Giới hâm mộ Việt Nam xúc cảm làm thơ tiễn biệt Kim Dung tiên sinh

(Dân trí) - Sự ra đi của nhà văn Kim Dung đã khiến nhiều người hâm mộ ông ngẩn ngơ và hụt hẫng. Nhiều người đã cảm thán làm nên nhiều bài thơ đầy xúc động để tiễn biệt “thần tượng” của mình về bên kia thế giới.

Tác giả Nguyễn Cường ở Hải Phòng đã tiễn biệt nhà văn Kim Dung - một tiểu thuyết gia mà ông vô cùng yêu quý và hâm mộ bằng bài thơ “Thế giới Kim Dung”.

“Tôi mê chưởng Kim Dung

Trước khi biết về tác giả

Với những Trương Vô Kỵ và Hồ Lệnh Xung

Những Nhậm Doanh Doanh với Tiểu Long Nữ

Và bao nhân vật khác

Đang hành tẩu giữa giang hồ

Thế giới của ông

Là dòng chảy từ những ngọn võ lâm cao ngất

Lẫn lộn trắng đen lẫn lộn đục trong

Soi tận đáy những bùn lầy châu ngọc

Các mực thước bị bẻ cong, các tượng đài đổ vỡ

Những phận đời dang dở

Đưa nhau về sống giữa cỏ hoa

Ông cũng đã ra đi

Rời bỏ thế giới loài người vừa đẹp đẽ, vừa xấu xa

Thế giới truyền kỳ vừa mê hoặc vừa giả dối

Ông đi mãi với khúc đàn tiếu ngạo

Mặc thế gian điên đảo

Mặc lũ Nhạc Bất Quần và Nhậm Ngã Hành đang lần lượt hồi sinh...”.

Tiểu thuyết gia Kim Dung đã vĩnh viễn rời khỏi giang hồ, để lại bao thương nhớ cho những người yêu mến ông.
Tiểu thuyết gia Kim Dung đã vĩnh viễn rời khỏi "giang hồ", để lại bao thương nhớ cho những người yêu mến ông.

Tác giả Trấn Nguyên Tử - TP.HCM viết bài thơ “Vĩnh biệt cụ Kim” với lời đề tựa “Vĩnh biệt ngài, thần tượng của tôi”.

“Tuyết sơn nghìn thuở dậy đông phong

Thư kiếm cùng ai cạn rượu nồng?

Lộc đỉnh phi hồ lưu bích huyết

Liên thành Việt nữ chiết đồ long

Thần điêu hiệp khách từ nay biệt

Bạch mã uyên ương đến buổi dừng

Bát bộ giang hồ thôi tiếu ngạo

Cổ Kim còn lại tiếng anh hùng”.

Thay cho lời điếu văn tiễn biệt tiểu Kim Dung lão gia, tác giả tiểu thuyết võ hiệp xuất sắc nhất thế kỷ 20, một người hâm mộ viết:

“Đêm nay giữa đất Sài Thành

Bỗng nghe tin dữ biết ông đi rồi

Hôm nay ông đã về trời

Không còn hiến tặng cho đời hương hoa

Hoàng Dung, Bắc Cái, Tĩnh ca

Trùng Dương, Tây Độc, Đông Tà, Kiều Phong

Võ lâm thương tiếc tiễn ông

Triệu fan kiếm hiệp trong lòng tiếc thương

Thành tâm thắp một nén hương

Tiễn ông về chốn thiên đường xa xăm

Kim Dung đại thụ võ lâm

Truyện ông mãi mãi trong tâm triệu người”.

Một người hâm mộ khác cũng cảm thán viết nên bài thơ khi nghe tin “Kim Dung lão gia” đã vĩnh viễn rời khỏi “giang hồ”.

"Yêu đốt thân tàn ta

Lửa thánh cháy bừng bừng,

Sống chẳng có gì vui,

Thì chết có gì khổ?

Thương thay cho con người,

Sao lo buồn lắm vậy?

Thương thay cho con người,

Sao lo buồn lắm vậy?

Nguyện hành thiện trừ ác

Làm sao cho Quang Minh

Bao hỉ lạc bi sầu,

Đều hóa thành cát bụi”.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến chia sẻ, ông đọc truyện của Kim Dung từ năm 1974 khi còn ở trong rừng. Thời đó, thỉnh thoảng ông lại được cánh bộ đội bộ binh liệng cho một vài quyển và đọc bất kể lúc nào nhận được sách. Đêm dùng đèn pin chụp lại pha đèn chỉ để hở bằng hạt lạc để đọc toét hết mắt.

Đến 1975, khi đất nước hòa bình, ông khuân những cuốn sách đó về chất đầy mấy hòm gỗ đựng đạn, đọc tĩ tã. Tuy nhiên, không may gặp phải một chính trị viên nghiêm khắc, phê phán, kiểm điểm, bắt đem đốt. Nhiều năm gần đây, ông có điều trữ lại các tác phẩm của tiểu thuyết gia Kim Dung để khi già yếu sẽ ngồi đọc lại để hồi tưởng cuộc sống giang hồ phiêu bạt.

Những tác phẩm gắn với tên tuổi Kim Dung trong tủ sách của nhà văn Phạm Ngọc Tiến.
Những tác phẩm gắn với tên tuổi Kim Dung trong tủ sách của nhà văn Phạm Ngọc Tiến.

Stylist Trần Quang Tuyến cũng chia sẻ: “Hơn 20 năm về trước, thời mà video còn là cuộn băng quay rẹt rẹt, xem cứ bị giựt bặt bặt... mới biết đến ông. Bộ đầu tiên được xem là “Thần điêu đại hiệp”, xem xong mê mẩn nên lại săn lùng các bộ khác để xem.

Mình hơi khác người, các nhân vật chính thì phim nào cũng thích không nói nữa nhưng mình lại thích các nhân vật phụ. Thích quan điểm bất chánh bất tà của các nhân vật này.

Bộ “Thiên hạ ngũ tuyệt” của ông đã mở đầu cho tinh thần kiếm hiệp trong mình sau này. Nhiều phim sau này của những tác giả khác cũng lấy lịch sử võ lâm từ “Võ lâm ngũ bá” một thời với năm cái tên Đông Tà - Tây Độc - Nam Đế - Bắc Cái - Trung Thần Thông (vẫn thắc mắc sao ông có thể nghĩ ra cái tên Trung Thần Thông ngoài Đông - Tây - Nam - Bắc)...

Ngày xưa khi chưa biết về ông, mình còn mặc định tác giả Kim Dung là một nữ nhà văn. Mãi sau này đọc báo mới biết là ông. Tạm biệt ông, người hiểu thấu đời nhất mà tôi từng biết qua các tác phẩm!”.

Nhà văn Kim Dung sinh năm 1924, tên thật là Tra Lương Dung tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) trong một gia tộc khoa bảng với ông cố là nhà thơ nổi tiếng, ông nội là tri huyện Đan Dương ở tỉnh Giang Tô. Ông được ca tụng là một trong tứ đại tiểu thuyết gia có sức ảnh hưởng và được yêu thích nhất Trung Quốc.

Năm 1955, ông cho ra mắt tiểu thuyết võ hiệp đầu tiên mang tên “Thư Kiếm Ân Cừu Lục” trên tờ New Evening Post với bút danh Kim Dung. Tác phẩm lập tức gặt hái thành công vang dội. Sau đó, ông tiếp tục cho ra đời 14 bộ tiểu thuyết võ hiệp khác, đặc biệt phải kể đến là “Đông Tà Tây Độc”, “Tiếu ngạo giang hồ”, “Thiên long bát bộ”, “Anh hùng xạ điêu”, “Ỷ Thiên Đồ Long Ký”, “Thần điêu đại hiệp"... và tác phẩm cuối cùng là “Lộc Đỉnh Ký” vào năm 1972.

Các tác phẩm trên không chỉ được độc giả trên khắp thế giới đón nhận, vang danh trên mặt giấy mà còn “nổi đình, nổi đám” khi được được mua bản quyền chuyển thể thành những bộ phim truyền hình, điện ảnh nổi tiếng, thậm chí còn được chuyển thành game online.

Trong sự nghiệp cầm bút của mình, ông nhận được vô số giải thưởng, danh hiệu danh giá như “Huân chương Tử kinh” (2000), “Thành tựu trọn đời cho nghệ sĩ người Hoa có tầm ảnh hưởng thế giới” (2008), có tên trong danh sách các bậc tông sư văn học vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc… Ông đã trút hơi thở cuối cùng tại một bệnh viện vào ngày 30/10 vừa qua.

Hà Tùng Long