‘Em bé Hà Nội’ Lan Hương bây giờ ra sao?
Đã hơn 40 năm bộ phim “Em bé Hà Nội” ra đời và NSND Lan Hương đã ngoài 50 tuổi nhưng khán giả vẫn yêu mến gọi chị là “em bé Hà Nội”.
Khi được đạo diễn- NSND Hải Ninh chọn vào vai diễn Ngọc Hà trong bộ phim “Em bé Hà Nội”, lúc ấy Lan Hương mới 10 tuổi, bản thân chị không bao giờ có thể tưởng tượng được, cho đến tận bây giờ khi đã trở thành bà ngoại, chị vẫn được khán giả yêu mến gọi tên là “Em bé Hà Nội”.
Bộ phim “Em bé Hà Nội” bấm máy mùa hè năm 1973, nửa năm sau trận Điện Biên Phủ trên không, nửa năm sau khi B52 của Mỹ oanh tạc phố phường Hà Nội. Phim xoay quanh câu chuyện của em bé Ngọc Hà, sau một trận ném bom ác liệt mùa đông năm 1972, Ngọc Hà thất lạc gia đình, cô bé đi tìm bố mẹ, em gái giữa khung cảnh đổ nát, hoang tàn của Hà Nội.
Câu chuyện đã khiến hàng triệu trái tim khán giả nghẹn ngào trong suốt hơn 40 năm qua. Em bé Hà Nội được đánh giá là bộ phim tái hiện thành công nhất, xúc động nhất hình ảnh thủ đô Hà Nội sau cuộc chiến 12 ngày đêm lịch sử.
NSND Lan Hương cho biết khi vào vai Ngọc Hà trong “Em bé Hà Nội”, chị đã diễn bằng tất cả sự sợ hãi vốn có. “Tháng 12/1972, khi Mỹ đưa B52 ném bom Hà Nội, khi ấy tôi 9 tuổi sống cùng ông bà ngoại ở phố Hoàng Hoa Thám. Tôi không biết ký ức về những ngày ấy trong trí nhớ của những đứa trẻ 9 tuổi khác như thế nào, nhưng trong ký ức của tôi đó là nỗi sợ hãi kinh hoàng.
Tôi còn nhớ đêm đầu tiên Mỹ ném bom, rất bất ngờ, cả nhà tôi chỉ kịp nhìn thấy mưa bom, chớp giật ầm ầm, sau đó là tiếng la hét, tiếng khóc, tiếng gào vang lên từ khắp các phố. Gia đình tôi cuống cuồng lao ra hầm trú ẩn cá nhân. Sáng sớm hôm sau, gia đình tôi sơ tán về Bình Đà, Hà Đông. Thành phố hoang tàn, đổ nát. Khắp nơi là tiếng khóc than. Là nỗi kinh hoàng”.
NSND Lan Hương vẫn còn nhớ rất rõ, “Gia đình bà ngoại tôi có 9 người con, chết mất 7 người, chỉ còn lại mẹ tôi và một người bác ruột”.
Đến bây giờ, hơn 40 năm đã trôi qua, nhìn lại vai diễn của mình, NSND Lan Hương chiêm nghiệm: “Có những điều đạo diễn nói, tôi nắm bắt ngay được, và diễn ngay được. Nhưng cũng có những chi tiết, mình chỉ diễn thế thôi, chứ không hiểu hết được ý nghĩa của nó. Và có những cảnh, đã vận vào đời tôi sau này. Ví dụ như cảnh, em bé Ngọc Hà đứng trước cửa hàng thực phẩm và nói với cô cửa hàng, “cô đừng gạch tên mẹ cháu, em cháu”.
Nhiều người khen cảnh ấy tôi diễn tốt. Nhưng thực sự, tôi chỉ diễn theo lời bác Hải Ninh thôi, tôi chẳng hiểu gì. Tôi còn quá nhỏ để hiểu hết. Tôi không ngờ, câu chuyện ấy đã vận vào cuộc đời tôi sau này…
… Khi con gái tôi 5 tuổi, vợ chồng tôi ly thân (cuộc hôn nhân đầu tiên-PV), con gái ra nước ngoài sống với bố, vì cuộc sống của tôi khi ấy quá nghèo khổ, vất vả. Thời gian đó, chuyện hộ khẩu quản lý rất chặt. Tôi đã phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều để tên con gái tôi vẫn có trong hộ khẩu gia đình đến tận bây giờ.
Chỉ là cái tên trong cuốn sổ hộ khẩu, nhưng tôi có cảm giác, khi tên con gái còn ở đó, nghĩa là cháu chỉ đi công tác xa đâu đó thôi, và cháu sắp về. Lúc ấy ngồi xem lại Em bé Hà Nội- tôi mới thấm thía cảnh Ngọc Hà khóc và nói với cô cửa hàng thực phẩm, “cô đừng gạch tên mẹ cháu, em cháu”. Gạch tên có nghĩa mẹ đã chết, em đã chết. Còn tên ở đó nghĩa là mẹ và em chỉ đi đâu đó, lạc đâu đó thôi, và sẽ sớm trở về”- NSND Lan Hương xúc động kể.
Hiện tại NSND Lan Hương đang chung sống cùng người chồng thứ hai là đạo diễn Tất Bình. Hai người không có con chung, đó cũng là điều khiến chị hối tiếc nhất trong hơn 20 năm chung sống cùng người đàn ông này.
Ở tuổi ngoài 50, Lan Hương giờ không bon chen nữa, chị ít xuất hiện trên phim, không đóng kịch. Hàng ngày, 5h sáng chị thức dậy và lên điện thờ để tụng kinh niệm Phật. Lan Hương quan niệm, thờ cúng ở tâm mình nên chị tự thờ cúng ở nhà theo cách của mình.
Ít ai biết rằng, Lan Hương sau ánh đèn sân khấu còn là người yêu thích hội họa. Thời gian rảnh rỗi, chị thường lên căn phòng nhỏ trên tầng 4 để ngồi vẽ tranh. Cảm giác đắm chìm trong giá vẽ hàng giờ và có khi là hết đêm với chị thật thanh bình.
Tranh của chị vẽ toàn là những người phụ nữ khỏa thân ở mọi tư thế. Bản thân Lan Hương cũng không biết tại sao mình lại có sở thích như vậy, chỉ biết rằng, chị luôn nhìn thấy ở phụ nữ một cái đẹp lạ thường.
Đã lên chức bà ngoại đã 6 năm nay. Ở tuổi này, Lan Hương chẳng còn mong muốn gì nhiều, chị chỉ mong con người đến với nhau bằng lòng tốt và hãy biết tha thứ cho những lỗi lầm. Đó cũng là cách sống của chị.
Theo Đỗ Quyên
Tiền Phong