Đề xuất sửa lời Quốc ca

(Dân trí) – “Quốc ca có giai điệu hào hùng, rất đi vào lòng người nhưng ca từ có nội dung như “đường vinh quang xây xác quân thù” nên thay đổi cho phù hợp thời kỳ phát triển mới” – đại biểu Quốc hội nêu ý kiến trong phiên thảo luận sửa Hiến pháp sáng 4/6.

Bên cạnh rất nhiều ý kiến về việc đổi tên nước, phiên thảo luận sáng nay ghi nhận ý kiến của đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) đề xuất thay đổi lời của Quốc ca.

Ông Thành đặt vấn đề, Điều 13 trong bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi trình ra Quốc hội có nội dung quy định về Quốc kỳ, Quốc ca. Trong đó, Quốc ca được xác định có nhạc và lời là bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao.
 
Đề xuất sửa lời Quốc ca
Đại biểu Huỳnh Thành: "Nên thay lời mới của Quốc ca cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước".

“Tôi thấy Quốc ca hiện nay có giai điệu hào hùng rất phù hợp và đi vào lòng người, nhưng nên thay lời mới cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước. Ví dụ, nên sửa những câu chữ như "Đường vinh quang xây xác quân thù" bằng nội dung khác” – ông Thành phát biểu.

Theo đó, đại biểu đề xuất chỉnh lại khoản 3, Điều 13 thành “Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dựa trên nền nhạc bài Tiến quân ca của nhạc sỹ Văn Cao”.

Vấn đề Quốc hiệu, Quốc kỳ, Quốc ca trước đã từng được nhiều người dân đề cập, đăng tải trên trang web duthaoonline.quochoi.vn của UB Thường vụ Quốc hội. Các ý kiến đa phần đều theo hướng phân tích nội dung ca từ trong bài “Tiến quân ca” của nhạc sỹ Văn Cao thể hiện hào khí cách mạng nhưng không còn phù hợp trong giai đoạn hòa bình, phát triển của đất nước hiện nay.

Trong bản tổng hợp ý kiến góp ý sửa Hiến pháp, UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng đề cập những nội dung đề cập này. Bản dự thảo được chỉnh lý sau thời gian 3 tháng lấy ý kiến đã đưa ra 2 phương án về tên nước (một phương án giữ nguyên quy định hiện tại, một phương án quy định lấy lại Quốc hiệu Việt Nam dân chủ cộng hòa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt năm 1945). Tuy nhiên, phương án đổi tên nước đã được rút bỏ trong bản dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến kỳ này.

UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng cho biết có ý kiến trong nhân dân đề nghị thay đổi các chi tiết, màu sắc trong Quốc kỳ, Quốc huy và phần lời của bài Quốc ca. Tuy nhiên, nội dung này không được cân nhắc đưa vào bản dự thảo chỉnh lý khi đó. UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp kiến giải, việc sử dụng các biểu trưng này đã có quá trình lịch sử tương đối lâu dài, đã được quy định và sử dụng ổn định từ Hiến pháp năm 1980 đến nay. Do vậy, cơ quan soạn thảo đề nghị kế thừa, giữ nguyên các quy định này của Hiến pháp hiện hành.

P.Thảo