Đời sống và nghệ thuật Triều Tiên trong ký ức của nhiều nghệ sĩ Việt

(Dân trí) - Những nghệ sĩ như: NSND Tạ Duy Ánh, NSND Anh Phương, NSƯT Trường Bắc, ông Trương Nhuận… đều bày tỏ sự ngưỡng mộ trước sự phát triển của Triều Tiên khi có dịp đặt chân đến đây.

Ông Trương Nhuận - nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ kể rằng, 10 năm trước, Bộ VHTT&DL cử một đoàn nghệ thuật ca múa nhạc gồm gần 20 nghệ sĩ đại diện cho Việt Nam tham gia Liên hoan nghệ thuật hữu nghị Mùa Xuân tháng Tư Bình Nhưỡng lần thứ 26 (The April Spring Frienship Art Festival) diễn ra tại Triều Tiên từ 10 đến 18/4/2009.

Đời sống và nghệ thuật Triều Tiên trong ký ức của nhiều nghệ sĩ Việt - 1
Đời sống và nghệ thuật Triều Tiên trong ký ức của nhiều nghệ sĩ Việt - 2

Những bức ảnh đầy kỷ niệm của ông Trương Nhuận cùng đoàn nghệ thuật Việt Nam khi tham dự Liên hoan nghệ thuật hữu nghị Mùa Xuân tháng Tư Bình Nhưỡng lần thứ 26.

 

“Đến đây, tận mắt chứng kiến đời sống thường nhật và cơ sở hạ tầng của đất nước Triều Tiên, chúng tôi đã không khỏi kinh ngạc. Có không ít lĩnh vực, các nước chưa chắc đuổi kịp Triều Tiên như: hệ thống tầu điện ngầm của Bình Nhưỡng, hệ thống nhà hát biểu diễn nghệ thuật được xây dựng choáng ngợp.

Có những điều đi xem mới thật sự ngỡ ngàng như toa xe tàu hoả đặc biệt được chế tạo dành riêng để ông Kim Nhật Thành sử dụng trong những chuyến công du nước ngoài. Điều đó mới hiểu tại sao bây giờ cháu nội ông là lãnh tụ Kim Jong-un lại thích đi hoả xa đến Việt Nam dịp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần này”, ông Trương Nhuận kể.

Theo ông Trương Nhuận, chương trình nghệ thuật ca múa nhạc mang đi dự Liên hoan nghệ thuật hữu nghị Mùa Xuân tháng Tư Bình Nhưỡng hồi đó có tên “Việt Nam quê hương tôi” do NSND Lê Hùng dàn dựng khá công phu, được đích thân NSND Ngọc Cường - Cục trưởng Cục NTBD ưu ái đầu tư về trang phục.

“Quả nhiên năm ấy, chương trình nghệ thuật của đoàn Việt Nam được trao cúp Vàng cùng với cúp Vàng cho tiếng đàn bầu của Lệ Chi, ba cúp Bạc cho NSƯT Trọng Thuỷ, ca sĩ Ánh Tuyết và tốp múa Mai Vàng.

Đại sứ Lê Văn Cự lúc ấy cũng rất mừng vì lần đầu tiên một đoàn nghệ thuật Việt Nam có đông nghệ sĩ tham gia Liên hoan đã gặt hái được thành công rực rỡ. Chúng tôi thì tự hào mình là những sứ giả văn hoá Việt Nam tại Triều Tiên để lại nhiều thiện cảm và ấn tượng đối với đông đảo công chúng Bình Nhưỡng”, ông Nhuận nói thêm.

Đời sống và nghệ thuật Triều Tiên trong ký ức của nhiều nghệ sĩ Việt - 3

Các nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam chụp lưu niệm với Chủ tịch Kim Nhật Thành (Ảnh chụp năm 1993).

Nói về Triều Tiên, NSND Tạ Duy Ánh - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ khi từng có cơ duyên tham dự Liên hoan nghệ thuật quốc tế Mùa Xuân Bình Nhưỡng. Từ năm 1989 đến 2016, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã 5 lần tham dự Liên hoan này.

NSND Tạ Duy Ánh chia sẻ: “Cá nhân tôi đã tham dự nhiều cuộc Liên hoan nghệ thuật quốc tế ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng Liên hoan nghệ thuật quốc tế Mùa xuân Bình Nhưỡng đã để lại cho tôi những ấn tượng sâu đậm.

Mặc dù rạp hát của bạn đã được xây dựng từ rất lâu đời nhưng những thiết kế về kỹ thuật sân khấu rất chuyên nghiệp và hiện đại. Khâu tổ chức của các bạn Triều Tiên cũng rất giỏi, hàng trăm nghệ sĩ quốc tế từ nhiều quốc gia đến nhưng được bạn đón tiếp chu đáo từ khi đặt chân đến sây bay cho đến lên giờ giấc lên sân khấu biểu diễn, đi tham quan, đi dự tiệc...”.

NSND Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam nhận định: “ Triều Tiên rất chú trọng văn hóa, nghệ thuật. Triều Tiên có những nhà hát đã xây dựng hàng chục năm nay nhưng giờ vẫn đảm bảo chất lượng biểu diễn.

Chúng tôi cũng rất ngạc nhiên là nước bạn rất chú trọng tới việc phổ cập văn hóa. Một người dân bình thường khi ngồi trong trường học đã được học một nhạc cụ nên không có gì ngạc nhiên khi chúng tôi chứng kiến một phiên dịch của bạn ngồi vào đàn piano và đã đánh rất tự tin...”.

Đời sống và nghệ thuật Triều Tiên trong ký ức của nhiều nghệ sĩ Việt - 4
Đời sống và nghệ thuật Triều Tiên trong ký ức của nhiều nghệ sĩ Việt - 5

NSƯT Trường Bắc cùng thành viên trong đoàn Việt Nam tham quan các di tích và thắng cảnh của Triều Tiên năm 2014.

NSƯT Trường Bắc - Trưởng phòng Biểu diễn - Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam chia sẻ: “Tôi từng tham gia Liên hoan Ca múa nhạc Mùa xuân Bình Nhưỡng năm 2014. Liên hoan này có tới 40 đoàn nghệ thuật đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong sự kiện này, tôi thể hiện ca khúc ca ngợi cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và được người dân vỗ tay không ngớt. Tôi đã cúi chào đến 3 lần để cảm ơn tấm chân tình khán giả dành cho mình mà ở dưới tiếng vỗ tay vẫn vang lên không chịu dừng lại.

Điều đặc biệt là sau khi kết thúc Liên hoan, BTC đã tổ chức 5 đêm liên tục biểu diễn diễn cho người dân xem. Riêng các đoàn nghệ thuật thì được BTC đưa đi tham quan rất nhiều địa điểm. Từ cung điện Mặt Trời, các bảo tàng và địa danh du lịch”.

Theo NSƯT Trường Bắc, tiếp xúc với các nghệ sĩ của Triều Tiên anh nhận thấy tính kỷ luật của họ rất cao. Từ tiết mục đơn ca, tốp ca đến đồng diễn... họ đều tăm tắp, trăm người như một.

 

Đời sống và nghệ thuật Triều Tiên trong ký ức của nhiều nghệ sĩ Việt - 6

Đoàn nghệ thuật Việt Nam tham dự Liên hoan Ca múa nhạc Mùa xuân Bình Nhưỡng năm 2014.

“Ở thời điểm hiện tại, Triều Tiên đang chú trọng phát triển thể loại nhạc nhẹ. Họ có rất nhiều ban nhạc lớn và nổi tiếng. Các ca sĩ không chỉ hát hay mà còn là những nhạc công chơi nhạc cụ rất cừ khôi. Họ cũng đã áp dụng công nghệ vào biểu diễn âm nhạc.

Nhà hát lớn của họ cũng giống Nhà hát Lớn Hà Nội nhưng họ đã áp dụng cải tiến sân khấu để đa dạng hoá và đáp ứng được nhu cầu thực tế của thời đại này”, NSƯT Trường Bắc chia sẻ thêm.

Hà Tùng Long