Đừng mang gánh nặng đè lên cầu Long Biên thêm nữa!

"Bảo tồn cầu Long Biên là tất yếu nhưng bảo tồn theo kiểu ôm đồm thêm vào không gian xung quanh cầu nào là làng nghề, bảo tàng, vườn treo... Đừng mang thêm gánh nặng cho di sản này nữa", TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm nói.

Ngày 10/12, tại Hà Nội, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam tổ chức tọa đàm Cầu Long Biên - Giải pháp nào để gắn bảo tồn với phát triển. Không còn bàn cãi nhiều việc bỏ hay không bỏ cầu Long Biên mà các đại biểu đều nhất trí cho rằng bảo tồn cầu Long Biên là tất yếu. Tuy nhiên, bảo tồn như thế nào lại là một câu chuyện cần phải được bàn tính kỹ lưỡng để đạt hiệu quả về mặt kinh tế và văn hóa.

Tranh cãi việc biến cầu Long Biên thành bảo tàng

Cầu Long Biên. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Cầu Long Biên. Ảnh: Nguyễn Hoàng

KTS Nguyễn Nga đề xuất các phương án bảo tồn và phát triển cầu Long Biên như: Biến cầu Long Biên thành phố đi bộ, khai thác 131 vòm cầu trở thành trung tâm làng nghề của Việt Nam, biến một phần của cầu Long Biên thành bảo tàng sống, tu sửa tháp nước ở Hàng Đậu thành bảo tàng để trưng bày cổ vật của Việt Nam... Những phương án mà bà Nga đưa ra được cho là tâm huyết của một Việt Kiều Pháp xa quê nhiều năm nhưng ý tưởng lại quá 'lãng mạn'.

Ông Tô Anh Tuấn, Nguyên giám đốc Sở Quy hoạch Hà Nội cho rằng nhiều ý tưởng trong đề án nếu thực hiện được là điều đáng quý, đóng góp thêm công trình văn hóa, nghệ thuật độc đáo cho Hà Nội. Nhưng nội dung trong đề án chưa hẳn đã thật hợp lý. " Nếu không mất gì mà có được tất cả những thứ như KTS Nguyễn Nga nói thì có dễ chấp nhận", ông Tuấn đặt câu hỏi.

Cần phải nêu câu hỏi: Nếu thực hiện ý tưởng này thì ảnh hưởng gì tới những mặt khác? Có hay không giá trị đánh đổi? đánh đổi lợi ích tới mức nào? hại tới mức nào ? Bởi đến thời điểm này và trong những quy hoạch vẫn đang đặt ra thì cầu Long Biên vẫn là một công trình giao thông có giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử. Nếu thực hiện được như dự án thì chức năng giao thông khó có thể thực hiện được", ông Tuấn băn khoăn.

Ông Tuấn cho rằng giả sử bên trên là đường sắt, bên dưới là những ý tưởng cho không gian văn hóa thì có dung hòa được không? Hà Nội cũng có những bảo tàng xây dựng quy mô nhưng giá trị phục vụ cộng đồng, tác động của nó với xã hội còn hạn chế. Ý tưởng Bảo tàng trên cầu Long Biên cũng cần cân nhắc khi tồn tại lâu dài, làm sao để lúc nào nó cũng hấp dẫn.

Đồng quan điểm, GS Phạm Đình Việt - trường ĐH Xây dựng cho rằng cầu Long Biên phải giữ, nó phải là một di sản. Là cầu kết hợp đường bộ, đường sắt đầu tiên ở Đông Dương, hình ảnh cầu Long Biên in dấu trong tâm trí người Hà Nội. Phải bảo tồn làm sao được nguyên gốc của nó cho mai sau. Giá trị nguyên gốc của cây cầu là giao thông, nên chuyển thành cầu nối giữa hai cây cầu là cần thiết. Với số lượng cầu nối giữa hai bờ sông Hồng chưa thể đủ, cần nhiều cầu nữa. Tuy nhiên, ông Việt cho rằng không cho xe lớn lên nữa vì kết cấu của nó, chuyển thành xe thô sơ, đi bộ.

"Nhưng tôi không đồng ý xây dựng bảo tàng trên cầu. Phần cầu đường sắt nên chuyển thành đường sắt đô thị phục vụ du lịch. Nên kêu gọi nhà đầu tư xây dựng tuyến đường sắt phục vụ xe điện đi từ phố cổ sang Gia Lâm. Nên chuyển hướng làm bảo tàng đường sắt ở bên nhà máy xe lửa Gia Lâm. Hà Nội đang thiếu điểm cao, việc làm một điểm cao bên Gia Lâm là ý tưởng tốt", ông Việt phát biểu.

Phần bãi giữa sông Hồng, ông Việt nêu ý kiến rằng đã có nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư cải tạo để khai thác nhưng nên hạn chế việc quy hoạch này vì Hà Nội đang thiếu nhiều điểm xanh, cần quy hoạch làm sao giữ lại càng nhiều điểm xanh thì càng tốt.

Cần bảo tồn cầu ngay

Cầu Long Biên đã hơn 100 tuổi. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Cầu Long Biên đã hơn 100 tuổi. Ảnh: Nguyễn Hoàng

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng phương án mà KTS Nguyễn Nga đưa ra chưa tiếp cận được cái mới. Việc đầu tiên cần làm ngay theo TS Nghiêm là phải đôn đốc bảo tồn cầu. "Cầu Long Biên cần phải được công nhận là di tích, nhưng di tích gì thì có cần phải lộ trình thứ tự như chúng ta vẫn làm với các di tích khác hay không?", ông Nghiêm nói.

Ông Nghiêm cũng cho rằng cầu Long Biên nên bảo tồn theo nguyên trạng hiện nay nhưng phải gia cố để bền vững, làm nhịp xoay hay giải quyết vấn đề nào đó. Quy hoạch 1998, 2011 đã bố trí bao nhiêu bến bãi, không nhất thiết đường thủy phải chui qua cầu. Nên gắn kết những cái rất mới của Hà Nội, tầm nhìn đến 2030.

"Bảo tồn không phải chỉ bảo tồn một di vật mà phải bảo tồn cả không gian xung quanh và không gian cảnh quan, bảo tồn hình dáng, phong cách, vật liệu. Bảo tồn nhưng chấp nhận thích ứng với đời sống đương đại, hài hòa với tổng thể không gian xung quanh, phù hợp với Quy hoạch đã được pháp lý công nhận.

Bảo tồn và phát huy giá trị cầu Long Biên nhưng đừng mang gánh nặng lớn lên cầu Long Biên, nào bảo tàng, làng nghề, vườn treo, đừng ôm tất cả vào cầu Long Biên, chỉ phần nào đó thôi. Nên đặt đúng chức năng “cầu”, đảm bảo giao thông không khói, đi bộ. Bảo tàng, vườn treo, vườn nghệ thuật... không nhất thiết phải đem tất cả giá trị văn hóa, nghệ thuật của Hà Nội lên cầu", ông Nghiêm nêu quan điểm.

Còn ông Phạm Hữu Sơn cho rằng vấn đề cần phải đặt ra khi cải tạo cầu Long Biên là phải lựa chọn hình ảnh cầu trong giai đoạn nào để khôi phục. Nếu chọn trong giai đoạn chiến tranh phá hoại để khôi phục, cầu sẽ có hình ảnh nguyên gốc. Phải tính đến khả năng kết hợp sử dụng cho giao thông qua cầu. "Cầu sau khi được cải tạo có được sử dụng cho giao thông hay không? Nếu chỉ sử dụng để đi bộ sẽ lãng phí trong khi nhu cầu giao thông của chúng ta lại lớn. Hơn nữa nếu chỉ để đi bộ, ngắm cảnh thì tôi e là nguy hiểm bởi thực tế đã chứng minh, mỗi lần có gió lớn, người đi qua cầu rất nguy hiểm, khả năng bị cuốn bay là cao", ông Sơn nói.

Tuy nhiên, nêu ý kiến là một chuyện, việc có hành động hay không là chuyện khác. Như ý kiến của TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm thì: "Hoan nghênh ý tưởng táo bạo, tâm huyết, nhưng nếu không thay đổi thì sau đó mãi chỉ nằm trên giấy".

Theo Tình Lê
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm