Gỡ bỏ quy định cấm người đẹp, người mẫu phát tán ảnh nude
(Dân trí) - Theo ông Hoàng Minh Thái - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ VH,TT&DL, Thông tư mới sẽ gỡ bỏ luật “cấm” người đẹp, người mẫu chụp ảnh nude phản cảm phát tán ảnh nude phản cảm lên mạng viễn thông.
Bộ VH,TT&DL vừa tiến hành lấy ý kiến đóng góp về việc xây dựng dự thảo “Thông tư quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP”.
Theo đó, đây chính là động thái điều chỉnh và sửa đổi lại Thông tư 01 ban hành vào ngày 24/3/2016 và có hiệu lực 15/5/2016 có một số điều gây nhiều tranh cãi thời gian qua. Trong đó, có vấn đề quyền tác giả trong việc xin phép tổ chức các chương trình ca nhạc và quy định cấm các người đẹp, người mẫu chụp rồi phát tán ảnh nude phản cảm lên mạng viễn thông.
Ông Hoàng Minh Thái cho biết, thông tư 01 đang trong thời gian chờ điều chỉnh và sửa đổi lại một số điều để tránh chồng chéo với một số bộ luật đã ban hành và gỡ bỏ một số điều khoản “cấm” vì theo quy định Thông tư chỉ mang tính hướng dẫn thực thi luật chứ không được phép “cấm”.
Việc lấy ý kiến các cá nhân, tổ chức trên Cổng thông tin trực tuyến của Bộ VH,TT&DL bắt đầu từ 28/6, hạn chót chốt ý kiến là đến 28/8. Sau khi nghiên cứu cụ thể các ý kiến đóng góp, Vụ Pháp chế sẽ hoàn thiện lại Thông tư 01 và trình Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL ký. 45 ngày sau khi Bộ trưởng ký ban hành Thông tư thì hiệu lực của Thông tư mới sẽ được áp dụng.
“Sau khi có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quy định người mẫu, người đẹp không được phép chụp ảnh nude phản cảm rồi tung lên mạng viễn thông, chúng tôi có tham vấn ý kiến của Bộ Tư Pháp và bàn lại phương án xử lí các hành vi này.
Theo đó, phương án được đưa ra là những người đẹp, người mẫu có hành vi chụp ảnh nude phản cảm rồi tung lên mạng viễn thông sẽ bị xử lí theo quy định của Luật An ninh mạng và Bộ Luật hình sự. Như vậy, người đẹp, người mẫu cũng sẽ được xem là một công dân bình thường chứ không phải đối tượng đặc thù và ai đưa hình ảnh xấu lên mạng gây ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục sẽ bị xử lý theo 2 luật trên. Và như vậy ở Thông tư mới chúng tôi sẽ gỡ bỏ quy định “cấm” để tránh sự chồng chéo và trái thẩm quyền của một Thông tư”, ông Thái nói.
Trước đó, điểm a, khoản 1, điều 3, Thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 79 về nghệ thuật biểu diễn ban hành ngày 24/3 thì các hành vi người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được thực hiện gồm: Chụp ảnh, ghi hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông; Có hành động phát ngôn không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam, vi phạm quy định của pháp luật và vô ý hoặc cố ý phổ biến trên phương tiện truyền thống hoặc ngoài xã hội gây hậu quả xấu...
Quy định này sau khi ban hành đã vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối từ phía người mẫu, người đẹp và chuyên gia luật. Cựu người mẫu Thuý Hạnh, Hoa khôi Lan Khuê đều cho rằng, việc các cơ quan quản lý ra quy định để xiết chặt việc phát tát hình ảnh tràn lan trên mạng là hợp lý. Tuy nhiên, đã gọi là quản lý thì phải có phương pháp và chế tài cụ thể chứ không nên vì không quản lý được thì cấm. “Bản thân khái niệm “phản cảm” trong Thông tư 01 cũng rất mơ hồ, không cụ thể...
Luât sư Vi Văn Diện - Công ty Luật Thiên Minh lại cho rằng, những quy định tại điểm a khoản 1 điều 3 của Thông tư số 01/2016 do Bộ VH,TT&DL ban hành là thừa thãi, không cần thiết. Theo ông Diện Luật Công nghệ thông tin đã có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn về trách nhiệm đối với việc thu thập, xử lý, sử dụng, lưu trữ thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng. Đối với việc đưa thông tin, hình ảnh trái phép lên mạng máy tính gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 226 Bộ luật hình sự.
Ông Hoàng Minh Thái cũng cho biết, trong thời gian chờ đợi Thông tư 01 điều chỉnh và sửa đổi, mọi hành vi vi phạm thuộc thông tư 01 đã ban hành vẫn xử lý bình thường.
Điều 226 Bộ luật hình sự quy định như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này;
b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet;
c) Thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".
Hà Tùng Long