Nội tổ chức Lễ gắn biển tên phố Thâm Tâm - 3

Gia đình của cố nhà thơ Thâm Tâm tại Lễ gắn biển tên phố Thâm Tâm (Ảnh: Nguyễn Việt Đức).

Năm 2023, tại phiên làm việc của Kỳ họp thứ 12, HĐND Thành phố Hà Nội thống nhất thông qua nghị quyết đặt tên 52 tuyến đường, phố mới và điều chỉnh độ dài của 2 tuyến, đường, phố. Nhà thơ là Thâm Tâm đã được đặt tên phố tại quận Cầu Giấy.

Thâm Tâm (1917-1950), tên thật là Nguyễn Tuấn Trình, quê ở Thành phố Hải Dương, xuất thân trong một nhà giáo nề nếp. Gần một thế kỷ trước, Thâm Tâm sống ở Hà Nội, tham gia hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật tại Hà Nội với tư cách một họa sĩ, một nhà thơ, nhà văn, nhà báo.

Từ những năm 1935-36, ông tham gia viết báo, viết văn và thường được đăng tải trên Tuần báo Bắc Hà, Tiểu thuyết thứ bảy, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ năm và Truyền bá quốc ngữ...

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Thâm Tâm tham gia Văn hóa Cứu quốc, ở trong Ban biên tập báo Tiên Phong (1945-1946), sau đó ông nhập ngũ, làm thư ký tòa soạn báo Vệ quốc quân (sau là báo Quân đội Nhân dân). Ông mất vì bạo bệnh khi trên đường đi công tác trong chiến dịch Biên giới.

Thâm Tâm nổi tiếng với bài thơ Tống biệt hành với một phong cách thơ hòa hợp giữa cổ điển và hiện đại. Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.