Giỗ Tổ Hùng Vương: Biểu tượng của lòng tôn kính tổ tiên

“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, hay Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2014 bước sang năm thứ 2 kể từ khi được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Hàng vạn người dân hành hương về Đất Tổ trong ngày khai hội đền Hùng. Ảnh: Phương Thanh.
Hàng vạn người dân hành hương về Đất Tổ trong ngày khai hội đền Hùng. Ảnh: Phương Thanh.

Đây cũng là minh chứng sức sống của văn hóa truyền thống Việt Nam như dòng chảy không bao giờ cạn kiệt, gắn với dòng chảy văn hóa hội nhập vào thế giới.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trong tâm thức người dân Việt

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10.3 âm lịch đã trở thành một ngày mà tất cả những ai mang dòng máu Việt Nam, dòng máu con Lạc - cháu Hồng ở khắp 4 phương trời đều hướng về đất Tổ Phú Thọ.

Cũng chính vì cái “tâm” tự nguyện, như một sự mách bảo huyền bí truyền từ đời này sang đời khác suốt mấy ngàn năm nay của ông, cha và tiếp nối đến các thế hệ sau này, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành một ngày thiêng liêng, không cần một quy định hay bắt buộc nào, nhưng ai cũng một lòng ngưỡng vọng, như một cách thức tưởng nhớ công đức tổ tiên và nguyện sống cho trọn đạo làm con dân nước Việt.

Người trực tiếp đến bái lạy tại đền thờ các Vua Hùng, người ngưỡng vọng từ khắp mọi miền tổ quốc và ở hải ngoại đều nhất tâm hướng về tổ tiên, nhất tâm hướng về nguồn cội như một sự đoàn kết bền chặt mà không một gì có thể cắt đứt.

Giỗ Tổ Hùng Vương, như một sự kiện độc nhất trong hàng ngàn sự kiện mang tính tâm linh của người Việt, có một sự đồng tâm toàn thể và trọn vẹn trong cộng đồng.

Và cũng chính tín ngưỡng này đã mang một ý nghĩa cao đẹp, người Việt luôn có sự đoàn kết, sự đồng thuận cao nhất trong những công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Có cần “hội” hoành tráng trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương?

Phần “hội” trong lễ giỗ chỉ là những phần phụ, để lễ giỗ có thêm màu sắc và cũng là để người dân khắp mọi miền khi về đất Tổ được biết thêm vài nét văn hóa truyền thống, phong tục cổ của miền này, và có thể là sự giao lưu văn hóa các vùng miền như một cách thức thắt chặt sự hiểu biết và đoàn kết giữa các dân tộc anh em trong một nhà.

Nhưng, từ nhiều năm nay, cái phần “hội” đã bị lạm dụng trở thành phần chính, kéo suốt mấy ngày, sa đà vào hình thức - không chỉ ca múa nhạc đình đám, rồi các trò chơi dân gian ồn ào, các lễ vật cúng tiến khổng lồ..., tạo nên những hình ảnh thiếu sự trang nghiêm ở vùng đất Tổ này.

Cũng phải nhìn nhận thực tế, phần đông người hành hương về đất Tổ dịp lễ Giỗ Tổ là chỉ đi “lễ” là chính, “lễ” xong là về, hoặc sẽ đi tham quan các vùng miền lân cận trong quần thể di tích của miền đất Tổ, mấy ai ở lại tham gia các phần “hội”.

Phải chăng nên thu hẹp lại phần “hội”, để như vài phút nghỉ chân của mọi người, trước và sau khi “lễ” Tổ Hùng Vương, ví dụ nghe vài khúc hát Xoan - một “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” khác của Phú Thọ được UNESCO phong tặng, vừa giới thiệu với khách hành hương một di sản của đất Tổ, vừa nhẹ nhàng sang trọng, vừa tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc, một cách thiết thực để nhớ ơn công đức các Vua Hùng.

Theo Việt Văn