Giai điệu tự hào tháng 12 khép lại một năm bằng âm nhạc của thập niên 40

(Dân trí) - Với chủ đề “Xuân và tuổi trẻ”, Giai điệu tự hào tháng 12 sẽ khép lại một năm bằng những ca khúc thuộc dòng tân nhạc thập niên 40-50, mang màu sắc, âm hưởng của nhạc trữ tình và nhạc xanh.

Những bản tình ca được pha giữa cách phối cũ với tiết điệu chậm, điểm xuyết những nốt dân ca như một đặc trưng mang thương hiệu nhạc sĩ Thanh Phương xen lẫn một chút âm hưởng nhạc Jazz, thính phòng làm toát lên vẻ nhẹ nhàng, lãng mạn của từng ca khúc.

“Xuân và tuổi trẻ” là ca khúc được nhạc sĩ La Hối sáng tác khi ông 20 tuổi. Đây cũng là bài hát nổi tiếng nhất trong gia tài âm nhạc của vị nhạc sĩ này. Cố vấn âm nhạc Nguyễn Thụy Kha cho biết, ca khúc “Xuân và tuổi trẻ” được nhạc sĩ sáng tác vào thời điểm hệ trọng, báo trước hy vọng về ngày độc lập. Tên gốc của ca khúc là “Le printemps et la jeunesse” được nhạc sĩ sáng tác vào năm 1944, chỉ một năm trước khi người nhạc sĩ tài hoa qua đời.

Không khí âm nhạc của thập niên 40 - 50 ngập tràn Giai điệu tự hào tháng 12.
Không khí âm nhạc của thập niên 40 - 50 ngập tràn Giai điệu tự hào tháng 12.

Ca khúc có tính khí nhạc rất cao được trình diễn thường xuyên trong Hội yêu nhạc Hội An. Năm 1946, khi đoàn ca kịch Anh Vũ của nhà thơ Thế Lữ vào Hội An biểu diễn, vị “chủ soái” của phong trào vì quá ấn tượng với giai điệu của ca khúc này, nên đã xin gia đình La Hối đặt lời Việt cho bài hát và lấy tên là “Xuân và tuổi trẻ”.

Lời ca trẻ trung và sâu sắc kết hợp với giai điệu đầy sức sống tạo nên một âm hưởng rộn ràng đầy chất xuân. Từ đó đến nay, ca khúc “Xuân và tuổi trẻ” vẫn luôn là một trong những ca khúc xuân hay nhất, được trình diễn nhiều nhất trên khắp cả nước và trong cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Các ca sĩ trẻ đã làm sống lại những ca khúc đã phủ bụi thời gian trên sân khấu Xuân và tuổi trẻ.
Các ca sĩ trẻ đã làm sống lại những ca khúc đã "phủ bụi thời gian" trên sân khấu "Xuân và tuổi trẻ".

Một năm sau khi La Hối viết ca khúc “Xuân và tuổi trẻ”, chàng nhạc sĩ Hoàng Giác cũng nhờ mối tình trong mơ mà có cho mình một tác phẩm “Mơ hoa” để đời ở tuổi 21. Ca khúc được sáng tác vào năm 1945, có giai điệu và ca từ đôi chút “lả lơi”, như lời tán tỉnh của chàng trai với cô gái trong mộng. Lúc đó nhạc sĩ Hoàng Giác mới 21 tuổi, đây cũng chính là sáng tác đầu tay của ông viết về mối tình với cô bé hàng xóm mới vừa tròn 16, một mối tình tuổi học trò nhiều mơ mộng.

Trên sân khấu của Giai điệu tự hào tháng 12, sự kết hợp của 3 cái tên: nhạc sĩ Hoàng Giác sáng tác “Mơ hoa” vào năm 21 tuổi, ca sĩ Erik -19 tuổi và nhạc sĩ phối khí Khắc Hưng - 24 tuổi khiến bài hát như trở nên trẻ trung hơn, và ước lệ hơn.

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái - thành viên Hội đồng bình luận - cho rằng: “Cái mới phải được tiếp nối trên sự căn cơ cổ điển, không gian bài hát trên sân khấu này đẹp vô cùng và cũng rất mùa xuân và Hà Nội”.

Hoàng Hải thể hiện Em đến thăm anh một chiều mưa của nhạc sĩ Tô Vũ.
Hoàng Hải thể hiện "Em đến thăm anh một chiều mưa" của nhạc sĩ Tô Vũ.

2 năm sau, năm 1947, ca khúc “Em đến thăm anh một chiều mưa” của nhạc sĩ Tô Vũ ra đời. Tô Vũ và nhóm nhạc Đồng vọng gồm rất nhiều tên tuổi lớn khi ấy như Đỗ Nhuận, Văn Cao, Lưu Hữu Phước… đã tiếp thu dòng nhạc lãng mạn kết hợp với những giai điệu đẹp của dòng nhạc dân gian để cho ra đời những tuyệt phẩm. Lời ca của “Em đến thăm anh một chiều mưa” vừa thể hiện sự kín đáo dè dặt, lại vừa có chút táo bạo của những người “có tình”.

MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng trong Hội đồng bình luận đã phải thốt lên: “Hoàng Hải hát ở tông Fa trưởng khiến buổi chiều chấp cánh và bay cao lên”.

Những ca từ vui tươi của nhạc sĩ Trần Hoàn trong tác phẩm đầu tay “Sơn nữ ca”, sáng tác năm 1948 sẽ mang màu sắc âm nhạc khá hiện đại với âm hưởng tango của giai cấp tiểu tư sản. Bài hát này được sáng tác tại chiến khu Quảng Bình khi người nhạc sĩ gặp gỡ những cô dân quân là học sinh trường Phan Bội Châu.

Trước tình ý của những cô gái này, chàng trai nhớ lại tình yêu của mình nơi quê nhà. Cuối cùng, ông viết bài hát “Sơn nữ ca” như một lời khước từ tình yêu và lựa chọn cách mạng. Năm bài hát ra đời cũng chính là năm Trần Hoàn chính thức vào Đảng. Nhiều nhà phê bình cho rằng cái tinh thần ấy cũng chính là tinh thần và chí khí cách mạng của những chàng trai tri thức thời bấy giờ.

Nhật Thủy và Lê Anh Dũng biểu diễn trong chương trình.
Nhật Thủy và Lê Anh Dũng biểu diễn trong chương trình.

Năm 1949, tác phẩm “Dư âm” ra đời sau một mối tình dang dở của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Có khá nhiều tranh cãi về nàng thơ trong “Dư âm”, tuy nhiên nhạc sĩ Thụy Kha cho hay: “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý khi đó là vệ quốc quân, thuộc sư đoàn 304 đóng ở khu 4. Ông rất mê một cô gái đẹp và biết chơi đàn. Cô này tên là Dương, nên chẻ đôi bài hát thành Dư âm”. Tiếp lời, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh chia sẻ: “Tôi có yêu cả 100 người thì cũng không sáng tác được bài hát hay như thế này”.

Với phần thể hiện của “Dư âm”, ca sĩ Hà Anh Tuấn đã làm khá tốt công việc của mình. Chất “tình” mà buồn trong giọng hát của nam ca sĩ khiến cho “Dư âm” thêm phần nuối tiếc dù rằng có đôi chỗ hơi rườm rà.

Hà Anh Tuấn hát Ly rượu mừng.
Hà Anh Tuấn hát "Ly rượu mừng".

Ca khúc “Bóng chiều xưa” gắn liền với mối tình nổi tiếng Dương Thiệu Tước - Minh Trang, cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối giữa hai gia đình trâm anh thế phiệt. Bà ngoại của ca sĩ Minh Trang vốn là chị của vua Thành Thái và bà được sinh ra ngay trên Bến Ngự - Huế. Vì thế mà trước khi gặp tác giả của ca khúc “Đêm tàn Bến Ngự”, Minh Trang đã thấy mình có sự gắn bó với ca khúc này đến lạ.

Và rồi khi hai người gặp nhau, tình yêu cứ thế nhen lên trong hai tâm hồn. Mối lương duyên đẹp này đã mang đến cho nền Tân nhạc Việt Nam nhiều ca khúc để đời, trong đó có “Bóng chiều xưa”. Cũng như nhiều ca khúc của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước do chính vợ ông viết lời hoặc chỉnh sửa ca từ, “Bóng chiều xưa” được đề tên tác giả là cả Dương Thiệu Tước và Minh Trang.

Trên sân khấu của Giai điệu tự hào tháng 12, ê-kip thực hiện chương trình đặt hai bản phối “Bóng chiều xưa” và “Chiều” cạnh nhau để tạo nên một bản liên khúc qua sự thể hiện đầy duyên dáng của 2 giọng ca Lê Anh Dũng - Nhật Thuỷ.

Sân khấu được dàn dựng để tại hiện lại rõ nét nhất không gian âm nhạc của thập niên 40 - 50 nhưng vẫn toát lên chủ đề mùa xuân - tuổi trẻ.
Sân khấu được dàn dựng để tại hiện lại rõ nét nhất không gian âm nhạc của thập niên 40 - 50 nhưng vẫn toát lên chủ đề mùa xuân - tuổi trẻ.

Khép lại Giai điệu tự hào tháng 12 là ca khúc “Ly rượu mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Nhắc đến tên tuổi của ông, nhiều người thường chỉ nhớ tới “Nửa hồn thương đau”, chứ ít người biết rằng ca khúc “Ly rượu mừng” gần đây mới xin được cấp phép hát trở lại.

Sau nhiều năm, đến năm 2016, tác phẩm “Ly rượu mừng” được phổ biến rộng rãi trở lại, trở thành một lời chúc năm mới với âm hưởng điệu nhảy valse rộn ràng. Qua phần thể hiện của hai nữ ca sĩ Bảo Trâm và Ngọc Khuê và nhóm Dòng thời gian gợi nhớ về hợp ca Thăng Long nổi tiếng ngày nào - ca khúc “Ly rượu mừng" như một lời chúc tới khán giả xuân mới thật ấm áp, an vui.

Giai điệu tự hào tháng 12, chủ đề “Xuân và tuổi trẻ” sẽ phát sóng lúc 20h10 phút ngày 31/12/2016 trên kênh VTV1.

Hà Tùng Long

Ảnh: T.V