Đọc Phan Quang, nhớ về những đại thụ của làng báo Cách mạng

(Dân trí) - Lần đầu tiên tôi được gặp Nhà báo Phan Quang đã ngót nghét 20 năm (1997), khi đó, ông là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam còn tôi thì là phóng viên tờ Nhà báo & Công luận, cơ quan của Trung ương Hội.

Nói là gặp nhưng thật ra, ông từ cổng đi vào còn tôi thì từ cơ quan Hội đi ra. Tôi chào ông và ông gật đầu đáp lại.

Cứ ngỡ ông chả biết gì đến cậu phóng viên quèn như tôi thì bỗng một hôm, cô nhân viên của Văn phòng Hội nói: Anh lên phòng, bác Phan Quang gặp.

Tôi hồi hộp bước vào phòng ông với vẻ e dè, sợ sệt, không biết chuyện gì thì thấy ông nở nụ cười rất thân thiện, chỉ ghế cho tôi ngồi và bảo: Mình gọi Tám lên tặng cuốn sách mới.

Kể từ đó, mỗi khi có tác phẩm mới, ông hay gửi tặng tôi và “Thời gian không đổi sắc màu” - NXB Văn học 2017 là tác phẩm mới nhất của Nhà văn, Nhà báo Phan Quang tặng tôi với dòng chữ quen thuộc: “Thân tặng Nhà báo Bùi Hoàng Tám”.

Nhà văn, Nhà báo Phan Quang (Ảnh: Việt Hưng).
Nhà văn, Nhà báo Phan Quang (Ảnh: Việt Hưng).

33 bài báo, ngoài “Lời thưa” là tâm sự của tác giả về lý do in tập sách này thì 32 bài còn lại là những ghi chép được ông “nhặt” rồi tập hợp “sửa sang đôi chút”, “coi như tấm lòng một người suốt đời cầm bút bày tỏ lòng tri ân sách, người bạn muôn đời” như lời ông nói.

Đọc, mới thấy sự tâm huyết của ông đối với sách và tấm lòng của ông đối với anh em, bè bạn và đồng nghiệp. Đọc, mới thấy tầng văn hóa sâu rộng và tầm hiểu biết không chỉ trong nước mà cả thế giới. Đọc, càng trân quý hơn sự lao động nghiêm túc, miệt mài của một Nhà báo, Nhà văn lấy ngòi bút là nghiệp sống. Đọc, càng thấm thía cái khí phách của người trí thức như có lần ông tâm sự: “Trí thức Việt Nam có khí phách. Tổ tiên ta rất coi trọng khí phách. Trí thức đích thực thì không hèn, không thể hèn, không được hèn!”. Đọc, còn để thấy ông “không phải ông quan viết báo” như nhiều lần ông nói.

Là người từng nhiều năm là Thứ trưởng Bộ Thông tin, 10 năm là Chủ tịch Hội Nhà báo, 15 năm là Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội, 10 năm làm Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, hơn 40 đầu sách và 5 truyện dịch, Nhà báo Phan Quang tiêu biểu cho một thế hệ trí thức Việt Nam thế kỉ 20, sinh ra thủa đất nước chìm trong nô lệ, lớn lên trong cách mạng, trưởng thành qua kháng chiến và thành tựu trong công cuộc Đổi mới.

Giờ đây đã ở tuổi ngót nghét 90 (Phan Quang sinh năm 1928), sức khỏe đã yếu nhưng bầu nhiệt huyết và trí não của ông vẫn hoạt động không ngừng nghỉ. Ngày ngày, ông vẫn miệt mài với máy tính và những trang sách, khi đọc, khi viết, tự đày ải mình “cái tật bẩm sinh mang tính di truyền, lại bị nhiễm bội, từ thủa ấu thơ cho đến lúc về già tôi gần như sống trong môi trường sách, làm việc ở đâu, nhìn vào phái nào cũng thấy sách và sách”.

Đọc Phan Quang, nhớ đến những nhà báo cùng thế hệ với ông, một thế hệ Vàng của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đó là Hoàng Tùng với giọng văn đanh thép, là Thép Mới với bộn bề cảm xúc, luôn mạnh mẽ tuôn trào. Là Hữu Thọ dí dỏm, sắc sảo… Và Phan Quang ấm áp, nhân văn, khí phách.

Chính họ, những cây đại thụ của làng báo Cách mạng Việt Nam đã góp phần to lớn cho nền báo chí và cả sự nghiệp giành độ lập dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc Đổi mới thành công.

Bùi Hoàng Tám