1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Vụ “Đình làng cổ sẽ bị hạ giải - xây mới vì dự án tái định cư?”

Đình làng cổ bị gọi “nhầm” tên?

(Dân trí) - Liên quan đến vụ đình làng cổ được có tên Lịch Đợi ở bài trước có nguy cơ bị hạ giải trong Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Bàu Vá giai đoạn 4 ( phường Phường Đúc, TP Huế) - mới đây Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã chứng minh tên chính xác sau một loạt văn bản các cấp, sở ban ngành viết “nhầm” tên.

Đình làng cổ tên Phú Vĩnh chứ không phải Lịch Đợi

Đình làng cổ được nhiều cấp, ban ngành, cả các họ tộc ở khu Lịch Đợi gọi là Đình làng Lịch Đợi, nhưng thực tế không phải
Đình làng cổ được nhiều cấp, ban ngành, cả các họ tộc ở khu Lịch Đợi gọi là "Đình làng Lịch Đợi", nhưng thực tế không phải

Theo đó, từ văn bản của UBND TP Huế, Ban QLDA Đầu tư Xây dựng Công trình Dân dụng và Công nghiệp Thừa Thiên Huế, Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế… qua quá trình PV thu thập viết bài liên quan vụ việc đều viết là Đình làng Lịch Đợi. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu Huế, trên địa bàn TP Huế hiện nay không có ngôi đình làng nào là Lịch Đợi như trong hồ sơ dự án.

TS. Trần Đình Hằng, Trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, không có ngôi đình nào tên là Lịch Đợi ở đất Huế, mà chỉ có miếu Lịch Đại (Đợi) Đế Vương. Khu vực xung quanh miếu Lịch Đợi nay đã bị “địa danh hóa” thành vùng Lịch Đợi theo cách gọi dân gian, nay thuộc phường Phường Đúc, Huế.

Miếu Lịch Đợi Đế Vương hiện được xác định nằm ở khu vực gần Ga Huế, còn lại Đình làng Lịch Đợi được nhiều người cho biết là không có trong lịch sử.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc định danh “nhầm” như vậy đối với ngôi đình cổ trong Dự án Khu Tái định cư Bàu Vá 4 dẫn tới việc dễ gây hiểu nhầm đây là ngôi đình có lai lịch không rõ ràng, thậm chí không có giá trị gì về văn hóa, lịch sử.

Qua trao đổi chiều 23/8, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong hệ thống đình làng ở Huế và vùng phụ cận không có tên đình làng Lịch Đợi mà chỉ có miếu Lịch Đợi Đế Vương nằm gần ngôi đình cổ trên. Nhưng do ngôi đình tọa lạc tại khu dân cư Lịch Đợi nên mọi người quen gọi tên ngôi đình là Lịch Đợi.

Tên gọi chính thức của ngôi đình này sau nhiều đối chiếu, tham vấn của các nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh, Trần Đại Vinh… thì có tên gọi là đình Phú Vĩnh. Hiện vẫn còn tấm văn bia ghi tên các người đóng góp tiền của làm đình Phú Vĩnh ở trong nhà bia của đình làng trên.

Tấm văn bia nguyên vẹn trong nhà bia ở đình làng này có ghi về đình làng Phú Vĩnh chứ không có tên Lịch Đợi
Tấm văn bia nguyên vẹn trong nhà bia ở đình làng này có ghi về đình làng Phú Vĩnh chứ không có tên Lịch Đợi

Theo ông Anh, Đình Phú Vĩnh nằm ở phường Phường Đúc được xây dựng dưới thời vua Thành Thái thứ 15 (1903), lúc đầu có tên là đình Đệ Cửu thuộc tổng Phú Xuân, huyện Hương Trà. Sở dĩ đình có tên vậy bởi lúc này đình nằm tại địa bàn phường Đệ Cửu, 1 trong 9 phường của Thị xã Huế được thếit lập vào những năm đầu tiên trong lần mở rộng thị xã Huế, theo dụ của vua Thành Thái vào 22/6/1903 và được Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuẩn y vào ngày 3/7/1903.

Năm Bảo Đại thứ 12 (1937) do đình Đệ Cửu xuống cấp nghiêm trọng, nên người dân trong phường đã xây dựng lại đình và đổi tên thành đình Phú Vĩnh.

Cần lập hồ sơ xếp hạng cấp tỉnh với đình làng Phú Vĩnh

“Ngôi đình này có chức năng Thờ Thành hoàng làng và các vị lập đất, khác với miếu Lịch Đợi Đế Vương xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 4 (1823) trên địa phận xã Dương Xuân, nay là phường Phường Đúc để thờ Hùng Vương, nhiều vị vua và các danh tướng trước triều Nguyễn.

Đình Phú Vĩnh là một công trình có giá trị văn hóa lịch sử, là kiến trúc cộng đồng, tâm linh của người dân, ngôi đình gắn liền với quá trình mở rộng đô thị Huế lần thứ nhất và lần thứ hai. Hiện nay tuy ngôi đình chưa được đưa vào danh mục bảo vệ và công nhận di tích, nhưng bản thân của nó đã có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa cấu thành di tích” - ông Anh trao đổi.

TS. Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết ý kiến, Sở vừa mới đề nghị UBND TP Huế chỉ đạo Phòng Văn hóa Thông tin TP Huế, UBND phường Phường Đúc phối hợp với Bảo tàng Lịch sử tỉnh và các ban ngành chức năng nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng đình làng Phú Vĩnh là di tích lịch sử cấp tỉnh nếu đáp ứng các tiêu chí xếp hạng di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 để có cơ sở pháp lý bảo tồn và phát huy giá trị.

Văn bản của Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức xác nhận tên của đình làng là Phú Vĩnh, trước đó có tên là đình Đệ Cửu
Văn bản của Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức xác nhận tên của đình làng là Phú Vĩnh, trước đó có tên là đình Đệ Cửu

Dễ biến dạng thiết chế văn hóa cơ sở nếu hạ giải đình làng

Như Dân trí đưa tin, Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Bàu Vá giai đoạn 4 có diện tích 4,7 ha với tổng mức đầu tư gần 70 tỷ đồng do Ban QLDA Đầu tư Xây dựng Công trình Dân dụng và Công nghiệp Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư. Dự kiến dự án sẽ san nền trên toàn bộ khu đất, cắm mốc phân lô cho 130 lô (diện tích 130m2-237m2/lô) và phần diện tích 1.500m2 còn lại của đình làng Phú Vĩnh.

Phía chủ đầu tư ý kiến sẽ hạ giải ngôi đình làng và hạ cốt nền. Theo ông Hà Xuân Hậu, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư Xây dựng Công trình Dân dụng và Công nghiệp Thừa Thiên Huế, qua nhiều cuộc họp với các ban ngành, các họ trong làng Lịch Đợi đã thống nhất các nội dung: giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án; hạ cốt nền diện tích còn lại của đình làng 1.500m2; công trình đình làng sẽ được đánh giá chất lượng và bồi thường theo quy định nhà nước.

“Việc hạ cốt nền diện tích còn lại của đình làng là phù hợp với cốt nền của cả khu vực, tránh phải xây kè xung quanh với điểm cao nhất là 4,56m nên tốn nhiều kinh phí, đồng thời tạo điều kiện xây dựng lại đình làng phù hợp với kích thước khu đất và các trục đường xung quanh” – ông Hậu giải thích.

Tuy nhiên UBND phường Phường Đúc và UBND TP Huế đã phản đối việc này, cho rằng ngôi đình làng cần được bảo tồn bằng cách giữ nguyên vị trí, không hạ giải và trùng tu lại, vì nếu thay đổi vị trí sẽ dễ xảy ra biến dạng chức năng thiết chế văn hóa cơ sở, làm mất đi nơi sinh hoạt tín ngưỡng cũng như sinh hoạt văn hóa của nhân dân vùng Lịch Đợi.

Cần thiết nên giữ lại đình làng Phú Vĩnh và trùng tu theo nguyện vọng của UBND phường Phường Đúc và UBND TP Huế
Cần thiết nên giữ lại đình làng Phú Vĩnh và trùng tu theo nguyện vọng của UBND phường Phường Đúc và UBND TP Huế

Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiến nghị tỉnh giao Sở Văn hóa & Thể thao chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan để xác định cụ thể giá trị văn hóa, lịch sử của Đình làng Lịch Đợi. Trong trường hợp xác định công trình có giá trị và phải được bảo tồn nguyên vẹn các hạng mục hiện có thì tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư điều chỉnh lại dự án.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến mới của vụ việc đến bạn đọc.

Đại Dương