Dính nghi án “đạo thơ”, Phan Huyền Thư liệu có bị rút lại giải thưởng?
(Dân trí) - Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội phân tích về sự vụ liên quan đến bài thơ “Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn” và tập thơ “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư.
Khi dư luận xôn xao về sự việc có ý kiến cho rằng Phan Huyền Thư đã "đạo" ý thơ từ bài "Khi tôi chết, hãy mang tôi ra biển" của nhà thơ Du Tử Lê được ông sáng tác năm 1977 và công bố khá lâu nay, chắc hẳn không chỉ nói trong một câu rằng không có căn cứ nói Phan Huyền Thư đã “đạo” thì công chúng sẽ tin ngay. Ý kiến từ một số bạn thơ văn cho rằng bài thơ của Phan Huyền Thư không thoát khỏi ý thơ chủ đạo được triển khai từ khởi ý của Du Tử Lê. Còn theo đánh giá của ông, từ góc độ một nhà phê bình, thì bài thơ "Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn" có phải là một tác phẩm phái sinh?
Cả bài thơ của Phan Huyền Thư chỉ có câu mở đầu ngẫu nhiên giống gần như hoàn toàn câu thơ của Du Tử Lê. Chỉ khác câu họ Lê (Du Tử Lê là bút danh nhé) bắt đầu bằng “Khi”, còn câu họ Phan bắt đầu bằng “Nếu”, một bên là mặc định, một bên là giả định. Còn hai bài thơ hoàn toàn độc lập với hai ý tứ và chủ đề khác nhau. Hình thức triển khai hai bài thơ cũng khác nhau. Ở đây, tôi khẳng định không có bản chính và phái sinh. Ai biết đọc thơ thì đều nhận thấy như thế.
Cái câu mở đầu ấy “Nếu tôi chết hãy đem tôi ra biển” theo hình thức ngữ pháp “Nếu A… hãy B” là một kiểu câu quen thuộc của tư duy và thường có ở nhiều ngôn ngữ. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm có bài thơ “Tốt hơn, đừng chết” viết đã khá lâu. Bài thơ này của họ Hoàng mở đầu các khổ đều bằng câu “Nếu tôi chết – hãy tìm tôi nhé” để rồi kết thúc bất ngờ: “Nếu tôi chết, Tốt hơn đừng chết / Ai sẽ phục sinh Em trong những tối không chồng”. Nhà thơ nổi tiếng Tây Ban Nha F.G. Lorca trong bài thơ “Memeto” (Ghi nhớ) cũng đã viết “Cuando yo me muera / enterradme con mi guitarra / bajo la arena” (Khi tôi chết / hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta / dưới cát – Đan Tâm dịch).
Vậy, mẫu câu “Nếu A… hãy B” là chung của tư duy và ngôn ngữ. Cố nhiên trong một mẫu chung, những câu viết ra theo mẫu của từng người sẽ mang nét riêng, mà nếu nó nổi bật thì sẽ được ghi nhớ. Nhưng thế không có nghĩa là những người khác, trong những hoàn cảnh độc lập khác, không thể theo mẫu đó mà viết ra câu thơ của mình có thể trùng hợp ngẫu nhiên với câu thơ đã có.
Liên hệ đến trường hợp nhạc sĩ Phó Đức Phương, ông có bài hát tên là “Chảy đi sông ơi”. Có lần tôi hỏi ông có biết là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã có một truyện ngắn mang tên “Chảy đi sông ơi” viết trước bài hát của ông. Nhạc sĩ cười mà rằng tớ chẳng biết, cảm xúc của tớ về con sông Hồng vĩ đại đã cho tớ cái tên bài hát như thế, mà cậu có thấy đúng là phải chảy đi sông ơi không nào!
Nhiều ý kiến từ độc giả bức xúc đưa lên trên các diễn đàn, cho rằng vì bài thơ đó của Phan Huyền Thư nằm trong tập "Sẹo độc lập" vừa đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015, nên họ đề nghị BTC chấm giải, xét giải nên cân nhắc cẩn thận. Nếu đó thực sự là một tác phẩm "đạo" thì đã vi phạm đạo đức nhà văn, nên rút lại giải thưởng? Trường hợp tương tự cũng đã từng xảy ra với một số nhà văn, nhà thơ trước đó khiến công chúng lên án khá gay gắt. Là chủ tịch hội đồng xét giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, ông có thể nói thêm về các tiêu chí xét giải, chất lượng của các tập thơ khác cùng vào chung kết năm nay? Và trong trường hợp cụ thể là tập thơ “Sẹo độc lập”, theo ông, nên cân nhắc như thế nào?
Giải thưởng được trao căn cứ vào chất lượng của tác phẩm. Tập thơ Sẹo độc lập của Phan Huyền Thư được nhận giải thưởng văn học 2015 của Hội Nhà văn Hà Nội vì chất lượng thơ của nó. Chúng tôi đánh giá: “Tập thơ đầy khắc khoải suy tư trên hành trình tìm về và tìm lại bản thể mình, con người mình, không để bị chìm lấp trong im lặng đám đông. Tập thơ cũng chứa nhiều băn khoăn về thơ hôm nay trong cuộc sống hôm nay. Tác giả viết thơ xoáy vào tâm trí người đọc hơn là nương nhờ cảm xúc, lấy chất nghĩ làm nền cho câu thơ, bài thơ, hơn là chất cảm. Thơ nhờ đó hiện đại và thiết thực hơn. Đây là một lựa chọn thơ đã được tác giả xác quyết từ sớm và ngày càng trở nên trở nên sâu sắc hơn. Trao giải cho tập thơ Sẹo độc lập, HNVHN ghi nhận sự độc lập của nhà thơ Phan Huyền Thư trên con đường thơ của mình, góp phần đưa thơ Việt tiếp cận với thơ thế giới theo hướng suy tư, ý thức.”
Từ một câu thơ trong một bài thơ nghe quen với câu thơ của một người khác mà cho bài thơ đó là “đạo”, rồi cả tập thơ là “đạo”, thiết nghĩ đó là nhận xét hồ đồ, vội vã. Tôi khẳng định tập thơ Sẹo độc lập của Phan Huyền Thư là một tác phẩm có chất lượng và đã được nhận giải thưởng của HNVHN một cách xứng đáng.
Nhìn một cách tổng quan thì đạo đức nhà văn ở ta luôn là một vấn đề khiến giới viết phải trăn trở. Là người sáng tạo, nếu không tu dưỡng đạo đức trong đời sống và trong viết lách thì sao có thể sáng tạo ra những tác phẩm để đời được nhỉ? Vậy, từ góc nhìn của một người làm quản lý văn nghệ, ông có thể cho biết ý kiến của mình về đạo đức nhà văn rút ra từ những trường hợp đang “nóng bỏng” văn đàn qua mấy “nghi án” đạo thơ gần đây?
Tất nhiên nhà văn cần phải có đạo đức nhà văn và người đọc cũng cần phải có đạo đức người đọc. Trong trường hợp nói đây, sự hành xử nghề nghiệp của một nhà báo người Việt làm báo ở nước ngoài khiến tôi kính trọng về sự chuyên nghiệp và đạo đức. Có lẽ tôi là người đầu tiên được biết về vụ “Nếu tôi chết…” này, khi mà báo chí trong nước chưa đưa tin. Một nhà báo ở nước ngoài gửi cho tôi bài viết họ nhận được về chuyện đó và muốn biết ý kiến của tôi, muốn tôi có bài phản hồi, với tư cách Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội vừa trao giải cho tập thơ “Sẹo độc lập”, thì họ sẽ đăng cả hai bài. Khi tôi chưa có bài viết gửi đi mà báo chí trong nước đã đăng chuyện, anh ấy gửi thư lại và nói vẫn chờ tôi viết xong bài mới đăng.
Đạo đức chỉ có thể tự mình chiêm nghiệm, tu dưỡng, vun đắp và rèn luyện, có hay không, người xung quanh sẽ cảm nhận được ngay.
Cám ơn ông rất nhiều!
Hoà Bình