"Giấc ngủ sâu" của lăng mộ cha đẻ vua Gia Long

(Dân trí) - Nằm trơ trọi trên triền núi cách trung tâm thành phố Huế khoảng 11km đi về phía Cầu Tuần (Huế), lăng Sọ đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm lịch sử và chịu đựng với bao khắc nghiệt của thời tiết.

Lăng Sọ (hay còn gọi là lăng Cơ Thánh) nằm trên địa bàn làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là lăng của ông Nguyễn Phúc Luân (1733 - 1765), cha đẻ của vua Gia Long, vị hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.

Lãng quên một giá trị

Lăng Sọ là một di tích lịch sử rất ít được người dân biết đến bởi thông tin về nó không nhiều. Nhiều năm qua, lăng Sọ vẫn ở đấy chịu đựng cái nắng, cái gió và những khắc nghiệt của khí hậu vùng đất thần kinh.

Nơi thờ mộ thân sinh của Gia Long được bao bọc bởi những đồi thông cao vút nằm sâu trong triền núi Cư Chánh, cách đường chính khoảng 30m, đối diện có dòng sông Hương.

Nhiều năm trở lại đây, lăng Sọ đã dần xuống cấp và đi vào lãng quên khi mà những bức tường thành dần mục nát, phủ đầy rêu xanh; cánh cổng bằng đồng bị viết vẽ bởi những người dân vô ý thức và cả những vật dụng trên áng hương cũng đổ nghiêng ngả mà không có sự quan tâm, can thiệp nào.

Lăng Sọ được bao bọc bởi những đồi thông cao vút nằm sâu trong triền núi Cư Chánh.
Lăng Sọ được bao bọc bởi những đồi thông cao vút nằm sâu trong triền núi Cư Chánh.

Nhìn từ xa, lăng Sọ như một “bức tranh thê lương” nằm cô quạnh giữa núi rừng với hai gam màu đối nghịch: “màu buồn” của rêu phong và “màu tươi xanh” của cỏ cây hoa lá.

Tại đây cũng chỉ có bảng giới thiệu tên lăng mà không có bất kỳ thông tin nào như lăng của ai, được xây dựng từ năm nào hay giai thoại về lăng ra sao.

Chị Nguyễn Thị Giang, một người dân trồng sả trước đối diện cho hay: “Tôi thấy lăng này có ai đến đâu, nó bị khóa cửa hoài à. Tôi cũng chỉ biết đây là lăng tẩm dưới triều Nguyễn chứ chẳng biết của ai”.

Lăng Sọ đang rơi vào cảnh “phó mặc cho mưa gió” khi đây là một trong những chứng tích của lịch sử cách nay hàng trăm năm.

Câu chuyện buồn của lịch sử

Nhắc đến lăng Sọ là gợi lại một trang sử buồn của lịch sử nước ta vào cuối thế kỷ 18. Theo sử sách và các truyền thuyết dân gian, ông Nguyễn Phúc Luân là con trai thứ của chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1714 - 1765) được đào tạo để nối nghiệp chúa. Nhưng khi Võ Vương qua đời, Trương Phúc Loan chuyên quyền, tống Nguyễn Phúc Luân vào ngục và đưa Nguyễn Phúc Thuần (chỉ mới 12 tuổi) lên ngôi làm “vua bù nhìn” để thâu tóm quyền binh. Nguyễn Phúc Luân ở trong ngục đau buồn mà chết. Mộ ông được an táng tại núi Cư Chánh (tồn tại cho đến bây giờ).

Năm 1790, quân Tây Sơn cho khai quật mồ mả Nguyễn Phúc Luân, lấy xương cốt rồi ném xuống sông Hương. Sau đó, một người dân địa phương liền lén vớt hộp sọ của Nguyễn Phúc Luân rồi chôn cất vào một nơi bí mật.

Năm 1802, Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long) lên ngôi hoàng đế. Nghe tin có người chôn cất hộp sọ của cha mình, vua liền cho người khai quật rồi cắt máu ở tay nhỏ vào sọ, thì thấy sọ hút hết máu. Vua tin tưởng và cho xây dựng lăng Cơ Thánh ở chỗ huyệt mộ cũ để cải táng sọ của cha. Cũng chính vì thế mà dân gian hay gọi là lăng Sọ.

Toàn cảnh khu vực chôn cất hộp sọ của cha đẻ vua Gia Long
Toàn cảnh khu vực chôn cất hộp sọ của cha đẻ vua Gia Long

So với các lăng của vua chúa nhà Nguyễn, lăng Sọ tuy không lớn, và ít có giá trị về mặt nghệ thuật nhưng sự hiện hữu của nó gợi lại một trang sử ảm đạm của Việt Nam cuối thế kỷ 18.

Với tình trạng như hiện tại, liệu có còn ai biết đến ngôi lăng này như một nhân chứng của lịch sử hay chỉ là những tư liệu trên sách báo để rồi trở thành một “miền ký ức xa lạ” đối với cả chính người đân địa phương nơi đây.

Lăng Sọ (lăng Cơ Thánh) có kiến trúc bao gồm ba hình gần vuông. Mỗi hình có diện tích khoảng 30m2, xếp theo thứ tự từ bờ sông Hương vào đến triền núi Cư Chánh.

Đầu tiên là sân cỏ có bức tường thành dài khoảng 10m nằm sát lề đường chính. Tiếp đến là hai bái đình cao hơn sân cỏ 7 bậc cấp.

Khu vực cuối cùng có thành bao bọc xung quanh: bức thành phía trước có cửa hình vòm với hai cánh cửa bằng đồng vững chắc; đi vào là một bức bình phong được trạm trổ hình rồng uy nghiêm; chính giữa sân là mộ táng hộp sọ của ông Nguyễn Phúc Luân với 3 bậc cấp nằm dưới bóng một bức bình phong và có áng hương thờ cúng.

Đường dẫn lên Lăng Sọ
Đường dẫn lên Lăng Sọ
"Giấc ngủ sâu" của lăng mộ cha đẻ vua Gia Long - 4
Bức tường thành mục nát, rêu phong bám đầy
Bức tường thành mục nát, rêu phong bám đầy
Nơi mộ táng gồm có 3 bậc, dưới bóng một bức bình phong và có áng hương thờ cúng
Nơi mộ táng gồm có 3 bậc, dưới bóng một bức bình phong và có áng hương thờ cúng
Đồ vật trên áng hương thờ cúng cũng “ngả nghiêng” theo thời tiết
Đồ vật trên áng hương thờ cúng cũng “ngả nghiêng” theo thời tiết
Những nét vẽ vô ý thức của người dân trên di tích lịch sử
Những nét vẽ vô ý thức của người dân trên di tích lịch sử
Cỏ dại mọc um tùm quanh một tảng đá trước cổng lăng
Cỏ dại mọc um tùm quanh một tảng đá trước cổng lăng
Bức tường thành sát lề đường cũng dần trở thành nơi nảy nở của nhiều loại cỏ dại
Bức tường thành sát lề đường cũng dần trở thành nơi nảy nở của nhiều loại cỏ dại
Liệu có còn ai nhớ đến lăng Sọ như một di tích lịch sử hay chỉ như là một “vị khách qua đường”?
Liệu có còn ai nhớ đến lăng Sọ như một di tích lịch sử hay chỉ như là một “vị khách qua đường”?

Quốc Nhật - Quỳnh Nga - Đại Dương