Dương Soái và “Gửi em ở cuối sông Hồng”...
Dương Soái vừa tự hào lại vừa chạnh lòng với cái việc lúc nào người ta cũng chỉ biết tới anh như là tác giả có duy nhất một bài thơ hay Gửi em ở cuối sông Hồng.
Thật ra thì Dương Soái - hiện là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Yên Bái - vốn là công nhân địa chất, 11 năm mưa đi tìm quặng ở Hoàng Liên Sơn (cũ). 11 năm ấy, anh “cũng kiếm được khoảng 30 bài thơ”.
Sau 11 năm trò chuyện với từng vỉa tầng quả đất vừa già nua vừa tươi mới, Dương Soái làm phóng viên chiến trường trên mặt trận biên giới Lào Cai, hồi tháng 2/1979. Anh đi gần như trọn vẹn cuộc chiến tranh biên giới vùng Lào Cai, tận mắt nhìn thấy sự khốc liệt của chiến tranh. Bài thơ Gửi em ở cuối sông Hồng đã bật ra từ hoàn cảnh đó.
Giữa hai trận đánh, anh ngồi trong căn nhà lá ở Phố Lu (là nhà khách của huyện) và làm… thơ. Anh viết trong tâm trạng của một người mong manh sinh tử ngoài mặt trận, muốn gửi tình yêu thương tha thiết ấy về với người hậu phương.
Trong tâm trạng của một người yêu gửi một người yêu (thực tế, lúc bấy giờ, người vợ trẻ và gia đình Dương Soái cũng đang ở Duy Tiên, Hà Nam - cuối sông Hồng). Anh viết, khi anh nhớ tới những lá thư viết vội, viết dở, hoặc không kịp viết gì của những người lính trẻ ngoài mặt trận bỏng rát kia.
Dương Soái trăn trở nhiều với thơ. Cho nên, cái buổi sáng nghe cô bạn bên trường Sư phạm nói: “Bài thơ Gửi em ở cuối sông Hồng của anh được nhạc sỹ Thuận Yến phổ nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam vừa phát hay lắm”, Dương Soái rất phấn chấn. Đó là vào năm 1980.
Từ đó, tên Dương Soái đã thêm một lần đóng đinh với Gửi em ở cuối sông Hồng, nhất là trong cái góc làng văn nghệ vốn vẫn lặng lặng với mây núi Hoàng Liên Sơn, nơi anh sống và công tác. Độ ấy, liên tục thính giả yêu cầu nhà đài phát lại bài Gửi em ở cuối sông Hồng.
Không ngờ khoảng một năm sau, anh Sum - Người Mường, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Thác Bà (Yên Bái) gọi điện mời Dương Soái tới nhà uống rượu. Dương Soái đến, mới ngã ngửa ra, khách là vợ chồng nhạc sỹ Thuận Yến.
Vừa lên nghỉ mát ở hồ Thác Bà, nhạc sỹ Thuận Yến nóng lòng hỏi ngay địa chỉ thi sĩ Dương Soái để cảm ơn và nói lời tri kỷ. Lần đầu tiên hai tác giả Gửi em ở cuối sông Hồng gặp nhau và uống rượu. Nhạc sỹ trân trọng và chu đáo vô cùng với tác giả bài thơ Gửi em ở cuối sông Hồng.
Bây giờ ngồi bàn lại câu chuyện Gửi em ở cuối sông Hồng, Dương Soái thầm cảm ơn nhạc sỹ Thuận Yến, người đã nhuận sắc cho bài thơ được đi vào lòng người yêu thơ, yêu nhạc.
Rằng, thơ Dương Soái viết “Anh ở Lào Cai, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, đấy là cái tình rất cụ thể của người chiến sỹ ở mặt trận Lào Cai bỏng lửa năm 1979, nhưng khi ông Thuận Yến phổ nhạc: “Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, tự dưng bài thơ phổ quát hơn, thơ bay rộng hơn trên khắp dải biên cương từ địa đầu Lũng Cú tới cực mũi Cà Mau.
Hình như có những nhiều “hạt sạn” vui vui, và tính cục bộ trong một cuộc chiến ở một vùng phên giậu trong bài thơ đã được Thuận Yến “sửa sang” rất kỹ.
Đến những đoạn như sau trong bài hát thì hoàn toàn không phải là của Dương Soái: “Em ở phương xa/ nơi con sông Hồng chảy về với biển/ ở trên anh đầu nguồn biên giới/ Cuối dòng sông nơi ấy em chờ./ Em ở phương xa/ cách mười sông ba núi bốn đèo”.
Nhưng, cũng có những câu thơ hay nguyên bản của Dương Soái mà những người chỉ nghe nhạc thôi sẽ chưa có dịp được thưởng thức, khi người lính từ trên chốt chiến đấu xuống mặt nước nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, chàng ước ao: “Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng…/ Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy/ Em ra sông chắc là em sẽ thấy/ Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông”.
Những câu thơ ấy đẹp và da diết đến day dứt lòng.
Theo Đỗ Doãn Hoàng