Đưa tranh nghệ thuật “lên mạng” tìm khách
(Dân trí) - Thị trường tranh nghệ thuật Việt Nam là trăn trở bấy lâu nay của giới họa sĩ. Bởi với quy mô nhỏ, ít khách, tranh nghệ thuật đang bị cạnh tranh bởi chính những bức tranh in hàng loạt và thực tế là rất khó bán.
Tranh “ế”, vẽ xong lại xếp góc phòng
Chủ một phòng tranh trên đường 3/2 (quận 10, TPHCM) kể một câu chuyện vui trong giới nghệ thuật mà anh em làm nghề ai nghe cũng cười ra nước mắt.
Anh kể: “Có vị khách đến cửa hàng, ông đi dạo quanh xem các bức tranh và hỏi giá từng bức một. Tôi thấy ông đắn đo dữ lắm, hỏi ra mới biết ông cũng là 1 họa sĩ, vẽ cũng nhiều nhưng hầu hết tranh của ông vẽ xong là… xếp vào góc phòng. Bởi có muốn bán cũng khó, gửi phòng tranh cũng tốn kém…”.
“Tôi có nhã ý để ông gởi những bức tranh ông đã vẽ trưng bày trong phòng tranh của tôi. Nhưng thị trường ảm đạm đến tê buốt, được một thời gian tôi đành trả lại cho ông, cho nó quay trở lại góc tường như ban đầu. nước mình giờ chắc cũng nhiều họa sĩ như vị họa sĩ già kia, cũng vẽ vì yêu thích rồi buồn rầu ngắm những tác phẩm của mình phải nằm đâu đó trong bóng tối góc phòng”, anh buồn buồn tâm sự.
Anh Hải, một họa sĩ trẻ, cho biết: “Các tác phẩm của mình muốn gởi vào các phòng tranh trưng bày và bán giùm thì chủ phòng tranh cũng phải lấy phí chứ. Mà có tháng may thì bán được vài ba bức, có tháng chẳng được bức nào. Thôi thì lỡ đam mê và cái nghiệp nên mình cố gắng theo chứ biết làm sao!”.
Anh Mạnh, chủ một phòng tranh trên đường Nguyễn Thiện Thuật, cũng chia sẻ: “Giá cả mặt bằng quá đắt đỏ, cộng với các chi phí thuê nhân công này nọ nên các bức tranh các họa sĩ gởi vào đây phải đưa giá lên cao mới đủ bù chi phí và trả tiền tranh cho họa sĩ. Mà nghịch lý là những người yêu nghệ thuật thì họ không có tiền để mua, còn những người có tiền thì họ không mặn mà lắm đến nghệ thuật. Hiện tại các bạn hàng của tôi cũng đang trong tình trạng ngồi chơi xơi nước như tôi thôi. Nghề này cũng lận đận lắm anh ơi!”.
“Lên mạng” để tìm đường ra cho tranh nghệ thuật
Hiện những hoạt động nhằm giới thiệu tranh Việt ra với bạn bè thế giới vẫn theo kiểu tự phát, phụ thuộc vào các mối quan hệ cá nhân của các họa sĩ hoặc phòng tranh chứ chưa được tổ chức đàng hoàng, chưa được giới thiệu, quảng bá một cách bài bản, dài hơi. Do đó, những phòng tranh nhỏ còn khó sống chứ đừng nói đến những họa sĩ trẻ không có quan hệ.
Từ thực tế này, những năm gần đây giới buôn bán tranh nghệ thuật và các họa sĩ trẻ bắt đầu sử dụng công nghệ để đưa tranh lên mạng internet tiếp thị nhằm giảm chi phí và giới thiệu tranh Việt đến khách quốc tế. Hoạt động này đang dần trở nên thịnh hành ở TPHCM, không chỉ các phòng tranh mở trang web để quảng bá các sản phẩm mà nhiều họa sĩ trẻ cũng lập website riêng để tiếp thị tranh của mình.
Ông Thái Long Quân, chủ nhân trang Artstore, chia sẻ: “Hiện Artstore cung cấp cho nghệ sĩ một không gian trưng bày và bán các tác phẩm nghệ thuật trực tuyến. Các nghệ sĩ có thể tham gia Artstore miễn phí trên trang web và tự mình giới thiệu các sản phẩm nghệ thuật của mình. Hiện vào mùa cao điểm tết Nguyên Đán nên lượng giao dịch cũng tăng khả quan. Khách hàng đến từ các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức… cũng đã đặt hàng trên trang và tỉ lệ đang tăng dần. Điều này cho thấy tiếp thị tranh trên mạng rất có tương lai”.
Ông Nguyễn Đức Minh, một họa sĩ đến từ Tiền Giang, cũng đồng tình: “Tôi cũng từng gửi tranh đến các website bán tranh. Cái lợi là mình chỉ gửi hình ảnh để giới thiệu, lại không mất phí nên có thể để lâu dài. Thực tế là từ ngày gửi tranh bán trên mạng thì số lượng tranh của tôi bán được nhiều hơn trước rất nhiều, lượng khách chỉ đích danh đặt hàng cho tôi vẽ cũng bắt đầu có nhờ tên tuổi của mình được quảng bá từ số lượng giao dịch nhiều”.
Theo ông Long Quân, công nghệ thông tin đang ngày càng phổ biến phát triển mạnh mẽ, việc giới thiệu sản phẩm và kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật qua mạng là một xu hướng. Nhờ đó, các họa sĩ trẻ có thể sống được, bám trụ được với nghề và có hy vọng vươn xa hơn trên con đường nghệ thuật…
Minh Nhật