Độc đáo vũ điệu “tung tung za zá” của đồng bào Cơtu – Quảng Nam
(Dân trí) - Ở vùng cao Quảng Nam, mỗi dân tộc có một điệu múa, một loại hình nhạc cụ riêng rất đặc sắc. Đối với đồng bào Cơtu vùng núi phía Tây tỉnh Quảng Nam cũng đang rất tự hào về điệu múa “tung tung za zá” hay còn gọi là “vũ điệu dâng Trời”của mình.
Vào các lễ hội lớn của đồng bào Cơtu như lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, dựng nhà gươl... thì không thể thiếu điệu múa tung tung za zá đặc sắc. Đây là điệu múa mang nhiều ý nghĩa sâu sắc về mặt tâm linh cũng như trong cuộc sống hàng ngày của người Cơtu.
Vũ điệu “tung tung za zá” gắn bó với cộng đồng bao đời nay và xuất hiện trong tất cả sinh hoạt đời sống, lễ nghi của đồng bào Cơtu. Không có một người Cơtu nào xa lạ với vũ điệu này vì nó đã tồn tại và thấm sâu vào tiềm thức của đồng bào Cơtu. Đây là một nét văn hóa khác biệt giữa dân tộc Cơtu với các dân tộc anh em khác.
Tung tung theo nghĩa của tiếng Cơtu là vươn cao, mạnh mẽ và vững chãi hơn nữa… Nó chỉ dành cho nam thanh niên khỏe mạnh. Còn za zá theo nghĩa Cơtu là thẳng hàng, nhịp điệu mang khát vọng của ý nghĩa tâm linh là đón đợi ơn đất nghĩa trời, trung thành với người, hai bài tay hứng lên như mừng rỡ đón chờ, mắt nhìn thẳng, miệng tủm tỉm cười duyên, tràn đầy những yêu thương, nâng đỡ những con người bất hạnh, yếu hèn. Vũ điệu này chỉ dành cho phái yếu.
Trong “vũ điệu dâng trời” này, đàn ông mặc khố, áo chuồng vải dệt thổ cẩm, chân đi trần lết đất, tay nắm chặt cây khiên, giáo, nỏ, mác hay cây dụ, hoặc nắm chặt tay người bạn bên cạnh cùng tung đôi tay lên cùng múa và hú một cách tự nhiên, hùng dũng, mạnh mẽ thể hiện rõ sức mạnh hùng hồn của trai làng, không sợ đương đầu với khắc nghiệt của thiên nhiên hay kẻ thù đến phá hoại buôn làng, động viên bà con yêu cuộc sống yêu bản làng, núi rừng.
Còn phụ nữ trong điệu múa za zá ta dễ thấy đôi chân nhún nhảy thẳng hàng, đôi tay đưa hứng ra hai bên vuông góc và song song với sống cổ nó, còn thể hiện sự đứng đắn, chung thủy và không khuất phục của người phụ nữ Cơtu nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung trước kẻ thù gian ác, bạo tàn.
Trong điệu múa này, phụ nữ Cơtu thường mặc váy dệt bằng thổ cẩm nhiều màu sắc, hoa văn, vai trần để lộ cổ đeo cườm, chân đi trần nhón gót lên lết theo chiều kim đồng hồ, múa uyển chuyển nhẹ nhàng, đều đặn và quyến rũ.
Khi bắt đầu, thông thường phụ nữ ra múa trước một vòng, hết lượt tiếp nối hàng đàn ông. Song luôn có hai hàng sắp xếp theo trình tự phụ nữ đi trước, sau là đàn ông; vòng trong là phụ nữ vòng ngoài là đàn ông. Điều này cho thấy, trong sinh hoạt hay đi rẫy nương thì người phụ nữ được đàn ông che chở, đùm bọc....
Chùm ảnh điệu múa “tung tung za zá” của đồng bào Cơ tu, Quảng Nam:
Tin: Công Bính
Ảnh: Nguyễn Cường