Dù có hay không "siêu chùa" quần thể Tam Chúc vẫn được xét di tích quốc gia

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Theo ông Trần Đình Thành, việc công nhận quần thể Tam Chúc là di tích quốc gia dựa theo tiêu chí của ngành văn hóa. Dù có hay không có chùa Tam Chúc mới thì quần thể này vẫn được xét di tích.

Chùa Tam Chúc mới phá vỡ cảnh quan di tích quốc gia?

Quần thể Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) vừa được công nhận là Di tích quốc gia loại hình danh lam thắng cảnh. Theo Sơ đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích quần thể danh thắng Tam Chúc; chùa Tam Chúc mới, khu du lịch sinh thái Tam Chúc, khu vực hồ nước nằm ở lõi di tích đều thuộc khu bảo vệ 1 - vùng đỏ.  

Chùa Tam Chúc cùng khu du lịch Tam Chúc là một trong những "siêu dự án" tâm linh lớn nhất cả nước được một doanh nghiệp xây dựng đầu tư. Tuy nhiên, thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến việc sử dụng đất đai tại dự án hạ tầng kỹ thuật khu du lịch Tam Chúc.

Dù có hay không siêu chùa quần thể Tam Chúc vẫn được xét di tích quốc gia - 1

Chùa Tam Chúc mới được mệnh danh là "siêu chùa" vì có diện tích lớn nhất thế giới. (Ảnh: Tố Linh).

Nhiều ý kiến vì vậy băn khoăn, chùa Tam Chúc mới xây và một số công trình đang dính "lùm xùm" sẽ phá vỡ cảnh quan di tích quốc gia mới được công nhận này.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời Dân trí, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL) cho biết: "Khi xem xét hồ sơ công nhận quần thể Tam Chúc là di tích quốc gia, chúng tôi không quan tâm đến những sai phạm này vì nó không liên quan đến các tiêu chí xét duyệt. Như tôi đã nói, việc công nhận di tích chỉ dựa trên các yếu tố về cảnh quan, địa chất địa mạo, đa dạng sinh học, không xem xét các tiêu chí về kiến trúc, nghệ thuật".

Dù có hay không siêu chùa quần thể Tam Chúc vẫn được xét di tích quốc gia - 2

Sơ đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích quần thể danh thắng Tam Chúc (Ảnh: Cục DSVH).

Ông Thành lý giải thêm, chùa Tam Chúc mới xây hay các hạng mục của khu du lịch Tam Chúc cũng giống như nhà dân, khu đô thị hay hệ thống sân golf, xưởng sản xuất vật liệu xây dựng, đều đã tồn tại trước. Có những công trình không được hài hòa với danh thắng nhưng khi xếp hạng thì phải chấp nhận vì các công trình có trước, di tích có sau.

Dù có hay không siêu chùa quần thể Tam Chúc vẫn được xét di tích quốc gia - 3

Chùa Tam Chúc mới và khu du lịch sinh thái Tam Chúc nằm trong khu vực bảo vệ 1 (Ảnh: Hồng Anh).

Trước những băn khoăn liên quan đến phá vỡ cảnh quan, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, việc công nhận di tích chính là bước đầu tiên để bảo vệ quần thể Tam Chúc. Trước đây, khi các đơn vị triển khai xây dựng, ngành văn hóa không có cơ sở pháp lý nào để tham gia.

"Muốn bảo vệ cảnh quan thì phải khoanh vùng lại. Sau này bất cứ đơn vị nào muốn xây dựng hay triển khai hoạt động gì thì phải xin thêm ý kiến của ngành di sản. Ngành di sản sẽ có ý kiến đóng góp để hạn chế các tác động tiêu cực. Nếu không xếp hạng khu vực này thì không có căn cứ để can thiệp. Tôi cũng thấy tiếc bởi nếu ngành văn hóa phát hiện sớm hơn, tỉnh đề xuất sớm hơn thì chúng ta đã hạn chế được những chuyển động về phát triển kinh tế xã hội tại Tam Chúc", ông Thành nhấn mạnh.

Sẽ có nhiều hoạt động bảo vệ

Việc bảo vệ phát huy giá trị của quần thể Tam Chúc sẽ là một quá trình dài. Bởi vậy, theo ông Trần Đình Thành, sau khi di tích được xếp hạng sẽ có nhiều hoạt động bảo vệ như thành lập ban quản lý di tích, ban hành kế hoạch quản lý, xây dựng quy hoạch…

Thông qua quy hoạch, các đơn vị liên quan mới xem xét việc phát triển kinh tế xã hội đã tác động ra sao đến quần thể danh thắng này. Từ đó các cấp các ngành cùng nhau đưa ra phương án, giải pháp giúp hạn chế tác động tiêu cực, làm sao để hài hòa giữa hoạt động của các tổ chức, cá nhân với bảo tồn di sản. Các công tác không chỉ đánh giá chùa Tam Chúc hay khu du lịch mà sẽ tập trung đánh giá toàn bộ quần thể này.

Dù có hay không siêu chùa quần thể Tam Chúc vẫn được xét di tích quốc gia - 4

Khu vực tháp Ngọc tại chùa Tam Chúc (Ảnh: Tố Linh).

"Dư luận có một số ý kiến liên quan đến việc công nhận di tích quốc gia với quần thể Tam Chúc. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định chỉ làm theo tiêu chí của Luật Di sản văn hóa.

Có di sản như này là phải bảo vệ và đó là trách nhiệm của ngành văn hóa. Dù có hay không có chùa Tam Chúc mới thì quần thể này vẫn cần được xét di tích và bảo vệ", ông Thành nhấn mạnh.

Dù có hay không siêu chùa quần thể Tam Chúc vẫn được xét di tích quốc gia - 5

Ông Trần Đình Thành chỉ các khu vực bảo vệ di tích quần thể danh thắng Tam Chúc (Ảnh: Hồng Anh).

Ông Trần Đình Thành cũng kể lại một câu chuyện liên quan đến công tác bảo tồn khu vực Tràng An, Ninh Bình: Trước đây, Chính phủ đã cấp phép cho một công ty nước ngoài khai thác đá trong khu vực Tràng An. Tuy nhiên, khi UNESCO xem xét công nhận Tràng An là di sản văn hóa thế giới, Chính phủ đã chấp nhận đền bù cho doanh nghiệp để cảnh quan di sản đảm bảo tiêu chí "tính toàn vẹn", doanh nghiệp ngừng mọi hoạt động.

"Đó là một kinh nghiệm trong việc bảo tồn. Quần thể Tam Chúc sẽ áp dụng những kinh nghiệm bảo tồn trước đây. Ít ra từ giờ sẽ không có chuyện khai thác hay xẻ núi đá, xây dựng nhà máy, cầu đường trong khu bảo vệ 1.

Sau này, các đơn vị sẽ xử lý dần những vấn đề đang tồn tại hoặc tồn tại trước khi hình thành di tích. Sai phạm về cấp phép về xây dựng, giao đất, xác định chức năng hoạt động thì các lĩnh vực phụ trách phải chịu trách nhiệm", ông Thành cho hay.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Di sản, quần thể Tam Chúc được công nhận là di tích quốc gia rộng khoảng hơn 4.000 ha. Tuy nhiên, khu vực hồ chưa đến 600 ha (khoảng gần 1/7 so với tổng thể). Ngoài khu vực chùa Tam Chúc mới và hồ nước còn khoảng hơn 3.300 ha có cảnh quan đẹp với nhiều giá trị về địa chất, địa mạo cần được bảo vệ.

Dù có hay không siêu chùa quần thể Tam Chúc vẫn được xét di tích quốc gia - 6

Rừng nguyên sinh trong quần thể Tam Chúc (Ảnh: Cục Di sản Văn hóa).

Ban đầu, tỉnh Hà Nam chỉ đề xuất công nhận khu vực hồ nước (nơi đặt công trình chùa Tam Chúc mới xây dựng) là di tích. Tuy nhiên do nhận thấy giá trị về địa chất, địa mạo, cảnh quan... Cục Di sản Văn hóa đã chủ động hướng dẫn địa phương mở rộng khoanh vùng bảo vệ lên gấp nhiều lần so với đề xuất ban đầu.

"Trong khu vực hồ rộng lớn có 7 ngọn núi gọi là Thất Tinh tạo ra cảnh quan mặt nước đẹp như Vịnh Hạ Long trên cạn. Chỉ riêng hồ này cũng đã đủ tiêu chí để xét là danh lam thắng cảnh rồi. Bởi Đảo Cò ở Hải Dương, chỉ rộng bằng 1/6-1/7 hồ này nhưng đã được xếp hạng di tích quốc gia. Hệ thống hồ này kết hợp với núi rừng, hang động xung quanh tạo ra cảnh quan thiên nhiên vô cùng tuyệt vời cần được công nhận và bảo vệ", Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa nói.