1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

GS Ngô Đức Thịnh - người nặng lòng với đạo Mẫu qua đời

(Dân trí) - Thông tin từ gia đình cho biết, sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật, GS.TS Ngô Đức Thịnh qua đời lúc 7h20 ngày 6/6, hưởng thọ 76 tuổi.

GS.TS Ngô Đức Thịnh sinh năm 1944, quê ở Hải Hậu, Nam Định. Năm 1980 ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, được phong hàm Giáo sư năm 2002. Ông nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá và Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian.

Từ năm 2008 đến nay, ông làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam). Ông là Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia và Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore Châu Á. Ông từng nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017.

GS Ngô Đức Thịnh - người nặng lòng với đạo Mẫu qua đời - 1

GS.TS Ngô Đức Thịnh.

GS.TS Ngô Đức Thịnh nghiên cứu về đạo Mẫu khá sớm, từ giai đoạn trước thập niên 80 của thế kỷ trước. Cả cuộc đời nghiên cứu khoa học, ông dành trọn cho đạo Mẫu.

Năm 1992, sau một thời gian dài nghiên cứu, ông cho ra mắt cuốn sách “Hát văn”. Năm 1996, ông xuất bản hai tập “Đạo Mẫu” (sau này ông hoàn thiện và tái bản với tên “Đạo Mẫu ở Việt Nam”). Năm 2008, ông xuất bản cuốn “Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận”. Ông được xem là một trong những người đầu tiên đặt nền móng lý luận cho thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

GS Ngô Đức Thịnh là một trong những nhà nghiên cứu đã có nhiều đóng góp trong quá trình UNESCO ghi danh Tín ngưỡng Tam phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều năm gắn bó với đạo Mẫu, ông luôn tâm niệm làm sao để có những tổ chức, câu lạc bộ để tập hợp các thanh đồng hoạt động theo chuẩn. Quản lý không trói buộc mà phải tạo điều kiện để người ta thực hiện theo đúng pháp luật. Ông mạnh dạn đề xuất xin thành lập tổ chức về thờ Mẫu để khắc phục tình trạng tản mạn, vô tổ chức, buông lỏng quản lý.

Trải qua gần 10 năm, GS.TS Ngô Đức Thịnh đã cùng với cộng đồng bền bỉ góp phần gây dựng và khẳng định rõ nét hơn giá trị lớn lao của tín ngưỡng thờ Mẫu. Đối với ông, hạnh phúc là được “sống chết với đạo Mẫu và lòng thành là điều quan trọng nhất”.

Tang lễ GS.TS Ngô Đức Thịnh được cử hành từ 9h đến 10 h45 sáng 8/6 (tức ngày 17/4 Âm lịch) tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Lê Thánh Tông, Hà Nội. 

Hà Tùng Long