Điều chưa biết về diễn viên vai bố chồng phim “Sống chung với mẹ chồng”
(Dân trí) - NSƯT Trần Đức vai ông Phương trong “Sống chung với mẹ chồng” từng phải “đóng đinh” với nhiều vai phản diện trong phim truyền hình. Tới mức ông phải thốt lên: “Thèm được đóng vai lương thiện mà cũng không cho”.
Trong phim “Sống chung với mẹ chồng”, NSƯT Trần Đức vào vai ông Phương, bố của Thanh, bố chồng của Vân. Ông Phương trong phim là giám đốc của một công ty nhưng rất nhịn vợ. Ông cũng là ông bố hiền lành, thương con, tâm lý, chuẩn mực… nhưng vì bị vợ lấn lướt quá nên đôi khi ông trở nên mờ nhạt trong gia đình. Theo NSƯT Trần Đức thì phải lâu lắm rồi ông mới có được một vai diễn không phải là vai phản diện.
Trước đây, nhắc đến NSƯT Trần Đức, khán giả nhớ ngay đến những vai phản diện như: giám đốc tham nhũng, quan chức thoái hóa biến chất, những gã lăng nhăng chuyên ve vãn phụ nữ, ông trùm mafia, ông trùm máu lạnh và hiểm ác trong các phim: Chạy án, Đầm lầy bạc, Giọt nước rơi, Lời thú nhận của Eva, Bước nhảy xì-tin...
NSƯT Trần Đức Sinh ra và lớn lên ở phố Hà Nội. Cái chất tài hoa của người Hà Nội đã thẩm thấu vào người nghệ sỹ này từ những ngày còn bé.
Nam nghệ sỹ chia sẻ, năm 1971, ông thi tuyển ngành diễn viên tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong tiếng bom đạn và tiếng còi ủ báo động. 1800 thí sinh năm ấy chỉ có 12 người trúng tuyển, trong đó có ông. Sau đó ông được Đoàn Kịch Hà Nội cử đi học tại Trường Sân khấu Việt Nam rồi về công tác tại Đoàn năm 1974.
Nhà hát Kịch Hà Nội tựa như cái nôi mà ông được sinh ra lần thứ hai bằng cuộc đời nghệ thuật và dần trưởng thành với sân khấu qua rất nhiều công việc như: bê vác cảnh, điều chỉnh âm thanh, làm hậu đài, chuẩn bị phục trang, vai quần chúng, vai phụ, vai chính. Mỗi công việc đều mang đến cho ông những trải nghiệm khác nhau, nhen nhóm trong ông ngọn lửa nghề mãnh liệt. Dấu son sự nghiệp của ông chính là thời kỳ diễn viên tham gia gần 60 vở diễn tại Nhà hát Kịch Hà Nội.
Trong những tháng ngày gắn bó với sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội, NSƯT Trần Đức từng cùng anh em đồng nghiệp rong ruổi khắp chiều dài đất nước để mang nghệ thuật sân khấu đến với công chúng. Thậm chí, có nhiều lần đoàn nghệ sỹ phải ngủ đêm trong lán chợ tạm, trên những tấm phản bán thịt lợn, thịt bò của người dân miền Trung. Có đêm lỡ độ đường, ông cùng mọi người ngủ tại bến phà Bến Thủy đầy sương đêm hoặc thấu trải những cơn gió buốt thấu xương của vùng cao Mèo Vạc - Hà Giang.
Những khó khăn của nghề không làm cho người nghệ sỹ này nản chí mà biến nó thành những vốn sống để trút vào từng vai diễn. Trong hơn 40 năm làm nghề, nam nghệ sỹ đã hóa thân vào rất nhiều dạng vai trên sân khấu lẫn truyền hình. Trên phim truyền hình, ông thường “đóng đinh” với những vai đầy góc cạnh, phản diện.
Theo NSƯT Trần Đức chia sẻ thì ông được các đạo diễn mời đóng vai phản diện nhiều nhất từ khi cắt kiểu đầu húi cua. Khuôn mặt, kiểu tóc, diễn xuất chuyên nghiệp chính là lí do mà các đạo diễn không ai bảo ai, nhất quyết ông vào vai phản diện. Nhiều khi, chỉ cần đạo diễn đưa kịch bản là ông đã biết mình vào vai gì, đến nỗi, ông đùa rằng: “Thèm được đóng vai lương thiện mà cũng không cho”.
Tuy vậy, dù cùng một kiểu nhân vật giống nhau những mỗi nhân vật trong một phim, NSƯT Trần Đức lại có những cách diễn khác nhau, đem đến cho người xem những thú vị mới. Đó cũng chính là cách mà ông ghi lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng.
Có điều thú vị, nếu như NSƯT Trần Đức được khán giả xem truyền hình nhớ tới bằng các vai diễn phản diện thì gần 40 năm gắn bó với Nhà hát Kịch Hà Nội, ông lại gặt hái được các tấm huy chương hội diễn từ các vai chính diện. Vẫn là gương mặt ấy nhưng NSƯT Trần Đức đã biết sử dụng lợi thế của một nụ cười gian xảo, một ánh mắt quắc lên từ sau cặp kính để thể hiện các góc cạnh, chiều sâu của vai diễn. Đó thực sự là một nghệ sỹ có nghề khi có thể đảm nhận nhiều vai diễn trái chiều.
Với các vai diễn trùm xã hội đen, NSƯT Trần Đức luôn làm người khác thấy gờn gợn nếu phải tiếp xúc với ông. Nhưng nếu khán giả gặp ông ngoài đời, cái ác cảm sẽ được xóa đi nhờ sự thân thiện và lối nói chuyện gần gũi, cởi mở. NSƯT Trần Đức bảo: “Tôi sống như giọt nước, chảy vào đâu cũng tròn”.
NSƯT Trần Đức rời khỏi Nhà hát Kịch chuyển qua làm công tác giảng dạy tại Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cách đây 14 năm. Tuy nhiên, lòng ông vẫn luôn hướng về cái nơi đã cho ông một cuộc đời khác, đầy ắp những vinh quang, kỷ niệm và tình yêu thương. Thỉnh thoảng, ông vẫn tham gia làm 1-2 tiểu phẩm nhỏ cho chương trình “Quà tặng cuộc sống” và đi quay vài buổi một tháng.
NSƯT Trần Đức cũng đang làm chủ nhiệm CLB khiêu vũ, mỗi ngày trôi qua của ông luôn rộn ràng trong tiếng nhạc, tiếng hát và những điệu nhảy. Buổi sáng, NSƯT Trần Đức thường bắt đầu với những bài tập yoga và sẽ lên sàn khiêu vũ. Buổi tối, nếu rảnh, ông lại đến với CLB “Hát cho nhau nghe”. Dù sống vui vẻ nhưng NSƯT Trần Đức lại rất nghiêm khắc với bản thân. Ông cầu kỳ, chải chuốt trong cách ăn mặc. Còn trong giao tiếp, ông không cho phép mình được suồng sã, buông tuồng.
NSƯT Trần Đức chia sẻ: “Bây giờ, tôi đã có tuổi, không còn sức khỏe để rong ruổi với đoàn làm phim như thời trẻ. Chỉ vai diễn nào thấy hợp, tôi mới nhận lời tham gia”.
Nói về nhân vật ông Phương trong “Sống chung với mẹ chồng”, nam nghệ sỹ cho rằng, ông Phương không hề nhu nhược.
“Nhân vật này là một người cha hiền lành, yêu thương vợ con và hết lòng chăm lo cho gia đình của mình. Khác với bà Phương luôn muốn giải quyết mọi thứ bằng cách áp đặt thì ông Phương là kiểu mềm mỏng, nhẹ nhàng. Trong cuộc sống đời thường cũng thế, vẫn có nhiều cặp vợ chồng theo kiểu người nóng - người lạnh như ông Phương, bà Phương. Vợ chồng sống với nhau mấy chục năm, nếu lúc nào cũng choảng nhau chan chát thì làm sao cuộc sống được thuận hòa. Quan trọng là mình biết cái gì tốt cho gia đình, đấy mới là cách ứng xử của người đàn ông trụ cột gia đình”, NSƯT Trần Đức nói.
Nam nghệ sỹ chia sẻ, ông có một cuộc sống gia đình vui vẻ. Vợ ông là giảng viên âm nhạc, luôn đồng cảm với chồng trong nghệ thuật. Con trai ông hiện công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ, có tham gia một số chương trình truyền hình như: Xả xì trét, Gia đình vui nhộn… Con trai ông đã kết hôn và ông đã có hai cháu nội. Dù không sống chung một nhà nhưng mọi thành viên trong gia đình đều sống có trách nhiệm, thuận hòa và vui vẻ.
Hà Tùng Long