Bình Định:

“Độc cô cầu bại” Lê Thanh Tùng hội ngộ cùng các cao thủ ở đất võ Bình Định

(Dân trí) - Sau 46 năm vắng bóng trên “giang hồ”, ngày 26/5, võ sĩ huyền thoại Lê Thanh Tùng có dịp trở lại mảnh đất võ Bình Định hội ngộ những đồng môn, bằng hữu để cùng nhau trò chuyện, chia sẻ những kỷ niệm sau chặng đường “dọc ngang” của họ.

Đó chính là võ sĩ huyền thoại Lê Thanh Tùng, người được giới võ thuật trong nước phong tặng các danh hiệu như: “độc cô cầu bại”, “thần cước”, “cặp chân máy”, “võ sĩ huyền thoại”… bởi những chiến tích vang dội làm rạng danh võ thuật Việt Nam thời của ông.

Các võ sư lừng danh một thời hội ngộ trên đất võ Bình Định.
Các võ sư lừng danh một thời hội ngộ trên đất võ Bình Định.

Vào thập niên 1970, giới võ thuật miền Nam, miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và của Việt Nam nói chung nổi lên một “ngôi sao sáng”. Trong cuộc đời làm võ sĩ, ông Lê Thanh Tùng bất bại và luôn hạ đối phương trong vòng 1 đến 2 hiệp bằng đòn chân nên được mệnh danh là “thần cước”, “độc cô cầu bại” hay “võ sĩ huyền thoại”.

Tại buổi gặp mặt, nhiều võ sư, võ sĩ tên tuổi một thời vang bóng như Đại võ sư Tân Tạo (Gia Lai), “độc cô cầu bại” Trần Quốc Long (lớp võ sĩ trước võ sư Tùng), hay còn mệnh danh là Võ sư Phi Long - “rồng đen”, cùng nhiều võ sư danh tiếng lẫy lừng khác ở Bình Định, Gia Lai, Phú Yên…

Tại đây, võ sư Lê Thanh Tùng đã chia sẻ chặng đường võ sĩ của mình, những trận đấu lịch sử đã làm nên tên tuổi của ông. Trong đó, có nhiều trận đấu dù đối thủ rất mạnh nhưng ông lại hạ gục nhanh bất ngờ và để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Võ sư Lê Thanh Tùng chia sẻ tại ngày trở về sau 46 năm.
Võ sư Lê Thanh Tùng chia sẻ tại ngày trở về sau 46 năm.

Võ sư Lê Thanh Tùng kể lại, giải đấu năm 1970 quy tụ rất nhiều võ sĩ giỏi từ các tỉnh, thành toàn miền Nam lúc bấy giờ tham gia. Để đi đến chiến thắng cuối cùng, ông trải qua 5 vòng đấu nhưng trận khó khăn nhất là ở vòng bán kết, đối thủ là võ sĩ Lý Ngọc Long. Võ sĩ Long là nhà vô địch đai đen Taekwondo toàn miền Nam chuyển sang học võ cổ truyền, thi đấu cho võ đường của võ sư Lý Huỳnh. Trận chung kết, ông Tùng đánh thắng võ sĩ Minh Cường (của võ đường Minh Sang) cũng rất nổi tiếng ở Sài Gòn.

Sự nghiệp võ thuật vang dội, nhưng năm 1978, “thần cước” - Lê Thanh Tùng chuyển sang California (Mỹ) định cư. Từ đó, ông kêu gọi những võ sĩ, võ sư cộng đồng người Việt cùng đam mê tiếp tục giao lưu, thành lập hội võ thuật để truyền bá võ thuật Việt ở nước ngoài, góp phần vào việc bảo vệ văn hóa bản sắc dân tộc.

Thần cước Lê Thanh Tùng (trái) trong trận tứ kết tranh vô địch năm 1970.
"Thần cước" Lê Thanh Tùng (trái) trong trận tứ kết tranh vô địch năm 1970.

“Sau 46 năm, trở lại mảnh đất võ Bình Định tôi cảm tưởng như mình được sinh ra tại Bình Định chứ không phải TP. HCM. Từ khi sang Mỹ lập nghiệp, tôi luôn luôn hướng về quê hương đất nước. Tôi tưởng như mình chưa bao giờ rời xa đất Bình Định, nơi địa linh nhân kiệt này”, võ sư Võ Thanh Tùng xúc động.

Đối với làng võ Bình Định, trong những năm 1971 - 1973, võ sĩ Lê Thành Tùng như là thần tượng của rất nhiều môn sinh, bằng hữu tại đây. Bởi, ông có lối đánh sáng tạo, những trận thắng chớp nhoáng, ra đòn phối hợp liên hoàn, mới lạ.

Các võ sư chụp hình lưu niệm.
Các võ sư chụp hình lưu niệm.
Võ sư Phi Long, người cũng được mệnh danh là độc cô cầu bại làng võ thuật Bình Định.
Võ sư Phi Long, người cũng được mệnh danh là "độc cô cầu bại" làng võ thuật Bình Định.
Võ sư Lê Thanh Tùng, Chủ tịch Ủy ban tổ chức đại hội thể thao bắc Mỹ 1989.
Võ sư Lê Thanh Tùng, Chủ tịch Ủy ban tổ chức đại hội thể thao bắc Mỹ 1989.

Học trò của ông phần lớn là người cùng trang lứa, tiêu biểu như cố Đại võ sư Nguyễn Lê Thanh và võ sư Vũ Lê Cang, là những người có những đóng góp lớn lao cho phong trào võ thuật tỉnh Bình Định.

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm