Điều gì khiến áo dài nam của người Việt từng biến mất khỏi đời sống?
(Dân trí) - Ra đời trước áo dài nữ và từng là trang phục truyền thống của người người đàn ông Việt Nam nhưng theo thời gian, chiếc áo dài nam đã dần bị lãng quên. Chính vì thế, loại trang phục đặc sắc này không có điều kiện kế thừa, phát triển và lan tỏa.
Những điều chưa biết về áo dài nam của người Việt
Trong cuốn “Phủ biên tạp lục” của nhà sử học Lê Quý Đôn có chép lại rằng, Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát là người có công khai sáng và định hình cho chiếc áo dài Việt Nam ở xứ Đàng Trong (để phân biệt với trang phục của những khách trú người Trung Hoa). Chiếc áo dài dành cho nam cũng có hai vạt dài quá gối, cài nút bên phải thường được may bằng các loại vải gấm (dành cho giới thượng lưu), may bằng chất liệu sa, the mỏng… (dành cho giới trung lưu).
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo (chồng NSND Như Quỳnh) một người con sinh ra và lớn lên giữa phố cổ Hàng Đào kể lại: “Thế hệ cha ông tôi vẫn mặc bộ lễ phục là áo dài và quấn khăn nhưng khi người Pháp sang mang theo luồng văn hoá phương Tây làm thay đổi mọi mặt đời sống của người Việt.
Áo dài nam cũng không nằm ngoài số phận đó. Sau khi miền Bắc giải phóng, những chiếc áo dài thường ngày trước đây các cụ vẫn mặc đã mất dần. Hình ảnh những người đàn ông mặc áo dài chỉ còn rơi rớt lại trong ký ức tôi khi còn rất nhỏ. Cái thời mà ông mặc khăn xếp, bà mặc áo tứ thân thì có con đã mặc comple, đội mũ phớt, cháu thì mặc váy đầm... Áo dài nam mất dần, mất dần... Đến sau năm 1954, hãn hữu lắm mới thấy trên đường phố còn người mặc áo the, khăn xếp. Chiến tranh đến, nên trang phục của chúng ta phải đơn giản hoá trang phục. Áo dài nam gần như bị triệt tiêu, chỉ còn sót lại rất ít trong những cuộc biểu diễn...”
Trong buổi tọa đàm “Áo dài Việt - Từ lịch sử đến đương đại” tổ chức sáng 27/11 ở Sầm Sơn - Thanh Hoá, họa sĩ Nguyễn Đức Bình cũng chia sẻ rằng, trong thời gian qua, chúng ta đã có những nhầm lẫn về giá trị của chiếc áo dài nam. Theo hoạ sĩ Bình, cách tân áo dài tức là làm mới những truyền thống nhưng nhiều nơi không cách tân mà là sáng tạo hoàn toàn mới. Chẳng hạn như đưa hình ảnh chiếc áo vest, áo sơ mi vào chiếc áo dài… khiến cho đôi khi chiếc áo dài mang nét “hao hao” với áo dài nam của Ấn Độ.
“Tôi từng nghe mọi người nói áo dài cách tân để cho nhanh, gọn, tiện lợi, có thể mặc sơ mi bên trong cũng cũng được… như vậy là không đúng! Bởi bộ trang phục truyền thống của bất kỳ quốc gia nào cũng có sự cầu kỳ, phức tạp. Chính sự cầu kỳ mới chứa đựng những tinh hoa dân tộc. Chiếc áo cũng là sự hội tụ của tinh hoa của người đàn ông Việt. Thực chất, chiếc áo dài nam của người đàn ông Việt đã vô cùng tối giản. Nó mang tính giáo dục rất cao, khi ta mặc bộ trang phục lên người buộc chúng ta phải có phong thái nghiêm trang, đĩnh đạc, lịch sự… Ngay lập tức, bộ áo dài biến ta thành một con người hoàn toàn khác”, hoạ sĩ Đức Bình nhấn mạnh.
Hoạ sĩ Bình cũng giải thích rằng, bộ trang phục của người đàn ông Việt luôn có một chiếc khăn quấn chứ không phải một chiếc khăn đóng sẵn. Bởi chính thao tác quấn khăn thể hiện sự chỉnh chu của đàn ông Việt.
“Tôi cho rằng, tinh hoa của người đàn ông Việt đều nằm trong tà áo dài, cả về dáng vẻ và màu sắc. Ngày xưa, các cụ không bao giờ mặc áo áo dài nam với các màu sắc quá sặc sỡ. Điều đó thể hiện tính cách của người đàn ông Việt luôn khoan thai, chững chạc, đĩnh đạc… Yếu tố rồng phượng trên tà áo dài nam Việt Nam không thể gọi là truyền thống được, đấy là tôi còn chưa nói rồng đó có phải của Việt Nam hay không hay con rồng đó có được vẽ theo đúng cách của ông cha ta hay không. Điều cốt lõi màu sắc rất sặc sỡ không thể hiện được nét truyền thống của tính cách đàn ông Việt. Người Việt không bao giờ thích phô trương hay khoe mẽ mà ngược lại rất giản dị”, hoạ sĩ Bình bày tỏ thêm.
8x, 9x hào hứng với áo dài nam hơn 4x, 5x
Theo hoạ sĩ Đức Bình, sau khi có ý định khôi phục nét đẹp truyền thống của những bộ áo dài nam, nhóm của ông đã phải vận động rất nhiều trong mọi tầng lớp cả già lẫn cả trẻ. Tuy nhiên, trong đó những thế hệ tiếp thu và đón nhận ngay điều này lại chính là thế hệ trẻ thuộc lứa tuổi 8x, 9x chứ không phải những thế hệ 4x, 5x.
“Theo chúng tôi thấy, những thế hệ trước họ rất rụt rè, còn người trẻ thì lại cảm thấy rất thích mặc và luôn tự hỏi “Tại sao đẹp như vậy mà chúng ta lại phải đi dùng những trang phục khác trong các buổi lễ long trọng?”. Nhiều người vẫn giữ quan niệm, cái này của tầng lớp phong kiến, cái này của cường hào ác bá ngày xưa… Chính điều này khiến cho chiếc áo dài nam của chúng ta càng bị đẩy xa hơn. Đặc biệt, mọi người đều không coi nó là di sản nên không thấy rõ được tầm quan trọng của nó”, hoạ sĩ Đức Bình nói thêm.
Hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Đức cũng bày tỏ rằng, trên thực tế đã có rất nhiều sự cách tân đối với tà áo dài Việt. Tuy nhiên, bản thân ông cho rằng như vậy vẫn chưa thể làm cho bộ áo dài truyền thống đẹp hơn bởi những sự cách tân đó đều quá xa vời đối với những nét truyền thống vốn có của áo dài nam.
“Sự cách tân cũng phải phản ánh đúng bản chất tính cách của nam giới người Việt đó là không khoe khoang, ít bộc lộ ra bên ngoài, luôn chững chạc… không thể lòe loẹt như bây giờ được. Nếu chúng ta muốn cách tân tôi nghĩ vẫn làm được nhưng đừng để mất đi những nét truyền thống, những thứ đã được coi là di sản cần phải gìn giữ. Nam giới bây giờ khi mặc tà áo dài nam đa phần đều cảm thấy xấu hổ. Tôi thấy như thế cũng hơi đáng tiếc. Chúng ta nên cảm thấy tự hào vì điều đó. Chúng ta nên tự hào vì đất nước chúng ta có một bộ trang phục truyền thống đẹp đến như vậy”, hoạ sĩ Mạnh Đức nói.
Hoạ sĩ Đức Bình chia sẻ thêm rằng, chúng ta phải làm sao để nam giới thấy được những tinh hoa có trong bộ áo dài nam của người Việt. Và từ đó xem đây là một di sản cần phải được gìn giữ. Đặc biệt, không nên gán ghép bộ áo dài truyền thống với những điều xấu để dần có một cái nhìn tốt đẹp hơn với tà áo dài truyền thống. Có như vậy mới có thể có khả năng khôi phục được những nét đẹp truyền thống trong tà áo dài nam Việt Nam.
“Hiện nay chưa có bộ trang phục nào đại diện cho quốc phục của nước ta cả, vậy tại sao chúng ta không sử dụng những gì chúng ta đang có, những nét đẹp truyền thống hàng ngàn đời nay của dân tộc ta? Bộ áo dài thể hiện sự độc lập tự cường và nét đẹp của cả một đất nước, một dân tộc qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử…. tại sao chúng ta không gìn giữ và phát huy?”, hoạ sĩ Mạnh Đức đặt vấn đề.
Đại sứ Phạm Sanh Châu trong một toạ đàm mừng Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam mới đây cũng chia sẻ rằng, ông rất thích áo dài và đã không ít lần chủ động mặc áo dài truyền thống Việt Nam khi làm Đại sứ. Khi nhìn thấy những chiếc áo dài nam hôm nay, ông cảm thấy có một luồng cảm xúc ngạc nhiên và ngưỡng mộ chạy khắp thân mình. Cá nhân ông và những người yêu văn hoá truyền thống Việt Nam đều mong muốn gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
“Tôi đã đi nhiều nơi và gặp gỡ nhiều người nhưng có một điều ngạc nhiên những thanh niên tôi gặp dù độ tuổi còn rất trẻ nhưng họ lại rất thích áo dài. Thêm nữa, họ còn nhắc thân phụ của họ mặc chính những chiếc áo dài truyền thống đó. Đây là một điều rất lạ bởi xưa nay chúng ta thường chỉ thấy người già mới căn dặn thanh niên phải làm sao giữ gìn những nét truyền thống và hôm nay lại ngược lại.
Tôi thật sự cảm thấy thú vị về điều đó và đánh giá rất cao. Tôi nghĩ rằng, tình yêu đối với văn hóa truyền thống, với nét đẹp của dân tộc là một tình yêu rất mãnh liệt. Nó có thể nhạt nhòa lúc này hoặc lúc khác nhưng vẫn luôn là một dòng chảy mạnh mẽ trong dòng máu của mỗi người dân Việt. Tôi hy vọng rằng, càng ở những thế hệ về sau, tinh thần yêu văn hóa đó càng được rộng lớn hơn”, Đại sứ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh.
Hà Tùng Long