Đừng thấy “đứng đầu thế giới”, đã vội mừng

Tuần qua, một thông tin làm nức lòng người Việt: Thành nhà Hồ của Việt Nam xếp ở vị trí đầu tiên trong danh sách 21 di sản UNESCO lớn nhất hành tinh, trên trang CNN của Mỹ.

Không vui sao được khi một di sản của Việt Nam đứng đầu thế giới, xếp trên cả đảo Phục Sinh (Chile), vườn quốc gia Yellowstone (Mỹ), Bagan (Myanmar), Angkor (Campuchia), thành Acropolis (Hy Lạp), Petra (Jordan) - những địa danh mà mọi dân du lịch đều mơ ước được một lần đặt chân đến.

Vui đấy nhưng cũng băn khoăn, không hiểu vì sao ngôi thành đá cổ xứ Thanh lại “vượt mặt” cả Angkor, Petra... Thực tế, năm 2011, Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản thế giới cũng đã gây bất ngờ với người nước ngoài vì nơi này “hầu như không được biết đến, nằm ở một vùng trũng xa xôi ở tỉnh Thanh Hóa, cách Hà Nội khoảng 150km về phía nam”.

Theo CNN, danh hiệu được trao cho thành nhà Hồ là kỳ lạ vì: Thứ nhất, nhà Hồ chỉ tồn tại vỏn vẹn 7 năm (1400-1407). Thứ hai, Thành nhà Hồ hoàn toàn trống rỗng, không có đền đài, miếu mạo, chỉ có 4 bức tường bao quanh một khu đất ruộng người dân đang trồng cấy. Tuy nhiên, theo UNESCO, tòa thành 600 năm tuổi có kiến trúc bằng đá duy nhất còn tồn tại ở Đông Nam Á này đại diện cho phong cách kiến trúc kiểu mới của một kinh thành Đông Nam Á.

Chẳng riêng người nước ngoài bất ngờ, “hầu như không biết đến” ngôi thành cổ này, mà ngay cả người Việt cũng thế. Với dân du lịch, những đảo Phục Sinh, Yellowstone hay Petra… - không dám chắc, nhưng nhiều người đã đi Angkor, Bagan…, mà lại chưa từng đến Thành nhà Hồ. Dân du lịch đã thế, còn người thường thì chắc chỉ biết Thanh Hóa có Sầm Sơn.

Trong số hơn 3,3 triệu lượt khách đến Thanh Hóa trong nửa đầu năm 2015, có 2,5 triệu là đến Sầm Sơn tắm biển. Khách quốc tế chưa đến 60.000 lượt. Doanh thu từ du lịch ước đạt 3.361,5 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ khách quốc tế đạt 37,9 triệu USD. Thành nhà Hồ - một trong những di tích trọng điểm, được tỉnh đầu tư tu bổ, tôn tạo, không biết chiếm bao nhiêu trong con số hơn 3.300 tỉ ấy, với mức vé vào cửa giá… 10.000 đồng.

Nhìn sang nơi gần nhất, xếp tận thứ 7 trong danh sách, là Angkor của Campuchia. Năm 2013, có 3 triệu lượt khách thăm quan, doanh thu hơn 1 tỉ USD, ước tính năm 2015 sẽ là 7 triệu lượt.

Chỉ vài con số đã cho thấy “lớn nhất hành tinh”, xếp nhất hay bét trong một cái danh sách cũng không để làm gì. Có những người chép miệng, rằng đã quá quen với các kiểu xếp hạng “Hà Nội dẫn đầu top 10 điểm đến mùa thu”, “Sài Gòn lọt danh sách 10 địa danh hút khách nhất thế giới”… của đủ các loại trang web, tạp chí du lịch. Lúc nào cũng nhất thế giới, top hàng đầu châu lục, nhưng du lịch Việt Nam vẫn chỉ ở dạng “tiềm ẩn”. Vì thế, thêm một cái đứng đầu nữa, cũng chẳng nên vội mừng.

Theo Lưu Ly
Lao Động

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm