Đừng làm bậy rồi bảo đó là... nghệ thuật

Thời gian gần đây, một loạt sự kiện gây xôn xao dư luận, từ bộ ảnh “nude để thiền", một CD gây hoang mang công chúng và một tấm thiệp mời ở trên là hình những người mẫu bán khoả thân...

Cốt lõi của những tranh cãi này vẫn là xoay quanh đề tài muôn thuở: nghệ thuật và sự dung tục tầm thường.
 
"Đẹp mà không đẹp"

Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ một bài học trong sách giáo khoa lớp 1 ngày trước có một bài giáo dục đạo đức cho trẻ nhỏ - “Đẹp mà không đẹp”, nói về một cậu bé vẽ tranh con ngựa lên tường vôi trắng. Người bác đi qua nhìn thấy bức tranh và nói với cậu bé, bức tranh đó đẹp mà không đẹp. Đẹp vì con ngựa cậu vẽ cân đối còn không đẹp vì cậu đã vẽ bẩn lên tường. Bài học của câu chuyện này là hành động ở những hoàn cảnh không thích hợp thì sẽ gây phản cảm và trở thành xấu.

CD Thằng mõ 1 - Cái nường 8X của nhạc sĩ Ngọc Đại gây bất bình vì ca từ dung tục
CD Thằng mõ 1 - Cái nường 8X của nhạc sĩ Ngọc Đại gây bất bình vì ca từ dung tục

Câu chuyện về nghệ thuật và tục tĩu phản cảm ở đây cũng tương tự. CD gây sốc gần đây nhất của nhạc sĩ Ngọc Đại có tên “Thằng mõ 1” (còn có cái tên khác là “Cái nường 8X) gây ra nhiều ý kiến trái chiều về cảm nhận. Ngay cả cái tên mà vị nhạc sĩ này đặt “Cái nường 8X”, nếu ai hiểu rõ nghĩa đều không khỏi đỏ mặt. Rất nhiều người khi nghe CD này đã có phản ứng rất gay gắt vì một số ca từ phản cảm, mà số đông người Việt không bao giờ sử dụng ở nơi công cộng.

Phản ứng của công chúng là có thật. Phản ứng của nhà quản lý cũng có vì CD của nhạc sĩ Ngọc Đại không xin phép phát hành nhưng vẫn bán kiểu trao tay (giá là 100.000đ/CD). Mặc phản ứng, nhạc sĩ Ngọc Đại vẫn khẳng khái cho rằng, những ca từ mình dùng không tục vì chỉ nói lên sinh hoạt cá nhân mà không ai dám nói, rằng nghệ sĩ phải tự do sáng tạo. Sau đó, nhiều nghệ sĩ tỏ ra bênh vực Ngọc Đại với ý rằng, sáng tạo của Ngọc Đại là đi trước thời cuộc, rằng truyền thông đang "vùi dập" tài năng.

Vậy vấn đề của Ngọc Đại là gì mà anh lại bị đa số công chúng phản ứng? Có thể nhạc sĩ Ngọc Đại tự do sáng tạo nhưng khi anh đã phổ biến nghệ thuật tới số đông thì phải đặt sáng tạo nghệ thuật ấy trong văn hóa chung. Những ngôn từ dung tục khiến cho không ít người đỏ mặt khi nghe lại được đưa vào một sản phẩm nghệ thuật thì chắc chắn khó mà nhận được sự đồng thuận của đại chúng. Hơn hết, Ngọc Đại không chỉ sáng tạo cho cá nhân anh mà anh công khai bán CD theo cách riêng, nhưng lại phớt lờ cơ quan quản lý văn hóa quả khó chấp nhận.

Đành rằng, nghệ sĩ được tự do sáng tạo, nghệ thuật không có biên giới, cảm nhận về nghệ thuật của từng người khác nhau nhưng dù sáng tạo gì thì nghệ sĩ cũng phải tuân thủ theo pháp luật. CD của nhạc sĩ Ngọc Đại bị phản ứng, nhiều người còn cho rằng đó là “đĩa lậu” quả cũng chẳng oan.

Tấm thiệp mời phản cảm của chương trình Đêm hội chân dài 7
Tấm thiệp mời phản cảm của chương trình "Đêm hội chân dài 7"
 

Sự việc tấm thiệp mời sự kiện "Đêm hội chân dài 7" bị số đông công chúng phản ứng cũng tương tự như trường hợp CD Ngọc Đại. Người tổ chức sự kiện này có thể "chép miệng" rằng, chỉ là hình bán nude nghệ thuật của các người mẫu nhưng sao dư luận lại phản ứng quá như vậy, rằng thế giới đầy người làm vậy có sao đâu. Vấn đề cốt lõi của việc này là tấm thiệp mời ấy được gửi đi cho rất nhiều người, quảng bá rộng rãi đến số đông và nó như "bộ mặt" của một chương trình nghệ thuật trong việc tiếp thị cho chương trình thì những tấm hình bán nude được chụp lồ lộ đầy khiêu gợi đã tạo phản cảm.

Nude là nghệ thuật nhưng không phải lúc nào "cởi đồ" cũng được cho là nghệ thuật, sáng tạo. Trường hợp nude trên thiệp mời của chương trình "Đêm hội chân dài 7" bị phản ứng chẳng qua cũng vì phô trương không đúng cách.

Nghệ thuật không phải là làm bậy

Tiếp đề tài nude và sự dung tục, gần đây nhất dư luận tỏ ra giận dữ với bộ ảnh nude phản cảm có tên là "Nude để thiền" nằm trong dự án "Thoát" của một cô nàng vốn nổi tiếng khoe thân Thái Nhã Vân với một người tự xưng là am hiểu Phật pháp có tên Huệ Phong.

Bộ ảnh được tung lên mạng chịu ngay búa rìu dư luận bởi những tấm ảnh lõa thể được giới thiệu là nghệ thuật nhưng lại cho người xem thấy rờn rợn vì sự dung tục, phản cảm. Nếu như những sản phẩm nude trước đây của các người mẫu chỉ khiến nhiều người phê phán thì bộ ảnh "nude để thiền" gây nên sự tức giận cho nhiều người, đặc biệt những ai theo Phật giáo. Hình ảnh một cô gái không mảnh vải che thân tạo dáng khiêu gợi, được chụp lồ lộ bên cạnh một "thầy chùa" đã gây phản cảm cho người xem. Rất nhiều độc giả gửi ý kiến cho rằng việc làm của Thái Nhã Vân và Huệ Phong đã làm ô uế Phật giáo.

Tấm thiệp mời phản cảm của chương trình Đêm hội chân dài 7
Một trong những bức ảnh trong bộ "nude để thiền" khiến nhiều người xem tức giận (ảnh đã được làm mờ)

 
Trước những phản ứng này, cô gái chụp khỏa thân đã lên báo vạch tội "thầy chùa" vì đã lừa cô chụp bộ ảnh phản cảm. Theo lời cô gái, vì nể người có tên là Huệ Phong (vào vai thầy chùa trong bộ ảnh) do ông này tỏ ra am tường Phật pháp nên đã đồng ý chụp ảnh nude theo gợi ý của ông trrong dự án "Thoát". Bộ ảnh hoàn thành, cô gái thấy không đạt yêu cầu nghệ thuật đã đề nghị ông Huệ Phong không được dùng bộ ảnh trong triển lãm. Thậm chí, cô còn mời cả công an vào cuộc. Thế nhưng, bộ ảnh vẫn bị phát tán, “thầy” Huệ Phong vẫn mang ảnh nude của cô đi triển lãm.

Những lời tâm sự của Thái Nhã Vân trên báo giới khiến cho không ít người ngạc nhiên vì một người khá quen với việc chụp nude như cô lại dễ dàng bị người khác lừa phỉnh để cởi đồ chụp ảnh mà không có bất cứ giao kèo gì. Thiệt hại của việc này đến đâu chưa rõ, chỉ biết rằng sau bộ ảnh “nude để thiền”, những nhân vật trong bộ ảnh trở nên nổi tiếng hơn.

Nghệ thuật và dung tục, phản cảm vốn rất mong manh. Khi sáng tạo của nghệ sĩ vượt qua những chuẩn mực của văn hoá, nề nếp, lối sống nó rất dễ gây phản cảm, bị công chúng phản ứng. Và tất nhiên, trong sự hỗn loạn của showbiz hiện nay, chẳng thiếu kẻ cố tình làm bậy nhưng vẫn lớn tiếng mang danh nghệ thuật để tư lợi cá nhân.

 
Theo Hoàng Lân
Hà Nội mới