Giai đoạn lịch sử đen tối của Trung Quốc trong phim "Tình Châu Giang"
(Dân trí)- Thời kỳ cải cách văn hóa từng được gọi là "giai đoạn đen tối" trong lịch sử Trung Hoa. Thời kỳ này khơi nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật, ở đó, Trung Quốc rơi vào những biến cố lịch sử lớn lao với những thay đổi toàn diện...
Tình Châu Giang là bộ phim truyền hình Trung Quốc được sản xuất năm 1994. Đây là một trong những bộ phim truyền hình Trung Quốc đầu tiên được trình chiếu tại Việt Nam. Phim kể về một giai đoạn với đầy những biến động và hỗn loạn trong xã hội Trung Quốc diễn ra trong 10 năm với biết bao thăng trầm, biến cố, từ 1966 đến 1976, gây tác động về cả chiều rộng lẫn chiều sâu lên mọi mặt cuộc sống từ kinh tế, chính trị, cho tới văn hóa, xã hội. Sau cuộc cách mạng này, Trung Quốc đã chứng kiến nhiều sự thay đổi trong đời sống kinh tế, xã hội và cả những quan niệm đạo đức của người dân một cách sâu sắc và toàn diện.
Sông Châu Giang – con sống lớn thứ tư Trung Quốc chảy ngang qua thành phố Quảng Châu
Đã gần 20 năm kể từ khi bộ phim được chiếu trên truyền hình Việt Nam. Sức hút của phim với khán giả Việt đã mở màn cho làn sóng phim truyền hình Trung Quốc tràn sang nước ta từ đây. Nội dung phim xoay quanh bốn nhân vật gồm ba vai nữ chính là Lương Thục Trinh (Tả Linh đóng), Trương Việt Mỹ (Vương Lâm đóng), Đàm Dung (Phổ Siêu Anh đóng) và một nhân vật nam chính là Lâm Tất Thành (Nguy Tử đóng).
Thời kỳ cuối của của cuộc cách mạng văn hóa, họ là nhóm thanh niên bốn người, đều là những trí thức trẻ của thành phố Quảng Châu, được điều về vùng nông thôn sinh sống, lao động với quần chúng và học tập từ cuộc sống cần lao.
Trinh, Mỹ, Dung là ba cô gái xinh đẹp, mỗi người một vẻ và họ chơi thân với nhau. Mỹ đậm người, có vẻ đẹp sắc sảo, vốn con nhà giàu, theo Đạo Thiên Chúa. Trong thời kỳ cải cách, nhà cô còn giấu được một ít của cải không bị tịch thu xung vào công quỹ. Dung, vóc người cao to, tính không thiện tâm như hai bạn vì cô khá lẻo mép, thậm chí thảo mai và khéo léo theo kiểu giảo hoạt. Trinh cao dong dỏng, xinh gái với vẻ hiền thục và đó cũng là tính cách thật của cô. Nhà Trinh nghèo nhất trong ba người.
Cả Trinh, Mỹ và Dung đều đem lòng yêu chàng trai cùng nhóm có tên là Lâm Tất Thành. Nhưng Thành quý mến Trinh nhất nên họ đến với nhau và tiến tới hôn nhân. Thập kỷ 1970 kết thúc với biết bao điều cay đắng xảy ra trong cuộc đời của những con người trí thức trải qua một giai đoạn khá hỗn tạp. Thập kỷ 1980 mở ra với nhiều cải cách mới trong lĩnh vực kinh tế, mở ra cơ hội làm giàu cho mỗi cá nhân. Bốn người họ quay trở lại thành phố Quảng Châu.
Vai nữ chính Lương Thục Trinh
Cũng lúc này, vợ chồng Thành và Trinh bắt đầu nhận thấy sự khác biệt về những giá trị cuộc sống mà họ theo đuổi và phương cách quá khác nhau giữa hai vợ chồng để đạt được thành công. Họ dần xa nhau. Có thể nói sự rạn nứt của hai vợ chồng chịu tác động vô hình từ những biến đổi nhanh chóng trong đời sống kinh tế xã hội đương thời.
Khi nghèo khó thì dễ đồng cam cộng khổ nhưng khi bắt đầu có tiền bạc lòng người dường như nguội lạnh. Thành và Trinh chia tay nhau. Thành đến với Mỹ và hai người kết hôn. Giờ đây Thành lại trở thành em rể của Dung. Sau này, Thành bị Dung lừa và phải vào tù. Cuộc sống của ba cô gái như có duyên nợ với nhau từ kiếp trước, họ luôn “đụng” phải nhau như "oan gia ngõ hẹp", ân oán tình - tiền như vòng tròn luẩn quẩn mà họ chẳng thể thoát ra...
Lâm Tất Thành và Lương Thục Trinh
Họ là những nhân vật đại diện cho thế hệ của mình- thế hệ chuyển giao với bao điều hỗn mang, phức tạp mà chính họ là những con người thử nghiệm đầu tiên. Trải nghiệm của họ có thành công và thất bại, có hạnh phúc lẫn đắng cay, có đúng đắn và cả những sai lầm nhưng khi bộ phim khép lại, khán giả như cảm thương với số phận của từng nhân vật. Họ sinh ra trong một thời kỳ với quá nhiều biến cố lớn lao. Cuộc đời họ, số phận, tính cách... phản ánh rõ nét mọi những xu hướng chính trong đời sống đạo đức và phương cách làm giàu của người dân Trung Quốc đương thời.
Khi bộ phim khép lại, từ tận đáy lòng, khán giả như thấy một niềm cảm thương trào dâng với mỗi số phận và cuộc đời nhân vật. Họ chỉ là những con bài của số phận, của thời đại và những biến cố trong thời kỳ mở cửa. Tốt xấu đan xen mới chính là cuộc sống với những dáng vẻ, sắc màu chân thực nhất. Những cuộc đời của Trinh, của Mỹ, của Dung vừa nhỏ bé vừa mang tầm thời đại, khái quát cho một thế hệ phải trải qua những biến đổi không ngừng, sống, thích ứng và vươn lên từ trong gian khó.
Họ là những người phụ nữ đặc trưng cho tính cách con người Quảng Châu – thành phố được xem như biểu tượng thành công của công cuộc cải cách, mở cửa tại Trung Quốc. Quảng Châu, một vùng đất xa xôi, cách thủ đô Bắc Kinh cả nghìn km vậy mà có thể trở thành hình mẫu thành công trong thời kỳ cải cách, mở cửa là bởi người dân nơi đây nổi tiếng với những luồng tư tưởng mới, những ý tưởng mang tính đột phá.
Con người Quảng Châu bản tính bạo dạn, dám nghĩ dám làm. Điều đó được phản ánh rõ nét qua hình ảnh của những nhân vật chính trong Tình Châu Giang: một Mỹ thông minh, bản lĩnh, xông pha, can trường. Trinh lặng lẽ hơn, chăm chỉ, cần cù và thận trọng như con sông Châu Giang êm đềm nhưng tiềm ẩn một sức mạnh khôn lường những khi nổi sóng. Dung ưa tiểu xảo và thủ đoạn, khôn ngoan và có phần nanh lọc, luôn biết cách đạt được mong muốn của mình và có thể bất chấp cả đạo lý – mặt trái của con người mới trong thời kỳ kinh tế thị trường.
Dàn diễn viên đóng bộ phim mang tầm thời đại này đã được lựa chọn rất kỹ càng. Họ là những diễn viên có khuôn mặt khả ái, có kiến thức chuyên môn về diễn xuất và cho tới nay vẫn là những diễn viên gạo cội trong làng điện ảnh Trung Quốc.
Vương Lâm, nữ diễn viên nổi tiếng của Trung Quốc Đại lục (vào vai Trương Việt Mỹ), sinh ngày 24/8/1970 ở Thượng Hải. Cô bắt đầu theo đuổi sự nghiệp diễn xuất khi vào học tại Học viện Nhà hát Thượng Hải năm 1989. Năm 1990, cô được nhà nước gửi sang Viện phim quốc gia Nga ở Moscow để tu nghiệp. Khi trở về, Vương Lâm bắt đầu sự nghiệp diễn xuất chuyên nghiệp. Vai Mỹ trong bộ phim truyền hình năm 1993 Tình Châu Giang là vai diễn mở màn cho sự nghiệp rất nổi tiếng và thành công của cô về sau. Vương Lâm là nữ diễn viên tài năng của màn ảnh Hoa ngữ bởi cô có thể đảm nhận nhiều vai diễn với những tính cách đa dạng. Trong gần 20 năm làm nghề, Vương Lâm đã đóng 6 bộ phim điện ảnh và 24 bộ phim truyền hình.
Tả Linh (vào vai Lương Thục Trinh), sinh ngày 25/10/1964, tại thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông. Tả Linh cũng là một diễn viên được học hành, đào tạo chuyên nghiệp ở trong nước nhưng sự nghiệp của Tả Linh không thuận buồm xuôi gió ngay từ đầu như Vương Lâm. Cô phải trải qua nhiều vai diễn nhỏ rồi dần dần mới khẳng định được tên tuổi. Tả Linh nổi tiếng với những vai diễn có chiều sâu tâm lý. Cô diễn rất biểu cảm và là một trong những diễn viên có nghệ thuật diễn xuất xuất sắc nhất tại Trung Quốc. Tả Linh từng được nhận giải Kim Kê – giải thưởng điện ảnh cao quý nhất của Trung Quốc.
Phổ Siêu Anh (vai Đàm Dung) sinh năm 1972 tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc. Sự nghiệp của Siêu Anh khởi đầu tương đối vất vả, cô phải chấp nhận những vai diễn nhỏ và “khó nhằn”. Trong những vai diễn đầu tiên đó, có lần cô phải vào vai một người vợ phản bội chồng, bị chồng phát hiện và kéo lê trên đường, dưới trời mưa. Đóng cảnh đó khiến cả người cô bị trầy xước, quần áo ướt sũng nhưng Siêu Anh đã gây ấn tượng với đoàn làm phim vì cô diễn rất đạt, không phải quay lại và sau đó cũng không than vãn một lời. Những vai diễn của Siêu Anh thường là vai phản diện hoặc có nét đanh đá, sắc sảo. Khán giả rất thích cách diễn xuất của cô vì “diễn rất đạt, xem rất đã”. Về sau, khả năng diễn xuất của Siêu Anh dần được khẳng định và vai diễn Đàm Dung trong Tình Châu Giang là một trong những vai diễn chính trong phim truyền hình đầu tiên mà cô nhận được, đánh dấu bước chuyển mới trong sự nghiệp diễn xuất của Siêu Anh.
Nguy Tử (vào vai Lâm Tất Thành), tên thật là Vương Nguy, sinh ngày 25/6/1956 ở thành phố Ngân Xuyên, thủ phủ của khu tự trị Ninh Hạ. Sau khi tham gia hoạt động thanh niên tại địa phương trong hai năm, Nguy Tử được Học viện Trung ương cho tham gia khóa học bồi dưỡng dành cho diễn viên kịch nói. Vì những thành tích xuất sắc trong khóa học mà ngay khi hoàn tất việc học, Nguy Tử được Nhà hát Quốc gia - Nhà hát Nghệ thuật nhân dân tuyển dụng, sau nhiều thành công trong diễn xuất trên sân khấu kịch và những thử nghiệm trên màn ảnh nhỏ, Nguy Tử trở thành gương mặt diễn viên nổi tiếng trong làng điện ảnh Trung Quốc. Kể từ đó anh được đảm nhiệm nhiều vai chính trong các bộ phim truyền hình và có những vai diễn khó quên trong lòng khán giả Trung Quốc. Thực sự vai diễn Lâm Tất Thành có nhiều nét tương đồng với cuộc đời Nguy Tử vì gia đình anh cũng từng sống trong thời kỳ cải cách văn hóa và phải chịu những “đòn đau của thời đại” vì vậy vai diễn này được giao cho Nguy Tử là hoàn toàn chính xác. Anh đã diễn rất tròn trịa vai diễn của mình bằng chính những trải nghiệm và hiểu biết của bản thân khi sống qua thời kỳ lịch sử đó.