Độc đáo lễ đón năm mới của đồng bào Khmer

(Dân trí) - Những ngày này, đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh đang rộn rã đón chào Tết cổ truyền Chol Chnăm Thmây bên các chùa, phum, sóc.

Tết Chol Chnăm Thmây của đồng bào Khmer năm nay diễn ra từ ngày 14 đến 16/4. Theo lịch Khmer, giờ giao thừa lúc 14h ngày 14/4 và Tết cổ truyền kéo dài đến hết ngày 16/4.

Người dân đến chùa dâng cơm, nghe sư cả tụng kinh

Người dân đến chùa dâng cơm, nghe sư cả tụng kinh
Người dân đến chùa dâng cơm, nghe sư cả tụng kinh

Người Khmer đắp núi cát cầu bình an trong dịp Tết Chol Chnăm Thmây
Người Khmer đắp núi cát cầu bình an trong dịp Tết Chol Chnăm Thmây

Ông Thạch Văn Thu, ngụ phường 8 (TP Trà Vinh, Trà Vinh) cho biết: “Tết Chol Chnăm Thmây của đồng bào Khmer diễn ra không có ngày cố định theo cách tính của lịch Khmer nhưng thường diễn ra giữa tháng 4 dương lịch. Đến Tết trên bàn thờ nhà nào cũng bày mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên và điều đặc biệt là đến chùa liên tục trong 3 ngày”. Theo ông Thu, gia đình trong phum sóc vào chùa dâng cơm cho các vị sư sãi. Trước khi ăn, các sư sãi tụng kinh làm lễ tạ ơn những người làm ra các sản vật mang đến cúng chùa.

Thanh niên chơi nhạc ngũ âm mừng Tết Chol Chnăm Thmây
Thanh niên chơi nhạc ngũ âm mừng Tết Chol Chnăm Thmây

Sau lễ giao thừa, các sư sãi trong chùa tổ chức đoàn đến các phum, sóc để chúc Tết bà con phật tử. Đoàn đi hơn 50 người, trong đó xe kéo tượng phật, kinh kệ đi trước kế đó là xe kéo sư cả trong chùa và cuối cùng là các sư sãi, đoàn nhạc ngũ âm… Khi đến một nhà đại diện trong sóc đã có bà con phật tử chuẩn bị sẵn nơi đón tiếp, trên tay người nào cũng cầm 3 cây nhang mang theo để thắp nhang và nghe sư cả tụng kinh.

Sau giờ giao thừa, đoàn sư sãi trong chùa đến phum sóc chúc Tết
Sau giờ giao thừa, đoàn sư sãi trong chùa đến phum sóc chúc Tết

Thắp nhang cầu nguyện
Thắp nhang cầu nguyện

Đồng bào Khmer tổ chức lễ hội đón Tết cổ truyền
Đồng bào Khmer tổ chức lễ hội đón Tết cổ truyền

Ngày thứ ba là ngày lễ cuối cùng, sau khi làm lễ dâng cơm cho các vị sư ở chùa, các Phật tử tiến hành lễ tắm tượng Phật ở chùa bằng nước có ướp hương thơm và tắm cho các vị sư cao niên ở chùa, nhằm rửa sạch hết cái cũ để bước sang năm mới. Sau đó, các vị sư được mời đến tháp lưu giữ hài cốt của những người quá cố để cầu kinh, mong linh hồn những người đã mất được siêu thoát. Đến trưa, mọi người trở về nhà làm lễ tắm tượng Phật thờ cúng tại nhà và dâng bánh trái, chúc mừng, tạ ơn ông bà…

Minh Giang