Gia đình nhạc sĩ Văn Cao im lặng trước đề xuất sửa lời Quốc ca

(Dân trí) – Trước đề xuất sửa lời Quốc ca vì một số ca từ không phù hợp trong thời hiện tại, nhiều người dân và nghệ sĩ quyết liệt lên tiếng phản đối, riêng người thân của cố nhạc sĩ Văn Cao cho biết không quan tâm và không có ý kiến.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, vợ của ông Văn Thành- người con trai thứ ba của cố nhạc sĩ Văn Cao, hiện đang ở ngôi nhà trên phố Yết Kiêu cho biết, các anh em trong gia đình bà không có ý kiến gì xung quanh sự việc này.

“Gia đình chúng tôi thống nhất không có bất kỳ ý kiến, phản hồi nào xoay quanh về vấn đề này. Lời đề xuất chỉ của một đại biểu Quốc hội và chúng tôi cũng đã theo dõi  tất cả những ý kiến phản hồi trên báo chí. Chỉ khi nào có văn bản chính thức, quyết định trực tiếp từ Quốc hội hay từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tới gia đình thì chúng tôi mới có ý kiến chính thức”, con dâu cố nhạc sĩ Văn Cao cho hay.
 
Ca khúc Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao được chọn làm
Ca khúc "Tiến quân ca" của cố nhạc sĩ Văn Cao được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam


Trước đó, trả lời trên một trang điện tử, nhạc sĩ Văn Thao – con trai trưởng của cố nhạc sĩ Văn Cao trả lời về lời đề xuất sửa lời Quốc ca của đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai):  “Đây là đợt sửa Hiến pháp của Nhà nước, nhưng trong đó không hề có nội dung bàn về việc chỉnh sửa hay thay đổi Quốc ca. Nếu có thì cũng chỉ là ý kiến cá nhân của một đại biểu quốc hội, đâu có việc lấy ý kiến của dân về sự việc này đâu. Vì thế nên gia đình không quan tâm và cũng không có bất kỳ ý kiến nào cả”.

Người thân của cố nhạc sĩ Văn Cao cũng thể hiện sự mệt mỏi khi được quá nhiều người hỏi han và cũng không muốn sự việc này trở nên quá ầm ĩ. Nhạc sĩ Văn Thao cũng cho hay, đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện thay đổi Quốc ca được đem ra xem xét, tuy nhiên cũng không thay đổi được gì.
 
Bút tích của cố nhạc sĩ Văn Cao chia sẻ về ca khúc Tiến quân ca

Bút tích của cố nhạc sĩ Văn Cao chia sẻ về ca khúc "Tiến quân ca"

Về việc này, ca sỹ Ánh Tuyết, người nhận mình ảnh hưởng nhiều từ âm nhạc Văn Cao cũng chia sẻ với Dân trí: “Tôi nhớ những năm của thập niên 80, nhà nước đã phát động phong trào viết Quốc ca mới. Cái ngày đó tôi chưa hề biết nhạc sĩ Văn Cao, tôi chưa hề hình dung được ông là người như thế nào?  Nhưng hình như lúc ấy đâu đâu tôi cũng nghe thấy mọi người bàn tán xôn xao, và họ lo ngai, họ xót lòng thay cho tâm hồn và trái tim nhạy cảm của người nhạc sĩ tài hoa sẽ bị tổn thương vì không ít lần ông từng gánh chịu những tổn thương... Cũng may, phong trào này không thành công, hơn 30 ca khúc chẳng bài nào có đủ sức thay thế Tiến quân ca của Văn Cao được cả”.

Ca sỹ Ánh Tuyết bày tỏ, âm nhạc của Văn Cao sáng trong, hiền lành như chính con người ông, mặc dù trong ông đã có những nỗi đau được giấu kín. Mỗi khi hát nhạc ông, chị cảm tưởng như đang được tịnh tâm lắng nghe được vạn vật và nghe được chính mình, được ngộ ra, tâm hồn cũng trong sáng hướng thiện hơn…

“Có thể trong thời bình, nhiều người không còn hiểu được hết những câu hát trong bài Quốc ca. Nhưng chính điều đó lại giúp các bạn trẻ được đặt dấu hỏi, được thắc mắc tìm tòi, được lật lại những trang sử những câu chuyện của quá khứ đầy khổ đau và đáng tự hào của cha ông”, ca sỹ Ánh Tuyết nói.

Mời độc giả nghe lại giai điệu hào hùng của bài Quốc ca:
 

 
Nguyễn Hằng