Giáo sư Trần Văn Khê đã bệnh rất nặng trước khi nhập viện
(Dân trí) - Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Hải - con trai của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê chia sẻ về bệnh tình hiện tại của cha ông.
GS Hải cũng vừa từ Pháp trở về cách đây 2 ngày khi hay bệnh tình của ba ông lâm vào nguy kịch.
GS Hải cho biết, Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê đã nhập viện từ ngày 27/5. Hiện tại, nhịp tim yếu nên đã được đặt máy tạo nhịp tim. Phổi của ông cũng gần như không thể hoạt động nên bác sĩ đã đặt nội khí quản cho thở máy. Hai quả thận cũng đã bị hư, và đang chạy máy lọc thận...
Giáo sư (GS) Hải chia sẻ: “Ba tôi đang đi dần đến giai đoạn cuối của cuộc đời, chúng tôi vẫn chờ đợi, nhưng bệnh tình của ba tôi là không mấy khả quan, ngày đi thì chưa biết nhưng đang rất gần… 2 lá phổi đã bị hư hao nhiều, hiện đang sống nhờ sự hỗ trợ của máy móc. Lâu lâu ba tôi có thể tỉnh dậy mở mắt, rồi hôn mê trở lại. Nhưng không nói chuyện được nữa”.
Về phần chi phí điều trị rất cao, nhưng GS Hải cho biết, “Ủy ban thành phố đã gọi cho tôi và cho biết toàn bộ chi phí bệnh viện, thuốc men đều được chính phủ tài trợ 100%, vì ba tôi là người có công lớn với nền văn hóa Việt Nam. Họ chăm lo cho ba tôi không phải vì trách nhiệm mà chính phủ lo vì kính trọng và thương quý một người đại tài, người đã đem lại sự vinh quang cho nền âm nhạc Việt Nam. Người đã đóng góp nhiều cho hồ sơ đờn ca tài tử Nam bộ và đã được nhìn nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2013”.
Giáo sư - Tiến sĩ Trần Quang Hải cho biết thêm, ba ông đã từng bị lao, thận có sạn từ thời trẻ và phải mổ ruột từ khi trên 30 tuổi. Khi Giáo sư – tiến sĩ Trần Văn Khê về sống tại Việt Nam từ năm 2004 thì ông đã ngồi xe lăn và mỗi tháng đều phải uống rất nhiều thuốc. Ông bị tiểu đường gần 50 năm, ngoài ra còn bệnh tê thấp, khớp, những ngón tay bị cong khó có thể đàn được như lúc còn trẻ.
Những di chứng của bệnh tiểu đường đã khiến đôi mắt của Giáo sư không còn khả năng nhìn rõ và tai cũng không nghe rõ. Trong thời gian gần đây, ông không thể đàn và hát được như ý muốn. Tuy nhiên trí óc ông còn rất minh mẫn nên nhớ được rất nhiều thứ.
Việc Giáo sư- Tiến sĩ Trần Văn Khê đã bị bệnh từ thời trẻ nhưng hàng ngày, ông vẫn luôn chống chọi với bệnh tật. Ông vẫn miệt mài để truyền bá, giảng dạy, “đốt lửa” và “nung nấu” tinh thần cho giới trẻ để họ thức tỉnh, hiểu hơn, yêu hơn nền âm nhạc của dân tộc. Mỗi lần Giáo sư – Tiến sĩ nói chuyện thì nói cả giờ không biết mệt mặc dù cơ thể đã bị suy yếu từ năm 2004. Điều kiện sức khỏe khó khăn nhưng, Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê vẫn tham gia giảng dạy, diễn thuyết, để đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam đi vào bản đồ âm nhạc thế giới.
Nối tiếp truyền thống của cha, Giáo sư – Tiến sĩ Trần Quang Hải là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam danh tiếng. Ông vẫn tiếp tục đưa những thể loại nhạc dân tộc ra thế giới. Hiện tại (năm 2015) ông tham gia xây dựng hồ sơ về hát bài chòi ở miền Nam Trung bộ. Mỗi năm ông về Việt Nam để đóng góp sức mình vào việc xây dựng những hồ sơ văn hóa. Trong tương lai sẽ có nhiều thể loại nhạc dân tộc Việt Nam như hát then dân tộc Tày Nùng, hát văn, múa rối nước, vv… hy vọng được thế giới biết đến như những Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Băng Châu