1. Dòng sự kiện:
  2. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Đừng mơ biến trường quay thành mỏ vàng

Trường quay phục vụ việc làm phim chưa xong làm sao có thể hái ra tiền từ du lịch như nước ngoài mà mơ.

Bối cảnh dựng cho phim

Bối cảnh dựng cho phim Thái sư Trần Thủ Độ Huyền sử Thiên Đô tại Cổ Loa.

Từ câu chuyện con ngựa

Giới làm phim còn truyền tai nhau một câu chuyện khá hài hước liên quan đến dự án phim Thái sư Trần Thủ Độ. Số là đạo diễn Tất Bình khi đó đã sang Trung Quốc mua 5 con ngựa với giá cả trăm triệu mỗi con về phục vụ cho một số cảnh quay trong nước. Tuy nhiên quay xong thì ông chẳng biết làm gì với mấy con ngựa này, đành nhờ một người dân ở Đông Anh nuôi hộ vì không biết gửi ở đâu.

Trong khi trường quay Cổ Loa hiện mới chỉ được số ít các đoàn phim thuê làm bối cảnh ngoại hoặc quay gameshow trong trường quay nội thì chuyện tranh thủ mở tour du lịch, cho thuê quần áo vua chúa, chụp ảnh và tổ chức đám cưới là việc làm cực chẳng đã.

Với chừng 7-10 triệu đồng phí thuê trường quay mỗi ngày trong khi lại phải tổ chức đoàn phim sang tận Cổ Loa khiến nhiều đoàn e ngại. Trường quay nội thì có thể tranh thủ nhiều nơi, còn thuê trường quay mà không có các bối cảnh ngoại có sẵn thì ít ai dám gật đầu.

Trong khi trường quay ngoại cảnh ở Cổ Loa hiện chỉ đơn thuần là bãi đất trống, không hề có các bối cảnh kiên cố phục vụ cho các đoàn phim, chủ yếu là phim lịch sử thì các trường quay ở nước ngoài, mà cụ thể là Hoành Điếm Trung Quốc lại đáp ứng được hầu hết yêu cầu của các đoàn làm phim.

Nhà sản xuất Nguyễn Hữu Trọng đã có một thời gian dài ở Hoành Điếm để chuẩn bị cho dự án phim Thái sư Trần Thủ Độ. Anh cho biết rất kinh ngạc vì cách làm việc chuyên nghiệp cũng như khả năng kinh doanh của họ. Nếu như ở Việt Nam, cần huy động vài trăm người cho một cảnh quay trong khoảng thời gian ngắn là chuyện không dễ thì tại đây việc huy động cả ngàn diễn viên quần chúng trong thời gian trong chưa đầy 1 ngày rất đơn giản.

Ở Hoành Điếm người ta có thể tìm được bất cứ bối cảnh nào, thuộc giai đoạn lịch sử nào. Đạo cụ, phục trang luôn sẵn sàng và đáp ứng mọi yêu cầu của các đoàn làm phim. Chính vì thế rất nhiều đoàn làm phim của VN đã sang đây thuê bối cảnh cũng như đạo cụ để quay vì "cần cái gì là có".

Từ bối cảnh, đạo cụ, phục trang, diễn viên quần chúng đến các dịch vụ ăn uống được phục vụ từ A đến Z và quay vòng hết dự án phim này đến dự án phim khác nên Hoành Điếm được ví như cỗ máy in tiền cho những người dân ở đây.

Phim trường

Phim trường Nàng Dae Jjang Geum rất hút khách du lịch

Ngoài phục vụ việc sản xuất phim, trường quay còn là điểm khai thác du lịch vô cùng hiệu quả. Rất nhiều phim trường được dựng lên cho các bộ phim lớn như Hồng Lâu Mộng, Tam Quốc Diễn Nghĩa (Trung Quốc) hay Nàng Dae Jjang Geum (Hàn Quốc)... sau này đều trở thành những điểm du lịch rất được yêu thích. Toàn bộ các bối cảnh, phục trang, đạo cụ từng xuất hiện trên phim được giữ lại, bảo quản và trưng bày như một triển lãm sống động để thu hút khách thăm quan.

Tại phim trường Tam quốc diễn nghĩa ở thành phố Vô Tích, ngoài việc cho thuê làm các bối cảnh phim, các dịch vụ ăn theo như cho thuê quần áo, chụp ảnh, cưỡi ngựa, diễn kịch... rất đắt khách. Trường quay phim Hồng Lâu Mộng cũng là điểm du lịch nổi tiếng ở Bắc Kinh với giá vé vào cửa và các dịch vụ ăn theo khá đắt.

Trường quay của bộ phim truyền hình Nàng Dae Jjang Geum nổi tiếng của Hàn Quốc cũng trở thành điểm du lịch khó bỏ qua khi đến Seoul sau khi bộ phim này làm mưa làm gió trên màn ảnh châu Á năm 2003. Đến đây người xem được thấy tận mắt những bối cảnh, trang phục, vật dụng... từng xuất hiện trên phim.

Phim xong thì bối cảnh cũng nát
Một bối cảnh phim

Một bối cảnh phim Thái sư Trần Thủ Độ gần 2 năm sau khi quay.

Quay trở lại Việt Nam, đặc biệt là các phim lịch sử, bối cảnh chỉ là dựng tạm nên phim xong thì bối cảnh cũng nát. Dự án phim sau lại phải thực hiện lại từ đầu, từ bối cảnh đến trang phục nên vô cùng tốn kém. Đây cũng là lý do có đoàn làm phim đã sang Trung Quốc quay từ đầu đến cuối để khỏi phải dựng bối cảnh.

Trong khi đó, nếu thực hiện các bối cảnh kiên cố thì vừa có thể tận dụng cho nhiều phim, vừa có thể làm du lịch. Trang phục, đạo cụ của mỗi phim nếu có chỗ bảo quản và trưng bày thì sẽ hái ra tiền. Tuy nhiên, muốn làm được như vậy thì số tiền đầu tư cho một trường quay "tử tế" đúng nghĩa không hề nhỏ.

Theo một vị nguyên là lãnh đạo trường quay Cổ Loa, người đã từng đi khảo sát rất nhiều trường quay lớn trên thế giới thì chi phí cho trường quay phim Nàng Dae Jjang Geum cũng ngót nghét 100 triệu USD, Hoành Điếm cũng phải cỡ nửa tỉ USD. Ông này nhận định nếu muốn có một trường quay quốc gia đúng nghĩa thì Cổ Loa cần phải đầu tư 300 triệu USD (chừng hơn 6000 tỉ đồng) và trường quay ngoại cần phải mở rộng gấp 3 con số 15ha như hiện nay.

Bức tường thành được dựng lên tại Cổ Loa để phục vụ phim

Bức tường thành được dựng lên tại Cổ Loa để phục vụ phim Thái sư Trần Thủ Độ.

Tham vọng là một chuyện nhưng vấn đề đặt ra là lấy đây ra số tiền đầu tư lớn như vậy và vấn đề con người sẽ được tính toán thế nào để quy hoạch và quản lý 1 trường quay lớn như vậy cho hiệu quả và... ra tiền.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho rằng cần phải xây trường quay liên hợp, kết hợp trường quay nội và ngoại với nhiều bối cảnh dùng cho nhiều góc máy khác nhau. Còn hiện trường quay của ta đầu tư không hiệu quả, quy mô quá nhỏ lại không liên kết với nhau. Điều này cũng lý giải vì sao có không ít dự án phim lớn đã tổ chức cho cả đoàn phim sang quay tại trường quay Hoành Điếm Trung Quốc với chi phí cao ngất chỉ vì điều kiện trong nước không đáp ứng được yêu cầu bối cảnh ngoại của họ.

Theo Hạnh Phương
Vietnamnet