Điểm cộng, điểm trừ phim “Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ”
(Dân trí) - Sau hơn một năm bấm máy và thực hiện công tác hậu kỳ, dự án điện ảnh “Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ” của đạo diễn Việt Anh - Nguyễn Thu đã chính thức ra mắt. Phim với nhiều điểm cộng về những cảnh quay đẹp, âm nhạc hoàn hảo và dàn diễn viên tay ngang đã khiến phim trở nên đáng xem.
“Những thước phim đẹp đến khó cưỡng”
Đây là dự án điện ảnh đầu tay mà diễn viên Việt Anh đóng vai trò đạo diễn, biên kịch. Nam diễn viên “Chạy án” cho hay, anh ấp ủ kịch bản này suốt 6 năm nay. Trước khi bộ phim được bấm máy, Việt Anh mất nhiều thời gian tìm diễn viên, bối cảnh phù hợp để dự án hoàn hảo nhất có thể.
Và trong lễ ra mắt tối qua (1/12) tại Hà Nội, bộ phim đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của giới nghệ sĩ và giới làm phim như: NSƯT, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, NSƯT Trọng Trinh, đạo diễn Tiến Huy, Hoa hậu Ngọc Hân, diễn viên Lã Thanh Huyền, nhiếp ảnh gia Tô Thanh Tân, Anh Tuấn, Bình An, Angela Phương Trinh, ca sĩ Văn Mai Hương, Hương Giang Idol…
“Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ” xoay quanh nhân vật chính Hoạ Mi (Angela Phương Trinh đảm vai), một tiểu thư “lá ngọc cành vàng” kiêm ca sĩ nổi tiếng. Sinh ra trong một gia đình giàu có, lại mất mẹ từ bé nên cô được bố nuông chiều. Thêm vào đó là có chút danh tiếng trong làng giải trí nên Hoạ Mi sống rất nổi loạn, ngang tàng và ích kỷ. Mặc dù, bố cô đã hết sức răn đe nhưng Hoạ Mi vẫn tạo ra không biết bao nhiêu rắc rối cho dàn vệ sĩ mà bố cô thuê để bảo vệ cô.
Cuối cùng, vì không nghe lời nên Hoạ Mi đã hai lần rơi vào tay những cố tình kẻ bắt cóc cô để uy hiếp bố cô phải “nhả” gói thầu cho họ. Để cứu cô khỏi bọn bắt cóc, Kevin Nguyễn (Mạc Hồng Quân thủ vai) đã bất chấp cả tính mạng và cuối cùng anh bị tên bắt cóc bắn trọng thương. Biến cố này đã giúp Hoạ Mi nhận ra những sai trái của mình và cô đã hoàn toàn thức tỉnh lương tâm.
Theo chia sẻ của đạo diễn Việt Anh, ngoài mục đích quảng bá “niềm tự hào” Vịnh Hạ Long với du khách trong nước và quốc tế, bộ phim còn gửi gắm thông điệp tới những người trẻ rằng: “Hãy trân trọng những giá trị và sức lao động của người đi trước. Để họ có được cuộc sống sung túc, những người đi trước đã phải hy sinh rất nhiều thứ, trải qua không ít biết cố”. Đạo diễn Việt Anh cho rằng, thông điệp phim rất đơn giản nhưng không phải ai cũng suy nhận ra được.
Có thể nói, “Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ” là một bộ phim nhẹ nhàng nhưng vẫn có đầy đủ các trạng thái cảm xúc. Từ lãng mạn, hài hước, tâm lý… đến hành động gay cấn. Người xem được dẫn dắt một cách tự nhiên qua những “hỷ nộ ái ố” rất thường tình của đời sống.
Điểm cộng phải kể đến đầu tiên đó là phim có những cảnh quay vô cùng đẹp. Có thể nói, sau những bộ phim đình đám như “Đông Dương” (1992), “Kong: Skull Is Land” (2016) thì “Vệ sĩ, tiểu thư và chàng khờ” là phim Việt đầu tiên khai thác vẻ đẹp nên thơ, hùng vĩ của kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Theo tiết lộ của nhà sản xuất, với 80% bối cảnh phim chủ yếu là trên vịnh và đảo Mắt Rồng đoàn làm phim đã phải huy động tới những kỹ thuật quay hiện đại fly cam mới bắt trọn được những cảnh đẹp nhất. Những cảnh quay trên du thuyền, cảnh hành động để giải cứu Hoạ Mi trên đảo Mắt Rồng và cảnh trên đảo Tuần Châu đã thực sự là “những thước phim đẹp đến khó cưỡng”.
Đạo diễn Việt Anh cho biết, để có được những cảnh quay này đoàn làm phim đã gặp không ít áp lực. Hạ Long rất đẹp vào cuối thu nhưng cũng “đỏng đảnh” vô cùng, có thể sáng mưa, trưa nắng, chiều âm u bất kỳ lúc nào. Ngoài vấn đề thời tiết thì việc quay trên biển cũng gặp không ít khó khăn so với quay trên đất liền.
“Khi quay trên biển chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào con nước. Lòng của Vịnh Hạ Long rất nhiều đá, nếu nước xuống thì rất có thể ca nô hay thuyền bị mắc cạn, thậm chí vỡ chân vịt. Ngoài ra, những ngày cuối mùa thu, Hạ Long tối rất nhanh nên thời gian quay buổi ngày rất ngắn. Đó chính là một trong những áp lực của chúng tôi” – đạo diễn Việt Anh chia sẻ.
Để phục vụ cho hơn 100 người trong đoàn làm phim ăn ở, sinh hoạt trên biển suốt gần một tháng, đoàn phim phải thuê tới 3 du thuyền, 6 ca nô cao tốc chỉ để phục vụ cho việc vận chuyển lương thực, xăng dầu, thiết bị máy móc từ đất liền ra đảo. Chỉ tính riêng chi phí thuê ca nô cao tốc, sinh hoạt diễn viên trong quá trình quay phim đã tốn 3 tỷ đồng - gấp 5 lần chi phí quay ở đất liền. Trong khi đó, chi phí thuê du thuyền mỗi ngày (3 chiếc) dao động ở mức 250 triệu đồng (khoảng 5 tỷ đồng).
Điểm cộng cho diễn viên và âm nhạc
Điểm cộng kế đến chính là dàn diễn viên chính của phim. Đạo diễn Việt Anh đã rất khôn khéo khi “đo ni đóng giày” vai Hoạ Mi cho Angela Phương Trinh. Nữ diễn viên trẻ vừa có ngoại hình đẹp, vừa có kinh nghiệm trong diễn xuất. Điều quan trọng là nhân vật này có nhiều đất diễn cho Angela “trổ nghề”. Thực ra đây không phải là lần đầu tiên Angela đóng vai tiểu thư. Nếu cô tiểu thư trong “Taxi, em tên gì?” mà Angela đảm nhận trước đó nghiêng nhiều về câu chuyện tình yêu thì cô tiểu thư trong phim này lại nặng tính đời sống.
Cô có cả một đời sống tâm lý với những “hỷ nộ ái ố” rất thực tế. Câu chuyện cô là ca sĩ chỉ là cái cớ để dẫn dắt người xem đi theo một “góc nhìn thẳng đứng”. Đó là phía sau vẻ ngoài "bất kham" của cô chính là một tâm hồn mong manh, yếu đuối và dễ cảm hoá. Tất cả đều xuất phát từ sự thiếu hụt tình cảm ngay từ khi cô mới sinh ra. Đạo diễn đã lồng trong câu chuyện nhẹ nhàng này một thông điệp nặng tính nhân văn. Đó là tình yêu như một thứ thuốc nhiệm mầu có thể cảm hoá mọi sự gan lì và trơ cứng.
Điểm cộng tiếp theo danh cho hai “tay ngang” Bằng Kiều, Mạc Hồng Quân. Đây là vai diễn thứ 2 của Bằng Kiều trong một dự án điện ảnh. Và dù vai diễn lần này của anh chỉ là vai thứ chính nhưng rõ ràng nếu không có nam ca sĩ "Trái tim bên lề" thì bộ phim hẳn cũng thiếu đi phần nào những tiếng cười thú vị.
Mạc Hồng Quân lần đầu chạm ngõ điện ảnh nhưng diễn xuất khá tốt. Vẫn biết vai diễn của Quân đã được đạo diễn và biên kịch “đo ni đóng dày” cho Quân ngay từ đầu nhưng Quân đã làm ra được màu sắc của nhân vật một cách tự nhiên, không gượng gạo.
Lợi thế của Quân chính là gương mặt lạnh lùng, vóc dáng thể thao và sự ngây ngô của một người mới chạm ngõ điện ảnh. Cả ba thứ đó cộng lại giúp Quân có được nét tự nhiên của nhân vật. Dù trong một số đoạn diễn nội tâm, Mạc Hồng Quân còn thiếu chiều sâu nhưng về cơ bản Quân đã hoàn thành trọn vẹn vai diễn của mình.
Điểm cộng nữa đó là âm nhạc của phim khá đi vào lòng người. Ca khúc do Văn Mai Hương và Bằng Kiều song ca đã tăng thêm giá trị của phim. Nhiều người thậm chí còn quả quyết, âm nhạc đã khoả lấp đi những khiếm khuyết không đáng có của phim. Hoa hậu Ngọc Hân chia sẻ, cô quá mê bản nhạc này nên ngay khi xem xong phim cô đã kịp tải nhạc về máy để cài làm nhạc chuông.
Bên cạnh dàn diễn viên chính và thứ chính cũng phải kể đến tuyến nhân vật phụ của phim như: Nghệ sĩ Hoàng Dũng, Hồng Vân, Bình An, Hà Việt Dũng, Tô Thanh Tân... cũng góp phần không nhỏ tạo nên sự thành công của phim.
Điểm trừ khó tránh khỏi
Tất nhiên, bên cạnh điểm cộng thì bộ phim cũng có một số điểm trừ khó tránh khỏi. Thứ nhất, đoạn đầu phim hơi bị gượng gạo và thừa thãi, không thực sự ăn nhập với diễn biến về sau của câu chuyện. Tình huống kịch để tạo nên tiếng cười trong phim chưa đắt giá, đôi chỗ hơi vụng về và khiên cưỡng. Bên cạnh đó, một vài nhân vật trong phim vẫn những đoạn diễn nội tâm hơi “lòng thòng”. Đạo diễn quá tham khi vừa để diễn viên thoại rất dài lại vừa phải biểu đạt trạng thái cảm xúc trên khuôn mặt. Điều này khiến cho sự lắng đọng của cảnh quay bị giảm đi rất nhiều. Nhất là cảnh Hoạ Mi ăn năn và gửi lời xin lỗi trên truyền hình ở đoạn cuối phim. Đoạn này, giá như thoại ít đi và để cho nhân vật biểu đạt trạng thái ân năn “nặng đô” hơn thì sẽ khiến người xem xúc cảm hơn. Thêm vào đó, cách xắp xếp bối cảnh trong phim đôi chỗ còn lộn xộn, chưa có hệ thống và chưa thể hiện được ngôn ngữ điện ảnh. Nhiều khi có cảm giác đạo diễn hơi gượng gạo khi phải bắt rất nhiều thứ trong một khung hình.
Hà Tùng Long