Điện ảnh 2016: Hollywood làm nên lịch sử, Châu Á… giậm chân tại chỗ
(Dân trí) - Trong khi điện ảnh phương Tây, mà cụ thể là Hollywood, đang có những bước phát triển thăng hoa rực rỡ, liên tục xô đổ những kỷ lục của mọi thời đại; thì điện ảnh phương Đông được cho là một năm trầm mặc, kém thăng hoa.
Điện ảnh Hollywood làm nên lịch sử trong hai năm liên tiếp
Năm 2016, điện ảnh Hollywood tiếp tục xác lập kỷ lục mới của mọi thời đại về mặt doanh thu sau những kỷ lục tưởng như khó lòng phá nổi của năm 2015.
Sau dịp nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới khiến người người nhà nhà đổ ra rạp xem phim, Hollywood cuối cùng đã có thể tổng kết một năm làm ăn phát đạt khi tổng doanh thu toàn ngành điện ảnh trong năm qua đạt mức 11,36 tỷ đô la Mỹ. 2016 là năm thứ hai liên tiếp, Hollywood tận hưởng một mức doanh thu kỷ lục của mọi thời đại.
Sau khi vượt qua con số 11 tỷ USD doanh thu vào ngày 26/12, doanh số toàn ngành điện ảnh Hollywood trong năm 2016 đã đi vào lịch sử trong ngày 28/12, khi con số tiếp tục vượt qua mốc kỷ lục 11,14 tỷ USD từng được xác lập hồi năm 2015. Cả năm 2016, kinh đô điện ảnh thu về 11,36 tỷ USD tính đến hết ngày 31/12.
Trong thành tựu chung của nền công nghiệp điện ảnh Hollywood, phải kể tới thành công của hãng phim Disney, trong năm qua, hãng này làm ăn “đại thắng”, trở thành hãng phim đầu tiên trong lịch sử thu về doanh số 7 tỷ đô la Mỹ từ phòng vé trong vòng một năm.
Chỉ riêng doanh số của Disney đã đủ giúp doanh số chung của toàn ngành điện ảnh Hollywood trong năm 2016 thăng hoa in dấu lịch sử.
Điện ảnh Hàn Quốc tăng về chất, giảm về lượng
Ở Châu Á, hai thị trường điện ảnh được đánh giá cao nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc, dù vậy, 2016 không phải là một năm may mắn đối với cả hai nền điện ảnh. Sau nhiều năm phát triển thuận lợi, phòng vé Hàn Quốc đã chứng kiến một sự kém khởi sắc.
Mặc dù giới điện ảnh Hàn Quốc tích cực cho ra nhiều phim mới, thậm chí có những phim rất chất lượng, thu hút sự quan tâm của người yêu điện ảnh quốc tế, nhưng phòng vé Hàn Quốc chỉ cán mốc 1,44 tỷ đô la Mỹ, tăng 1,2% so với năm ngoái.
Con số này đã được Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc đưa ra. Mặc dù có nhiều phim Hàn rất ăn khách ngoài phòng vé, nhưng sự tăng trưởng này không đáp ứng kỳ vọng của giới điện ảnh xứ kim chi.
Năm qua vẫn có hơn 200 triệu lượt khán giả Hàn ra rạp xem phim và là năm thứ 4 liên tiếp điện ảnh Hàn đạt được con số đáng ngưỡng mộ này, nhưng tổng doanh thu phòng vé lần đầu tiên chứng kiến một sự tăng trưởng “yếu ớt” kể từ năm 2008, chứng kiến một sự chững lại trong đà tăng trưởng của thị trường điện ảnh Hàn.
Năm 2015, điện ảnh Hàn từng chứng kiến sự tăng trưởng “èo uột” - 3%, năm 2014 mức tăng từng lên tới 6%. Như vậy, đã hai năm liên tiếp, thị trường điện ảnh Hàn có sự sụt giảm đáng lo ngại. Đỉnh cao tăng trưởng của điện ảnh Hàn là năm 2012, khi mức tăng lên tới 15%. Trước đó, năm 2010-2011, mức tăng ở quãng hơn 6%.
Trong năm qua, có tổng cộng 1.564 bộ phim ra rạp ở Hàn Quốc, tăng 23% (so với 1.203 phim được giới thiệu hồi năm 2015). Dù vậy, doanh thu mà giới điện ảnh Hàn Quốc thu về lại sụt giảm, dù lượng người xem ra rạp không giảm, bởi giá trị của đồng won đã bị yếu đi so với đồng đô la Mỹ trong năm qua.
Tại thị trường điện ảnh Hàn, phim nội địa vẫn tiếp tục dẫn dầu thị trường trong năm thứ 6 liên tiếp. Có tổng cộng 336 phim nội địa ra rạp trong năm 2016, nhận được sự quan tâm lớn của người yêu điện ảnh Hàn. Chỉ có 343 phim Mỹ được ra rạp tại Hàn, với rất nhiều bom tấn, nhưng cũng chỉ chiếm được 42,6% thị phần.
Bộ phim làm về đề tài xác sống của Hàn - “Train to Busan” (Chuyến tàu sinh tử) - là điểm sáng lớn nhất của năm 2016, khi đây vừa là phim thành công nhất năm về mặt chất lượng vừa là phim có doanh thu lớn nhất mọi thời đại của điện ảnh xứ kim chi (thu về 76,8 triệu đô la Mỹ).
Điện ảnh Trung Quốc chững lại sau thời gian phát triển “nóng”
Trung Quốc vốn được biết đến là nền điện ảnh lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, dù vậy, trong khi điện ảnh Hollywood tiếp tục có một năm phát triển rực rỡ thì điện ảnh Trung Quốc lại có một sự chững lại.
Dù vốn tạo rào cản ngặt nghèo đối với phim nước ngoài, nhưng trong năm qua thị phần phim nhập khẩu vẫn tiếp tục gia tăng 10,9% tại thị trường điện ảnh Trung Quốc, điều này chứng tỏ thị phần phim trong nước dù được ưu tiên phát triển nhưng vẫn không tránh khỏi sự sụt giảm vì cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Sau hơn một thập kỷ có đà tăng trưởng trung bình mỗi năm ở mức “siêu nóng” - 35%, lần đầu tiên phòng vé Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3,7% trong năm 2016, với 45,7 tỷ nhân dân tệ thu về, con số được đưa ra bởi Ủy ban Truyền thông, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc.
Đây là một bước sụt giảm mạnh bất thường của điện ảnh Trung Quốc, có nhiều lý do để giải thích cho điều này, trong đó việc đồng nhân dân tệ yếu đi so với đồng đô la Mỹ là một lý giải quan trọng, khi doanh số của một nền điện ảnh khi đem lên bàn cân quốc tế thường được quy ra đồng đô la Mỹ.
Thực tế, mức tăng trưởng 3,7% vẫn được xem là lý tưởng đối với những thị trường điện ảnh đã chứng kiến nhiều năm phát triển, ngay như thị trường điện ảnh Mỹ cũng chỉ có mức tăng trưởng 2,1% trong năm qua, thu về doanh số 11,36 tỷ đô la Mỹ, nhưng đối với một thị trường phát triển “nóng” như Trung Quốc, sự sụt giảm bất thường rất đáng quan tâm.
Năm 2016, điện ảnh nội địa Trung Quốc chứng kiến những bom tấn công phá như phim hài “Mỹ nhân ngư” của “vua hài” Châu Tinh Trì, thu về 528 triệu đô la Mỹ (mới chỉ tính riêng tại thị trường điện ảnh Trung Quốc). Phim lọt top 12 “siêu bom” có doanh thu phòng vé cao nhất thế giới năm qua.
Trước đây, đã có nhiều dự đoán cho rằng rất nhanh thôi, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới, vượt qua Bắc Mỹ, nhưng đà tăng trưởng trượt dốc bất ngờ thế này, thậm chí, người ta còn không chắc thị trường điện ảnh Trung Quốc sẽ có thể phục hồi.
Lý do đằng sau sự sụt giảm của điện ảnh Trung Quốc trong năm 2016 đã trở thành chủ đề tranh cãi của giới điện ảnh nước này, trong đó, những lý do được kể ra gồm có: phim nội địa giảm về chất, quy chế tính toán doanh thu phòng vé được thiết lập chính xác hơn, các kênh xem phim online hoạt động mạnh, sự kén chọn hơn trong cách xem phim của khán giả…
Thực tế, trong năm qua, Trung Quốc vẫn có thêm 1.612 rạp chiếu với tổng cộng 41.179 màn ảnh hoạt động, trong khi Mỹ chỉ có 40.759 màn ảnh cine.
Về mặt cơ sở vật chất, Trung Quốc hiện tại hoàn toàn có đủ điều kiện cạnh tranh với Mỹ - thị trường điện ảnh số 1 thế giới, nhưng thị trường truyền thống luôn có những thế mạnh ổn định của nó, và việc Trung Quốc muốn nắm vị trí đầu bảng trong thị trường điện ảnh sau quãng thời gian phát triển nóng có lẽ vẫn còn nhiều… gian nan.
Bích Ngọc
Theo Hollywood Reporter