Nhạc kịch "Ông lão đánh cá và con cá mập" trở lại với trẻ em dịp 1/6

Ninh Phương

(Dân trí) - Dựa trên tác phẩm kinh điển "Ông lão đánh cá và con cá vàng", kịch bản "Ông lão đánh cá và con cá mập" tạo cảm giác vừa lạ, vừa quen đối với khán giả.

Ông lão đánh cá và con cá mập từng được xem là hiện tượng nhạc kịch "vỏ Tây hồn Việt", thu hút 8000 khán giả đến xem vào năm 2022. Dựa trên tác phẩm kinh điển Ông lão đánh cá và con cá vàng, Ông lão đánh cá và con cá mập được định dạng nội dung theo phong cách "Cổ tích tập 2".

Kịch bản thêm thắt nội dung mới, thậm chí có cả chi tiết đảo chiều theo hướng "phản cổ tích" để "giải thiêng" một số nhân vật hoặc mạch nội dung quen thuộc, tạo cảm giác vừa lạ, vừa quen cho người xem.

Xuyên suốt thời lượng 70 phút, với phần âm nhạc hiện đại, sân khấu biến hóa được đầu tư bởi ánh sáng và công nghệ cao đã tái hiện thế giới thủy cung của các loài cá vừa sống động, mê ảo, vừa rất "đời".

Nhạc kịch Ông lão đánh cá và con cá mập trở lại với trẻ em dịp 1/6 - 1
Nhạc kịch "Ông lão đánh cá và con cá mập" tái hiện thế giới thủy cung của các loài cá vừa sống động, mê ảo, vừa rất "đời" (Ảnh: BTC).

Tổng hòa giữa những giá trị về cảm xúc và tính giáo dục được thể hiện khéo léo thông qua các diễn biến và tình tiết gần gũi, giản dị, những chi tiết gây hài, tạo tiếng cười vui vẻ, hồn nhiên.

Nói về việc sáng tạo nhạc kịch "vỏ Tây hồn Việt" khi biến tấu và remake Ông lão đánh cá và con cá mập, biên kịch Đinh Tiến Dũng chia sẻ: "Nhạc kịch Ông lão đánh cá và con cá mập được tôi viết dựa trên nền tảng câu chuyện cổ tích Ông lão đánh cá và con cá vàng, do vậy khán giả nhí sẽ nhận ra tuyến nhân vật vừa có những nhân vật quen thuộc vừa có thêm nhiều "nhân tố" mới, chắc chắn gây ngạc nhiên nhưng lại không hề ngẫu nhiên xuất hiện.

Các em nhỏ bây giờ không còn giống như thế hệ chúng tôi trước đây, thế giới phẳng và sự phát triển của công nghệ, sự vượt trội về tư duy khiến các em có góc nhìn khác, cảm thụ cũng khác đòi hỏi những người làm về văn hóa giải trí cũng phải "xoay 180 độ" mới có thể theo kịp và tiếp cận được".

Nhạc kịch Ông lão đánh cá và con cá mập trở lại với trẻ em dịp 1/6 - 2
Vở nhạc kịch này do "Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng "chắp bút" (Ảnh: BTC).

"Giáo sư Xoay" nói thêm: "Tôi cũng là bố của hai cháu bé, đôi lúc muốn gần con và hiểu con thì mình cũng phải trở thành chúng nó. Con xem gì tôi cũng xem, để phát hiện ra điều gì khiến các con mê mẩn, xem không chán như vậy.

Cái khó nhất với trẻ nhỏ là khiến các con thích mà vẫn giáo dục và định hướng được. Vì vậy, khi bắt tay vào viết kịch bản vở nhạc kịch này là một bài toán khó với bản thân tôi. Lần mò, xoay trở, đánh vật mấy tháng tôi cũng hoàn thành với tinh thần "mình phải là một đứa bé".

Vở nhạc kịch mong muốn truyền đạt thông điệp nhân văn đến mọi đối tượng khán giả về ước mơ xuất phát từ chính sự nỗ lực, và mỗi ngày sống một cách tích cực, đẹp đẽ chính là phép màu biến mọi ước mơ trở thành sự thực.

Năm nay, vở nhạc kịch sẽ được công chiếu vào 2 ngày 30 và 31/5/2023 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô để chào mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm