"Em và Trịnh": Sự sáng tạo hay xuyên tạc, xúc phạm nhân vật có thật?
(Dân trí) - "Ranh giới nào giữa sự sáng tạo và hư cấu mang tính xuyên tạc, xúc phạm" là câu hỏi được đặt ra với nhiều nhà làm phim sau ồn ào, tranh cãi xung quanh phim "Em và Trịnh" những ngày qua.
Kể từ khi vừa được công bố đến nay, phim điện ảnh "Em và Trịnh" đã nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Bởi đây là bộ phim đầu tiên dũng cảm kể một câu chuyện về cuộc đời nhạc sĩ tài hoa đã đi vào huyền thoại - Trịnh Công Sơn.
Thế nhưng, với các nhân vật có thật, đặc biệt là các nhân vật còn sống, việc hư cấu, sáng tạo những lát cắt trong cuộc đời của họ là điều không dễ dàng...
Hư cấu và sự thật: Ranh giới mong manh?
Những ngày qua, phim điện ảnh "Em và Trịnh" đã vướng phải ồn ào, tranh cãi liên quan đến hình tượng nhân vật và một số tình tiết được cho là "hư cấu quá đà".
Không ít khán giả cho rằng phim đã "phá hỏng" hình tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Bên cạnh đó, Khánh Ly và Thanh Thúy cũng lên tiếng phản đối về những tình tiết liên quan tới họ.
Danh ca Khánh Ly cảm thấy không vui khi biết được trong phim có những cảnh "Khánh Ly đút sữa chua cho ông Trịnh ăn, chủ động đi tìm vị nhạc sĩ, ôm ông khi ông buồn". Khánh Ly khẳng định giữa bà và Trịnh Công Sơn không có tình yêu. Bà cho rằng "Em và Trịnh" đã phản ánh không chân thực mối quan hệ giữa bà và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời.
Trong khi đó, danh ca Thanh Thúy cũng cảm thấy lạ lẫm với tạo hình nhân vật của bà trên phim. Thanh Thúy phủ nhận bà mặc sườn xám và cùng Trịnh Công Sơn đi về trong ngõ tối.
Những phản hồi xung quanh một phim tiểu sử luôn rất phức tạp. Xây dựng hình tượng nhân vật sao cho vừa đúng, vừa đẹp, vừa hấp dẫn là thử thách nhất đối với dòng phim tiểu sử.
Khoản 4, điều 11 Luật điện ảnh năm 2006 quy định cấm hành vi vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trong hoạt động điện ảnh. Nhưng quy định này không đồng nghĩa với việc nghiêm cấm những tình tiết mang tính hư cấu.
Mặt khác, những nhân vật bị hư cấu có thể có những tổn thương về mặt hình ảnh, tình cảm, gặp phải những vấn đề cá nhân do phim gây ra mà không được quy định trong luật.
Rõ ràng, đây chính là ranh giới rất mong manh mà các nhà làm phim không chỉ ở Việt Nam mà cả ở trên thế giới phải cân nhắc rất kỹ trước khi đưa cuộc đời của những nhân vật có thật lên màn ảnh.
Điện ảnh thế giới đã có những trường hợp gây tranh cãi trước vấn đề này.
Phim tiểu sử về huyền thoại nhạc rock Freddie Mercury Bohemian Rhapsody dù được đề cử hàng loạt giải thưởng điện ảnh vẫn bị công chúng phản ứng gay gắt. Lý do nhiều khán giả giận dữ với phim tiểu sử "Bohemian Rhapsody" chính là sự xuyên tạc lịch sử đầy trắng trợn, cũng như lạm dụng chủ đề đồng tính để vẽ nên bức tranh bi kịch của huyền thoại âm nhạc.
Bộ phim làm về cuộc đời nhà thiết kế thời trang lẫy lừng Halston của Netflix cũng hứng chỉ trích vì lý do tương tự.
Cũng phải nói thêm rằng, tại Hollywood, dòng phim này rất phát triển, các nhà làm phim được trao quyền hư cấu và khán giả, giới truyền thông chấp nhận điều đó. Nhân vật có thể phản đối mạnh mẽ như trường hợp Mark Zuckerberg và The Social Network, nhưng phim vẫn được giới phê bình công nhận về giá trị nghệ thuật và đoạt giải lớn ở những giải thưởng danh giá.
Còn ở Việt Nam, khi dòng phim tiểu sử - dựa trên nhân vật thật còn quá ít, những chi tiết hư cấu thường vấp phải sự phản đối từ nhân vật lẫn khán giả.
Rất khó để đo lường?
Trở lại với phim "Em và Trịnh", trước những ý kiến trái chiều, ông Lương Công Hiếu - đại diện nhà sản xuất - đã chính thức lên tiếng khẳng định "Em và Trịnh" là bộ phim lãng mạn, không phải phim tài liệu hay phim tiểu sử.
Ông Hiếu cho biết: "Ngay từ đầu, chúng tôi đã khẳng định, ghi rõ phim "lấy cảm hứng từ nhân vật có thật". Phim lấy cảm hứng và kể câu chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh, không sao chép nguyên sự thật ngoài đời vào trong phim".
Rõ ràng, quyền của nhà làm phim và quyền của nhân vật tồn tại song song.
Vậy câu hỏi đặt ra: "Ranh giới nào cho sự hư cấu sáng tạo và hư cấu mang tính xuyên tạc, xúc phạm trong một tác phẩm điện ảnh?".
Trước câu hỏi này của PV Dân trí, nhà văn, nhà biên kịch, tiến sĩ - Thượng tá Đào Trung Hiếu bày tỏ quan điểm: "Theo tôi, việc sản xuất các tác phẩm điện ảnh về những nhân vật có thật, điều đầu tiên và yêu cầu số một là cần trung thành với nguyên mẫu. Nếu không, sẽ vô tình vẽ ra một nhân vật khác. Tất nhiên, nghệ thuật cần sáng tạo, nhưng sáng tạo trong một giới hạn nhất định.
Nếu như thêm thắt, đẩy và hư cấu những tình huống xa rời thực tế và không đúng, không theo logic sự việc, logic tâm lý và bản chất nhân vật được phản ánh, tôi cho rằng nó sẽ vượt qua giới hạn cho phép của sự sáng tạo. Đó là "hư cấu quá đà" dẫn đến việc làm méo mó nhân vật, thậm chí gây tổn thương cho nhân vật và những người liên quan.
Rõ ràng anh đang lấy tên nhân vật trong phim là Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thì mặc nhiên người xem sẽ coi đó là câu chuyện có thật, là phim tiểu sử. Nếu như nói về một ca sĩ Khánh Ly nào đó, nhạc sĩ Trịnh nào đó thì không ai đặt vấn đề, không ai thắc mắc cả...
Đó là theo quan điểm của tôi, nếu như làm bộ phim cảm tác về nhân vật có thật như vậy, tôi sẽ đặt tên khác".
Đồng quan điểm, đạo diễn phim điện ảnh "Cuộc đời của Yến" Đinh Tuấn Vũ chia sẻ: "Với tôi, khi đã làm phim về một nhân vật có thật thì sự tôn trọng họ và gia đình của họ phải được đặt lên hàng đầu. Bộ phim được làm ra có thể có nhiều tình tiết hư cấu, nhưng nó chắc chắn không được làm tổn thương hay tổn hại, sai lệch đến nhân vật được phản ánh. Tôi nghĩ tôn chỉ này sẽ giúp nhà làm phim vượt qua được mọi áp lực".
Trước câu hỏi của PV Dân trí: "Làm phim điện ảnh về một nhân vật, làm sao để dung hòa được yếu tố hư cấu và chi tiết thật. Tạo được tính hấp dẫn nhưng không biến tác phẩm trở thành phim tư liệu đơn thuần?"
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho biết: "Đó là một quá trình rất dài. Về cơ bản, nó cũng không quá khác biệt so với việc xây dựng một kịch bản phim về những nhân vật được hư cấu hoàn toàn. Bởi xét cho cùng, khi chúng ta đã có một cơ sở vững chắc về nhân vật mình muốn kể, những gì ta hư cấu sẽ không đi chệch khỏi bản sắc của nhân vật đó. Và như vậy, một cách rất tự nhiên, yếu tố hư cấu và các chi tiết thật sẽ dung hòa với nhau dễ dàng".
Cùng vấn đề nêu trên, nhà văn, nhà biên kịch, Tiến sĩ - Thượng tá Đào Trung Hiếu chia sẻ: "Đây là vấn đề rất khó. Nó còn tùy thuộc vào góc nhìn, việc lựa chọn và đánh giá sự kiện, câu chuyện của đạo diễn, biên kịch. Điều rất quan trọng nữa là nhân vật ngoài đời thật và nhân vật phản ánh trong phim điện ảnh đó phải có sự phù hợp với nhau về tâm lý. Với một nguyên mẫu có đặc điểm, hành vi và khí chất thế này lại mô tả hình tượng trong phim với tính chất khác hẳn thì câu chuyện rất khó chấp nhận. Sự sáng tạo cũng rất khó chấp nhận. Sáng tạo với biên độ quá lớn hay thay đổi hẳn cũng dễ dẫn đến hiểu lầm và đó cũng là thất bại của người làm phim."
Ở góc nhìn khác, Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bày tỏ: "Chúng ta thấy sự sáng tạo là rất vô chừng cho tác giả nhằm phục vụ ý tưởng, tư tưởng, góc nhìn, cách giọng kể của tác phẩm. Nên thường bạn xem các loại phim này các phim thường hay ghi ở đầu hay cuối phim với nội dung kiểu như: "Bộ phim dựa trên…., bộ phim có những chi tiết hư cấu…"
Nên theo tôi, thú vị là chúng ta vừa được thưởng thức của sự sáng tạo và cả tham khảo những tài liệu, những đính chính, những phản biện. Và mỗi chúng ta tự sẽ có suy nghĩ cho riêng mình".